Tổng thống Putin cảnh báo đặt Ba Lan và Rumani trong tầm ngắm tên lửa
Tổng thống Nga cảnh báo, Rumani và Ba Lan có thể sẽ lọt vào tầm ngắm của tên lửa Nga vì các nước này là nơi lắp đặt các bộ phận của hệ thống lá chắn tên lửa.
Cảnh báo khắc nghiệt nhất từ trước đến nay của Tổng thống Nga Putin về hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu được đưa ra trong chuyến công du Hy Lạp.
“Nga sẽ buộc phải áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh của mình. Tôi nhắc lại rằng đó là các biện pháp trả đũa. Nhưng chúng tôi sẽ không đi bước đầu tiên. Chúng tôi sẽ chưa hành động chừng nào tên lửa chưa xuất hiện tại các khu vực tiếp giáp với chúng tôi” – Tổng thống Nga Putin cảnh báo.
Người đứng đầu điện Kremlin không nói cụ thể về những hành động có thể có của Nga, nhưng cho biết đó sẽ là biện pháp đáp trả các động thái của Washington.
Hồi đầu tháng, quân đội Mỹ đã khởi động bộ phận lá chắn tên lửa tại Rumani và hiện tại, một phần khác của hệ thống lá chắn này cũng đang được triển khai tại Ba Lan, quốc gia có đường biên giới chung với Nga. Dự kiến vào năm 2018, căn cứ tại Ba Lan sẽ đi vào hoạt động. Với dự án này, các tên lửa thuộc hệ thống lá chắn có thể dễ dàng vươn tới các thành phố của nước Nga.
Video đang HOT
Theo Tổng thống Nga Putin, lập luận rằng dự án phòng thủ tên lửa này cần thiết để phòng vệ trước Iran là phi lý, vì một thỏa thuận quốc tế nhằm kiềm tỏa chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được.
Theo_VTV
Lá chắn tên lửa "công phá" quan hệ Nga, Mỹ
Hôm 12/5, Mỹ chính thức cho kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa trị giá 800 triệu USD ở Rumania một nước láng giềng rất gần với Nga. Đây được xem là một đòn giáng rất mạnh vào quan hệ vốn đã đang rất căng thẳng giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Rumani
Kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu từ lâu đã là "cái dằm" gây nhức nhối trong mối quan hệ Nga-Mỹ. Những tưởng Tổng thống Obama đã gỡ bỏ được "cái dằm" này sau khi phát động chiến dịch "tái cài đặt" quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền Mỹ vẫn âm thầm triển khai kế hoạch theo hướng có sự điều chỉnh và sự kiện ở Rumani đánh dấu bước mở màn cho việc thực thi chính thức kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington ở Châu Âu.
Khi lên cầm quyền đầu năm 2009, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố chính sách cài đặt lại mối quan hệ với đối thủ Nga và để "xoa dịu" Moscow, ông Obama đã huỷ bỏ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa thời chính quyền Bush ở Ba Lan và CH Czech. Thay vào đó, ông Obama theo đuổi phương pháp tiếp cận lấy NATO làm trọng tâm. Cụ thể, hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu sẽ được chuyển giao cho NATO quản lý. Hệ thống mới ngoài trạm phòng thủ tên lửa vừa được kích hoạt ở Deveselu, Rumani còn bao gồm một trung tâm chỉ huy ở căn cứ không quân Ramstein ở Đức; 4 tàu chiến Mỹ được bố trí ngoài khơi miền nam Tây Ban Nha, một căn cứ radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và một căn cứ tương tự giống ở Rumani vừa được động thổ tại Ba Lan hôm 15/5 vừa rồi.
Kế hoạch mới của ông Obama đã được phê chuẩn từ hồi năm 2010 nhưng những năm qua nó dường như bị "bỏ quên" khi mà quan hệ Nga và Mỹ có nhiều dấu hiệu cải thiện. Và sự kiện kích hoạt trạm phòng thủ tên lửa ở Rumani rõ ràng đã gây bất ngờ.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên bờ Aegis vừa được khởi động tại Rumani có khả năng phóng đi những tên lửa SM-3 - loại tên lửa đánh chặn không có đối thủ. SM-3 có thể đánh chặn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của kẻ thù.
