Tổng thống Philippines Duterte đến Hà Nội
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chiều nay đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài đến ngày mai.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Reuters
Ông Duterte đến Việt Nam lần này nhằm trao đổi phương hướng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược trong thời gian tới, nhất là về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, thông cáo của Bộ Ngoại giao cho biết.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên và là chuyến công du nước ngoài thứ 4 của Tổng thống Philippines, từ khi ông nhậm chức cuối tháng 6.
Việt Nam và Philippines năm nay kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hợp tác kinh tế phát triển tích cực, kim ngạch thương mại năm ngoái đạt gần ba tỷ USD, 7 tháng đầu năm nay đạt hơn 1,7 tỷ USD. Hai bên tổ chức đối thoại chính sách cấp thứ trưởng quốc phòng lần thứ hai vào tháng 4 năm nay.
Hợp tác biển và đại dương tiếp tục là một trong những trụ cột trong quan hệ song phương. Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về biển và đại dương cấp thứ trưởng ngoại giao, phiên thứ hai diễn ra vào tháng 9 năm ngoái. Thỏa thuận song phương về tìm kiếm cứu nạn trên biển có hiệu lực từ cuối 2012. Tuyên bố chung về nguyên tắc 9 điểm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông ký 1995, bản thỏa thuận thăm dò địa chấn chung Việt Nam – Philippines – Trung Quốc ký năm 2005.
Hai nước thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam và Bộ tư lệnh phòng vệ bờ biển Philippines hồi 2011, thỏa thuận tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines, quy chế giao lưu trên đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông giữa hải quân hai nước.
Video đang HOT
Khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tháng này tại Lào, ông Duterte khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam không chỉ là láng giềng tốt mà là “anh em thân thiết”.
Tối nay ông Duterte sẽ có cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Philippines tại Việt Nam. Sáng mai, ông đến đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Philippines sẽ tiến hành họp hẹp và hội đàm. Ông Duterte trong chiều mai hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chào xã giao Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự chiêu đãi Nhà nước và rời Việt Nam.
Trước khi đến Việt Nam ông Duterte thăm Singapore trong hai ngày 27 -28/9. Sau Việt Nam ông sẽ đến thăm Thái Lan.
Tổng thống Duterte sinh năm 1945 tại Leyte, ông có bằng Cử nhân luật Trường San Beda (1972), Cử nhân Khoa học chính trị, Đại học Lyceum, Philippines (1968).
Ông bắt đầu làm việc tại Văn phòng công tố viên, thành phố Davao từ 1977, sau đó giữ các chức phó thị trưởng và thị trưởng đến cuối tháng 6 năm nay. Ông là tổng thống thứ 16 của Philippines.
Việt Anh
Theo VNE
Ông Duterte có thể muốn cùng Việt Nam ngăn Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Tổng thống Philippines Duterte khi đến thăm Việt Nam có thể thảo luận cụ thể hơn về hợp tác nhằm ngăn chặn tốc độ quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: Independent
"Việc ông Duterte muốn tăng hợp tác chính sách với Việt Nam về tình hình Biển Đông là điều dễ hiểu, cả hai nước đều bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở đây. Việc giữ Bắc Kinh không quân sự hoá bãi cạn Scarborough sẽ mang lại lợi ích cho cả Manila và Hà Nội", Giáo sư Sheldon Simon, chuyên gia chính trị tại Đại học bang Arizona, Mỹ, đánh giá trong email gửi VnExpress. Tổng thống Philippines Duterte chiều nay sẽ đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức hai ngày tới Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Philippines hôm 7/9 công bố các hình ảnh tàu Trung Quốc đi vào Scarborough, khẳng định các tàu này có khả năng hút cát và thực hiện các hoạt động khác để xây đảo nhân tạo. Bắc Kinh sau đó lên tiếng xác nhận điều các tàu hải cảnh đến Scarborough để "tuần tra thực thi pháp luật" nhưng phủ nhận ý định xây dựng bãi cạn. Scarborough là khu vực đánh cá truyền thống của Philippines, là điểm nóng tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh sau khi Trung Quốc chiếm giữ hồi 2012.
