Tổng thống Philippines khó lùi bước nếu Trung Quốc cải tạo Scarborough
Dưới sức ép của công chúng, Tổng thống Philippines Duterte sẽ buộc phải cứng rắn nếu Trung Quốc thay đổi hiện trạng bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là người khó đoán. Ảnh:Reuters
“Nếu Bắc Kinh xây dựng trên bãi cạn Scarborough, hoặc tiếp tục ngăn ngư dân Philippines tiếp cận khu vực này, họ có thể gây nên phản ứng dữ dội ở Philippines và buộc ông Duterte thực hiện chiến lược tương tự với chiến lược của cựu tổng thống Benigno Aquino”, Phillip Orchard, chuyên gia về Đông Nam Á tại tổ chức nghiên cứu địa chính trị Stratfor, Mỹ, trao đổi với VnExpress.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm 7/9 công bố các hình ảnh tàu Trung Quốc đi vào Scarborough, khẳng định các tàu này có khả năng hút cát và thực hiện các hoạt động khác để xây đảo nhân tạo. Bắc Kinh sau đó lên tiếng xác nhận điều các tàu hải cảnh đến Scarborough để “tuần tra thực thi pháp luật” nhưng phủ nhận ý định xây dựng bãi cạn.
Scarborough, khu vực đánh cá truyền thống của Philippines, là điểm nóng tranh chấp giữa Maniala và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc chiếm giữ hồi 2012. Suốt từ đó đến khi kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Aquino đã thực hiện một chiến lược kiên quyết nhằm đẩy lui ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Video đang HOT
Cùng với việc tăng cường hợp tác quốc phòng với đồng minh Mỹ bằng cách ký hiệp ước cho phép quân đội Mỹ đồn trú luân phiên tại các căn cứ quân sự của Philippines, ông Aquino còn là người thúc đẩy vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thành lập phụ lục VII của Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Manila đã giành thắng lợi lớn sau khi Tòa ra phán quyết giữa tháng 7, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cựu tổng thống Aquino cũng là người coi trọng việc tăng hợp tác với các nước cùng có tranh chấp với Trung Quốc, thúc đẩy đối thoại trong nội khối ASEAN nhằm đưa ra tiếng nói chung của hiệp hội này, phản đối các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc.
Chuyên gia Mỹ Orchard cảnh báo Trung Quốc đang nỗ lực lợi dụng sự thay đổi lãnh đạo ở Philippines, “lôi kéo” ông Duterte về phía mình, thúc đẩy hợp tác theo những điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra. Ưu tiên hiện nay của ông Duterte là củng cố quyền lực và thúc đẩy giải quyết các vấn đề nóng như ma túy và tội phạm, tạo nỗ lực trong tiến trình hòa bình với các phiến quân. Với vấn đề Biển Đông, ông Duterte ủng hộ đàm phán song phương với Trung Quốc và đã cử đặc phái viên sang Trung Quốc để tháo gỡ bế tắc. Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc tăng viện trợ và đầu tư có thể giúp Tổng thống Philippines hoàn thành các mục tiêu của mình. Do đó ông Orchard cho rằng việc Trung Quốc xây dựng ở Scarborough không phải là điều diễn ra trong tương lai gần.
Trả lời câu hỏi về việc ông Duterte không thể hiện quan điểm về Biển Đông khi tham dự cuộc họp của ASEAN và các đối tác tại Lào tuần qua, thậm chí hủy tham dự họp cấp cao ASEAN – Mỹ “vì đau đầu”, nhà phân tích Phillip Orchard cho rằng Tổng thống Philippines có thể sẽ thúc đẩy hợp tác với các nước như mở kênh liên lạc nhằm ngăn các sự cố bất ngờ trên biển, tăng cường các thỏa thuận phi chính thức về đánh bắt cá. Tuy nhiên ông Orchard nhận định đây chỉ là các động thái có vai trò “thứ yếu” và bày tỏ lo ngại về sự thống nhất của ASEAN với tranh chấp.
“Sự phối hợp của ASEAN về vấn đề Biển Đông không có nhiều không gian, các nước còn chia rẽ về quan điểm để có hành động chung”, Orchard nói.
Dự đoán về mối quan hệ Philippines với Mỹ sau sự cố “vạ miệng” của Tổng thống Duterte với người đồng cấp Barack Obama, chuyên gia này cho rằng lời lẽ của ông Duterte sẽ không tác động đến hợp tác song phương, và ông Duterte đã nói lời xin lỗi. Phía Nhà Trắng cũng giảm nhẹ sự việc, cho thấy việc “dễ tự ái” trong chính sách ngoại giao sẽ không mang lại nhiều lợi ích.
Mối hợp tác giữa Philippines và Mỹ sẽ hướng tới các nhân tố tạo nên bức tranh lớn, Manila vẫn là một phần cốt lõi trong chiến lược của Washington trong khu vực. Các vấn đề lớn như Biển Đông, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia sẽ khiến hai nước tăng hợp tác.
“Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan ngại về sự khó đoán của Tổng thống Duterte”, ông Orchard nói.
Việt Anh
Theo VNE
Trung Quốc xác nhận điều tàu ra Scarborough, phủ nhận cải tạo
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines xác nhận các tàu nước này ở gần bãi cạn Scarborough, tuy nhiên phủ nhận việc xây dựng ở đây.
Một trong 10 chiếc tàu của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: Philstar
"Phía Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của một số tàu hải cảnh để thực hiện tuần tra thực thi pháp luật. Một số tàu cá cũng xuất hiện ở khu vực này", Philstar dẫn lại thông báo hôm qua của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết.
Trung Quốc cho hay "không có hoạt động nạo vét hay xây dựng gì ở đây", cảnh báo "ý đồ gây tổn hại của bên đưa ra thông tin vô căn cứ".
Sứ quán Trung Quốc cũng cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa chưa gặp Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana để giải thích về hình ảnh cáo buộc bồi đắp Scarborough, như báo chí đưa tin.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm qua cáo buộc Trung Quốc điều các tàu vào bãi cạn Scarborough cuối tuần qua, báo hiệu cho các hoạt động xây dựng. Các tàu này có khả năng hút cát và thực hiện các hoạt động khác để xây đảo nhân tạo. Ông Lorenzana cho biết tình hình "rất đáng lo ngại" nếu như hoạt động cải tạo được thực hiện.
Khánh Lynh
Theo VNE
Philippines tung ảnh tàu Trung Quốc gần bãi cạn tranh chấp tại hội nghị ASEAN Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay công bố các hình ảnh chụp tàu Trung Quốc gần bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông, chỉ vài giờ trước khi các nước Đông Nam Á gặp thủ tướng Lý Khắc Cường. Một tàu tuần duyên Trung Quốc trong ảnh do Philippines chụp được gần bãi cạn Scarborough. Ảnh: ABS-CBN Giới chức không giải thích về...