Tại lễ cắt băng khánh thành trạm phòng thủ tên lửa, giới chức Mỹ và NATO tuyên bố, hệ thống của họ là nhằm để bắn hạ tên lửa tấn công từ những nước như Iran. "Chừng nào Iran còn tiếp tục phát triển và triển khai các tên lửa đạn đạo thì Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh để bảo vệ NATO", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work phát biểu. Ông này đồng thời nhấn mạnh, hệ thống của họ ở Rumani sẽ không được sử dụng để đối phó với bất kỳ mối đe doạ tên lửa trong tương lai nào từ Nga. Trước đó, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Frank Rose cũng đã khẳng định tại cuộc họp báo ở thủ đô Bucharest rằng, hệ thống Aegis ở Rumani không làm "phương hại đến năng lực răn đe chiến lược của Nga và nó cũng không có khả năng làm điều đó".
Tuy nhiên, Nga rõ ràng không thể tin vào những gì Mỹ nói.
Washington khẳng định chắc nịch rằng, lá chắn tên lửa của họ ở Châu Âu là nhằm để đối phó với mối đe doạ tên lửa cụ thể từ Iran. Điều này nghe có vẻ không hợp lý khi mà giờ đây Mỹ và Iran đang ở một tình thế rất khác so với cách đây 6 năm khi kế hoạch lá chắn tên lửa mới được thông qua. Vào thời điểm năm 2010, Mỹ và Iran vẫn đang đối đầu nhau gay gắt vì chương trình hạt nhân, tên lửa đáng lo ngại của Tehran. Tuy nhiên, hiện tại, Mỹ và Iran đang đạt được những bước tiến lớn trên con đường giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của nước Cộng hoà Hồi giáo. Như vậy, thực tế là mối đe doạ từ Iran hiện giờ không phải là cấp bách để Mỹ bắt tay vào triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa.
Ngoài ra, Mỹ lại kích hoạt hệ thống lá chắn tên lửa vào đúng thời điểm quan hệ giữa nước này với Nga đang hết sức căng thẳng vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Điều đó có thể cho thấy rõ, Washington rõ ràng đang nhằm vào Moscow.
Điều khiến Nga cảm thấy bất an nữa là, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Châu Âu dù đang được đặt ở trạng thái phòng thủ nhưng nó có thể được "cài đặt" lại để sử dụng cho mục đích tấn công.
Trước đây, khi Iran đang thách thức các cường quốc bằng chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của mình, Mỹ và phương Tây đã không thể thuyết phục Moscow đặt tin tưởng vào hệ thống lá chắn tên lửa của họ ở Châu Âu thì giờ đây điều này còn khó hơn rất nhiều.
Moscow đã nhanh chóng có phản ứng mạnh cả về lời nói và hành động đối với bước đi đầu tiên trong kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu. Giới chức Nga chỉ trích gay gắt hành động của Mỹ đồng thời cảnh báo sẽ thực thi nhiều biện pháp để vô hiệu hoá hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu. Trong một bước đi đầu tiên nhằm đối phó với lá chắn tên lửa của Mỹ trong khu vực, Nga tuyên bố sẽ cho kích hoạt lại một trạm radar cảnh báo sớm ở bán đảo Crimea nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đánh chặn tiềm tàng của Mỹ và NATO vào khu vực.
Vân Linh
Theo_VnMedia
Mỹ đốt bao nhiêu tiền cho lá chắn tên lửa Romania Theo chuyên gia quân sự người Đức, HansJoachim Spanger, Mỹ quyết định chi khoảng 1,6 tỷ USD để triển khai lá chắn ở Romania và sắp tới tại Ba Lan. Mỹ đốt tiền Theo vị chuyên gia người Đức, số tiền Mỹ chi cho 2 căn cứ quân sự này sẽ tiếp tục tăng lên. Trong đó, các khoản phí tiêu tốn hàng...