Tổng thống Philippines liệu có nếm đường mật của Trung Quốc
Việc Tổng thống Philippines liên tục nặng lời với Mỹ khiến nhiều người chú ý đến tuyên bố của ông về người Trung Quốc đã hỗ trợ mình trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Hồi tháng ba, khi ông Rodrigo Duterte còn là thị trưởng một thành phố phía nam tham vọng ngồi vào chiếc ghế quyền lực nhất đất nước, ông đã khoe rằng những người ủng hộ mình mạnh mẽ nhất là cộng đồng người Hoa và nguồn tiền cho chiến dịch quảng bá trước khi tranh cử đến từ “một mạnh thường quân Trung Quốc giấu tên”.
Tại thời điểm đó, ít ai chú ý tới nhà quyên góp bí ẩn người Hoa này. Ông Duterte không phải ứng viên duy nhất nhận được các khoản quyên góp từ cá nhân, tổ chức nước ngoài trong cuộc đua giành chức tổng thống, nhưng khi ông Duterte có những phát ngôn chống Mỹ gây chú ý, khả năng Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Philippines trở thành vấn đề được quan tâm, theo The Australian.
Trong vòng hai tuần, ông đe doạ sỉ nhục Tổng thống Mỹ Barack Obama, đề nghị binh sĩ Mỹ rút khỏi Mindanao, yêu cầu lực lượng tuần tra hải quân Philippines không ra khỏi phạm vi 12 hải lý tính từ bờ ở Biển Đông. Ông Duterte cũng đề nghị Bộ trưởng Quốc phòng nghiên cứu mua khí tài quân sự từ Nga và Trung Quốc, thay vì tìm đến nhà cung cấp truyền thống là Mỹ.
Philippines có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Mỹ. Vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống Philippines, Washington đã cùng Manila thắt chặt hơn nữa mối quan hệ thông qua Thỏa thuận Hợp tác Tăng cường Phòng thủ. Người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino đã cho phép các lực lượng và nhà thầu Mỹ tiếp cận một số khu vực mà hai bên thống nhất.
Thỏa thuận này được xem như thắng lợi cho Washington, vì nó cho phép Mỹ đưa thêm binh sĩ, tàu chiến và máy bay tới đồn trú tại Philippines. Đây cũng là một phần trong chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Philippines hồi tháng 5 cũng có ý nghĩa rất quan trọng với Bắc Kinh. Thời điểm đó, Tòa Trọng tài tại Hà Lan chuẩn bị ra phán quyết trong vụ Manila kiện Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Và đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, phán quyết hồi tháng 7 của tòa nghiêng về hướng có lợi cho Philippines.
Thỏa thuận quốc phòng Mỹ – Philippines, cộng với thỏa thuận về tuần tra chung trên Biển Đông, là những đòn bẩy của Mỹ trong chiến lược kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
“Vào thời điểm bầu cử, có rất nhiều đồn đoán rằng tiền của Trung Quốc đang đổ vào chiến dịch tranh cử tổng thống và sẽ là một yếu tố chi phối”, ông Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế, viện Lowy, nói.
Video đang HOT
Nếu Trung Quốc muốn ủng hộ một ứng viên chiến lược nào, nhiều khả năng nhất đó là phó tổng thống vào thời điểm đó Jejomar Binay, người tuyên bố sẽ có quan điểm ôn hòa hơn với Bắc Kinh so với ông Aquino.
Dù vậy, “sẽ hoàn toàn hợp lý nếu Trung Quốc muốn có nhiều ứng viên thân Bắc Kinh nhất có thể”, tiến sĩ Graham nói.
Nhà phân tích chính trị Philippines Richard Javad Heydarian xác nhận có nhiều tin đồn rằng tiền Trung Quốc đã đổ vào suốt chiến dịch tranh cử tổng thống Philippines. Tuy không có bằng chứng nào, ông cho rằng “khả năng tiền của Trung Quốc có liên quan đến các cuộc bầu cử trong khu vực không thể bị xem nhẹ”.