Giáo sư Simon cho rằng, Trung Quốc đang lên kế hoạch kiểm soát cái gọi là "chuỗi đảo đầu tiên" ở Biển Đông, mà điểm kết thúc phía đông có thể là bãi Scarborough. Nếu Bắc Kinh xây căn cứ quân sự ở đó, toàn bộ bờ biển của Đông Nam Á có thể bị nước này chiếm giữ.
Trong khi đó, Toà trọng tài Phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) hồi giữa tháng 7 đã bác bỏ yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Phán quyết này ảnh hưởng đặc biệt đến chủ quyền của cả Philippines và Việt Nam ở Biển Đông.
Tiến sĩ Greg Raymond, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng hai bên chắc chắn sẽ chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về việc làm sao đàm phán với Trung Quốc ở Biển Đông sau khi Toà trọng tài công bố phán quyết. Do đó, Manila và Hà Nội có thể không tuyên bố công khai về hợp tác, vì giống như các nước ASEAN khác, hai bên đang chờ đợi xem Bắc Kinh sẽ làm gì. Thực tế là Trung Quốc mới thông báo bác bỏ phán quyết của toà, chưa có động thái gây hấn đáng kể nào ở Biển Đông và bày tỏ thiện chí sẽ hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trong vòng một năm.
Cảnh báo về khả năng Tổng thống Philippines hướng tới quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, ông Prashanth Parameswaran, chuyên gia tại Đại học Tufts, Mỹ, cho biết ông Duterte sẽ không thể hiện sự cứng rắn về tranh chấp Biển Đông so với người tiền nhiệm Benigno Aquino.
"Tôi cho rằng ông Duterte và các lãnh đạo Việt Nam sẽ thảo luận về quyết tâm duy trì các nguyên tắc chung như tự do hàng hải, hàng không và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình hơn là đi vào các vấn đề hợp tác cụ thể. Ông Duterte sẽ tránh 'gây hấn' trước khi thăm Trung Quốc vào tháng tới", ông Parameswaran nói.
Tuy nhiên Giáo sư Simon cho hay đến nay chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines chưa rõ ràng và thay đổi liên tục. Chỉ riêng trong tuần trước, sau khi tuyên bố Mỹ là đối tác an ninh chính của Philippines, ông Duterte lại cho rằng không muốn hợp tác an ninh với Mỹ nữa, muốn "lập liên minh với Nga và Trung Quốc". Nếu Tổng thống Philippines thực sự muốn chấm dứt hợp tác này, ông sẽ huỷ Thoả thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Washington, nhưng đến nay ông Duterte không có động thái nào thể hiện điều đó.
Dưới góc nhìn tác động chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines với ASEAN, chuyên gia Parameswaran nhấn mạnh Manila sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN trong năm sau, do đó Philippines cần thể hiện dấu hiệu để các nước thành viên Hiệp hội và cả các nước liên quan ngoài khu vực thấy Manila củng cố sự đoàn kết của ASEAN, kể cả khi Philippines có các thảo luận song phương với Trung Quốc.
"Với tư cách là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Biển Đông, Việt Nam và Philipines cần tiếp tục thúc đẩy quan điểm chung của ASEAN về tranh chấp. Nếu Manila và Hà Nội không thực hiện điều đó, một số thành viên của khối dưới áp lực của Trung Quốc sẽ gây chia rẽ hơn về vấn đề này. Điều đó cũng khiến Bắc Kinh không lo ngại về uy tín của nước lớn nữa, tăng cường các hành động hung hăng ở khu vực", ông Parameswaran nhấn mạnh.
Việt Anh
Theo VNE
Thăm Việt Nam, ông Duterte muốn cân bằng quan hệ với Trung Quốc và ASEAN Tổng thống Philippines Duterte có thể muốn cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và ASEAN khi ông thăm Việt Nam trước khi có chuyến thăm Trung Quốc. Tổng thống Philippines Duterte. Ảnh: Newscom "Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong khu vực và trong ASEAN nên việc ông Duterte muốn tăng cường quan hệ song phương với Hà Nội...