Tổng thống Putin: Chớ đùa với nước Nga có vũ khí hạt nhân
Quân đội Nga với kho vũ khí hạt nhân sẵn sàng đối phó bất kỳ cuộc xâm lăng nào, và các nước ngoài nên hiểu rằng “Tốt nhất thì đừng gây sự với chúng ta”. Đó là tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại một trại hè dành cho thanh niên bên hồ Seliger gần Moscow vào đêm 29.8 qua
Ông nói với các trại sinh, rằng việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 chủ yếu là cứu cộng đồng nói tiếng Nga khỏi sự đàn áp bạo lực của chính phủ Kiev. Ông nói cuộc nội chiến ở đông Ukraine hiện tại là hậu quả của việc Kiev từ chối thương lượng.
Nga luôn phủ nhận các cáo buộc của Ukraine và các chính phủ phương Tây, rằng Nga đưa quân và khí tài quân sự qua đông Ukraine để giúp phe đòi ly khai. Phe này từ tháng 4 đã đánh nhau với quân chính phủ Ukraine, khiến hơn 2.000 người chết tính cho đến nay.
Ông Putin nói với các trại sinh: “Nga không liên lụy vào bất kỳ cuộc xung đột cấp độ lớn nào. Nhưng dĩ nhiên chúng ta phải luôn sẵn sàng kháng cự bất kỳ âm mưu xâm lược Nga. Các đối tác của Nga…nên hiểu tốt nhất họ đừng gây sự với chúng ta”.
Ông nói tiếp: “Cảm ơn Chúa, tôi nghĩ không ai dám nghĩ đến chuyện đánh nhau lớn với Nga. Tôi muốn nhắc nhở các bạn rằng Nga là một trong những cường quốc hạt nhân”.
Tại buổi trại này, ông Putin nói chuyện vui vẻ với các trại sinh, nhận quà tặng của họ hoặc cười mỉm nói họ đừng khen ngợi ông quá. Khi một sinh viên nói cô chưa nghe trại sinh nào có lời bình tiêu cực về vai trò tổng thống của ông, ông cười tươi, đáp: “sự khách quan” là yếu tố quan trọng.
Nhưng ông Putin tỏ ra cứng rắn khi nói về Ukraine, quy trách nhiệm cho Mỹ và EU đã có hành vi vi hiến là lật đổ chế độ tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich hồi tháng 2, để thay bằng một chính phủ thân châu Âu.
Video đang HOT
Ông nói người miền đông Ukraine không đồng ý vụ lật đổ này, và hiện bị xe tăng,pháo và máy bay của chính phủ Ukraine “trừng phạt”.
“Nếu đó là những giá trị châu Âu đương đại, thì đơn giản tôi chỉ có sự thất vọng cao nhất”, và ông so sánh chiến dịch quân sự hiện nay của Ukraine ở miền đông Ukraine với việc phát xít Đức bao vây Leningrad hồi Thế chiến 2.
Ông nói: “Các làng nhỏ, thành phố lớn bị quân Ukraine vây và đánh vào khu dân cư nhằm phá tan cơ sở hạ tầng…đáng buồn thay, nói khiến tôi nhớ thời Thế chiến 2, khi quân phát Đức bao vây các thành phố của chúng ta”.
Nhà Trắng: Nga chớ nên quấy phá các vùng biển Baltic
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết: thông điệp mà Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chuyển đến đồng nhiệm Putin khi ông đi châu Âu trong tuần tới, là” chớ nên nghĩ chuyện quấy phá các nước vùng Baltic”.
Tuần tới, ông Obama sẽ đến Xứ Wales dự hội nghị thượng đỉnh NATO, và ông cũng sẽ ghé Estonia, nơi ông gặp lãnh đạo Estonia, Latvia và Lithuania nhằm trấn an các đồng minh vốn đang sợ Nga.
“Hai chặng dừng này nằm trong nỗ lực chuyển thông điệp đến người Nga, rằng hành vi của họ là không thể chấp nhận được”, theo phát biểu tại cuộc họp báo trưa 29.8 của Charles Kupchan, quan chức phụ trách các vấn đề châu Âu của Nhà Trắng.