Thái độ cứng rắn của ông Duterte đối với Mỹ, nước sẽ đóng góp tới 120 triệu USD cho ngân sách quốc phòng của Manila trong năm nay, hoàn toàn đối lập với lối tiếp cận của ông này với Bắc Kinh. Dù vậy, ông Heydarian nhận định mọi chuyện có thể thay đổi.
“Ông Duterte rõ ràng sẵn sàng đi xa trong việc mở các kênh đối thoại với Trung Quốc, bằng cách phát đi thông điệp tích cực. Nhưng nếu trong vài tháng tới, Trung Quốc không có bước nhượng bộ đáng kể nào, ông Duterte sẽ buộc phải giữ lập trường cứng rắn hơn”, chuyên gia nhận định.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Xua đuổi lính Mỹ, Tổng thống Philippines muốn đổi đồng minh lấy danh tiếng
Tổng thống Philippines dường như muốn thu hút sự ủng hộ của dân chúng bằng lập trường độc lập hơn về an ninh với đồng minh chủ chốt Mỹ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua đã khiến nhiều người bất ngờ, khi tuyên bố muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội sở tại chống khủng bố ở tỉnh Mindanao phải rút về nước. Các chuyên gia phân tích cho rằng tuyên bố này của ông Duterte có thể đẩy quan hệ Mỹ - Philippines vào tình trạng căng thẳng, nhưng lại mang lại tiếng tăm cho ông trong dân chúng, theo RT.
Theo Joseph Cheng, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Hong Kong, đây chỉ là một trong những phát ngôn "phi ngoại giao" mà ông Duterte đưa ra gần đây nhắm vào Mỹ, một trong những đồng minh thân cận và lâu đời của Philippines, thể hiện ý muốn bớt lệ thuộc an ninh vào Washington của nhà lãnh đạo mới tại Manila.
Kể từ khi Mỹ rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Philippines vào thập niên 1990, nhiều thành phần trong xã hội Philippines không còn muốn chứng kiến lính Mỹ đóng quân ở nước này, dù chỉ là một lực lượng đặc nhiệm nhỏ hỗ trợ chống khủng bố ở Mindanao. Thế nên, tuyên bố trên của ông Duterte dường như nhằm chiều theo "chủ nghĩa dân tộc" của dân chúng, từ đó thu hút thêm sự ủng hộ và danh tiếng trong giai đoạn mới nắm quyền, Cheng nhận định.
Có vẻ như ông Duterte cũng muốn thi hành một chính sách đối ngoại độc lập hơn, không muốn phụ thuộc quá nhiều vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ như những tổng thống tiền nhiệm. Việc giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ sẽ tạo thuận lợi hơn cho Philippines trong các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cũng như cải thiện quan hệ kinh tế song phương và có thể là nhận viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh.
Là một tổng thống vừa mới lên nắm quyền hơn hai tháng, ông Duterte cần có những biện pháp để củng cố và thúc đẩy lòng tin, sự ủng hộ của dân chúng. Về đối nội, ông phát động chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy quy mô lớn, khiến gần 3.000 người chết. Về chính sách đối ngoại, có vẻ như tân Tổng thống Philippines muốn tạo dựng bản sắc và vị thế riêng, đối lập với những người tiền nhiệm, bằng cách thiên về lập trường dân tộc chủ nghĩa, và chấp nhận "gây hiềm khích" với đồng minh Mỹ, ông Cheng nhận định.
Trong cuộc gặp các quan chức cảnh sát và quân đội hôm qua, Tổng thống Duterte tuyên bố ông từ chối gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vì "không muốn bị lên lớp" về vấn đề nhân quyền. Trước đó, ông cũng từng nói là sẽ "chửi thề" nếu ông Obama chỉ trích chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy ở Philippines.
Đe dọa quan hệ đồng minh
Đặc nhiệm Mỹ hỗ trợ quân đội Philippines trong một chiến dịch an ninh. Ảnh: MIO
Các chuyên gia phân tích của tờ MilitaryTimes cho rằng những lời phát ngôn của ông Duterte có khả năng đe dọa đến triển vọng hợp tác quân sự giữa Mỹ và Philippines. Tilghman lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Tổng thống Philippines đưa ra lời tuyên bố công khai phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước này.