Kupchan nói: “Ở Estonia có một cộng đồng Nga lớn, và thông điệp tổng thống Mỹ sẽ chuyển đến là “Chúng tôi ở cạnh các bạn”. Điều khoản 5 bảo đảm sự an toàn cho các bạn. Nga thậm chí chớ nên nghĩ đến chuyện gây rối trong Estonia hoặc ở bất kỳ nước nào trong vùng biển Baltic, theo cách mà họ đã làm ở Ukraine”.
Điều khoản 5 của NATO yêu cầu tất cả các nước thành viên của khối liên minh quân sự này phải bảo vệ một nước bạn bị tấn công.
Ukraine không là thành viên NATO, và theo Reuters, một trong những mục tiêu của Nga là không cho Ukraine gia nhập EU và NATO nhằm thân phương Tây hơn. Ngày 29.8, Thủ tướng Arseny Yatsenyuk nói Ukraine sẽ tiến hành các thủ tục gia nhập NATO.
Khi được hỏi về khả năng Ukraine gia nhập NATO, ông Kupchan nói lúc này NATO chưa bàn, nhưng “cửa luôn mở” đối với bất kỳ nước nào “sẵn sàng đóng góp vào sự an ninh của không gian châu Âu-Đại Tây dương”.
Theo ntd/Reuters
Đông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng vì Trung Quốc
Căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông đã thúc đẩy một số nước Đông Nam Á tăng chi tiêu quốc phòng.
Đài phát thanh Deutsche Welle (Đức) ngày 19-8 nhận định như trên với dẫn chứng số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển). Số liệu cho thấy năm 2013, ngân sách quốc phòng Đông Nam Á đã tăng 5% (lên 35,9 tỉ USD) và dự kiến sẽ tăng đến 40 tỉ USD vào năm 2016.
Đài phát thanh Deutsche Welle đã phỏng vấn ba chuyên gia của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm gồm Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự Sam Perlo-Freeman, Giám đốc chương trình sản xuất và chuyển nhượng vũ khí Aude Fleurant và nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình chuyển nhượng vũ khí Siemon Wezeman.
Ba chuyên gia ghi nhận Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Việt Nam đã tăng ngân sách quốc phòng khá mạnh trong những năm vừa qua. Thái Lan và Campuchia tăng ngân sách chủ yếu vì căng thẳng biên giới. Indonesia lo ngại bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc còn Việt Nam muốn tăng cường khả năng phòng vệ trước hành động của Trung Quốc.
Bắc Kinh dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á.
Các chuyên gia nhận định không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn xung đột vũ trang xảy ra. Dù vậy, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự để tìm cách tạo ra các thực tế mới trên biển Đông và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tranh chấp hơn. Đáp lại, các nước trong khu vực sẽ tiến hành ứng phó như củng cố năng lực quân sự và xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ.
Theo các chuyên gia, sẽ là sai lầm nếu các nước Đông Nam Á trông cậy hoàn toàn vào Mỹ đồng thời cũng sẽ rất rủi ro nếu muốn tự lập trong công tác xây dựng năng lực quốc phòng. Đông Nam Á vẫn cần dựa vào cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ để duy trì ổn định khu vực. Tuy nhiên, các nước cũng cần tự phát triển năng lực quân sự.
Một số nước Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ viện trợ quân sự của Mỹ dưới hình thức bán vũ khí, ví dụ như Mỹ đã hứa bán tàu tuần duyên cũ cho Philippines. Mỹ cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và có thể sẽ bán máy bay trinh sát biển cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, mua sắm vũ khí là hoạt động bình thường để củng cố sức mạnh vũ trang nhằm ứng phó với các mối đe dọa mới. Dù vậy, mua sắm vũ khí hoặc mở rộng hải quân và không quân ở Đông Nam Á có thể vượt khỏi tầm kiểm soát khi cơ chế đàm phán giải quyết tranh chấp quốc tế trong khu vực vẫn còn yếu. Các chuyên gia nhận định nguy cơ chiến tranh toàn diện vì tranh chấp biển Đông rất nhỏ nhưng rủi ro về các biến cố không lường trước lại gia tăng.
Theo Pháp Luật