"Duterte đang đặt mối quan hệ đồng minh giữa hai nước vào nguy cơ", Patrick Cronin, giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington, cho biết.
Dù cho rằng Mỹ cần phải kiên nhẫn chờ đợi để xem đây chỉ là một tuyên bố bốc đồng hay là chính sách lâu dài của ông Duterte, Cronin vẫn cho rằng Tổng thống Philippines tới đây phải làm rõ hình thức quan hệ mà ông này muốn có với Mỹ. "Nếu cứ nói ra bất cứ điều gì nghĩ ra trong đầu, ông ấy sẽ hủy hoại mối quan hệ đồng minh trước khi nhận ra điều đó", chuyên gia này nói.
Quan hệ quân sự Mỹ - Philippines đã tiến triển tốt đẹp dưới thời ông Beniqno Aquino, tổng thống tiền nhiệm của ông Duterte. Hai nước đã công bố kế hoạch triển khai lực lượng quân sự Mỹ luân phiên tại 5 căn cứ của Philippines, trong bối cảnh tình hình tranh chấp ở Biển Đông ngày càng phức tạp.
Các lãnh đạo quân sự Mỹ coi Philippines là một đồng minh chủ chốt trong việc kiềm chế Trung Quốc cũng như tham vọng lãnh thổ quá đáng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đặc nhiệm Mỹ được triển khai đến Mindanao để hỗ trợ quân đội Philippines chống phiến quân Abu Sayyaff ở miền nam từ năm 2002. Lãnh đạo nhóm phiến quân này đã thề trung thành với thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) từ năm 2014.
Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết hai bên vẫn chưa có bất cứ cuộc thảo luận chính thức nào về việc thay đổi nhiệm vụ của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại Mindanao, và đến nay ông Duterte cũng chưa đưa ra bất cứ hạn chót nào cho việc rút quân của lính Mỹ.
Tuy nhiên, các quan chức dân sự và quân sự Mỹ tới đây có thể sẽ gặp gỡ ông Duterte để thảo luận thêm về tương lai quan hệ quân sự giữa hai nước, theo ông Cronin.
"Chúng ta phải ngồi lại với ông ấy và làm rõ mọi thứ mà ông ấy muốn. Nếu ông ấy thực sự muốn Mỹ rút quân khỏi miền nam Philippines, chúng ta sẽ tuân thủ yêu cầu đó", chuyên gia này nhấn mạnh.
Nhưng chuyên gia này chỉ ra một điều rằng nếu đặc nhiệm Mỹ rút đi, quân đội Philippines sẽ gần như "mù" trước các hoạt động của phiến quân Abu Sayyaff ở miền nam cũng như các hoạt động của tàu Trung Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc, vì họ không có khả năng lắp đặt, vận hành các cảm biến hiện đại để thu thập thông tin tình báo, trinh sát trên phạm vi rộng như lính Mỹ.
Lính Mỹ và cảnh sát biển Philippines tuần tra trên biển. Ảnh: MIO
"Đó là hệ thống thông tin mà chỉ có chúng tôi mới có thể tạo ra cho Philippines. Tôi không nghĩ rằng Tổng thống Duterte thực sự muốn gạt bỏ những lợi ích khi hợp tác với chúng tôi chỉ bằng vài lời buột miệng", Cronin nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Tổng thống Duterte cảnh cáo lính Mỹ rút khỏi nam Philippines Ông Duterte cảnh cáo lính Mỹ rút ra khỏi vùng Mindanao ở miền nam Philippines, cho rằng lính Mỹ hiện diện ở đây có thể làm phức tạp các chiến dịch chống Abu Sayyaf của chính phủ Philippines, đồng thời lo ngại lính Mỹ sẽ bị Abu Sayyaf bắt cóc. Ngày 12-9, phát biểu trong một buổi lễ nhậm chức của một số...