Tổng thống Philippines bay khẩn cấp từ Nga về nước vì phiến quân nổi loạn
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ban bố tình trạng thiết quân luật trong vòng 60 ngày, đồng thời bỏ dở chuyến thăm chính thức của ông tới Nga và khẩn cấp quay về nước sau khi các phiến quân Hồi giáo cực đoan bao vây một thành phố phía nam.
Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: Philstar)
Người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Ernesto Abella, nói trong cuộc họp báo tại Moscow, Nga rằng thiết quân luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tối ngày 23/5 tại khu vực Mindanao phía nam Philippines “vì xuất hiện tình trạng nổi loạn”. Thông báo trên được đưa ra khi ông Abella đang tháp tùng Tổng thống Duterte trong chuyến thăm chính thức tới Nga.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết quân đội nước này đã bất ngờ đột kích vào nơi ẩn náu của một nghi can khủng bố “khét tiếng” tại thành phố Marawi thuộc tỉnh Lanao del Sur trên đảo Mindanao, cách thủ đô Manila khoảng 830 km về phía nam. Vụ đột kích của quân đội Philippines đã làm nổ ra một trận đấu súng căng thẳng khi các phiến quân gọi thêm quân tiếp viện từ một nhóm liên minh có tên Maute.
Bộ trưởng Lorenzana cho biết hàng chục tay súng phiến quân đã chiếm tòa thị chính của thành phố Marawi, một bệnh viện và một nhà tù. Ngoài ra, các tay súng này còn đốt một nhà thờ Công giáo, một nhà tù, một trường đại học và một số ngôi nhà. Vụ nổi loạn đã khiến ít nhất 2 binh sĩ và một sĩ quan cảnh sát thiệt mạng, đồng thời khiến 12 người bị thương.
Video đang HOT
Một số phiến quân đã bị tiêu diệt trong vụ nổi loạn tại Marawi – nơi chủ yếu người dân theo đạo Hồi, song số phiến quân còn lại vẫn tiếp tục bao vây thành phố này. Giới chức Philippines cho biết khu vực này đã bị cắt điện khi bạo loạn xảy ra. Hiện Marawi có khoảng 200.000 dân.
“Toàn bộ thành phố Marawi bị mất điện, trong khi các tay súng bắn tỉa Maute hiện diện ở khắp nơi”, ông Lorenzana nói trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp từ Nga.
Theo ông Lorenzaa, lệnh thiết quân luật của Tổng thống Duterte sẽ giúp quân đội chính phủ tiến hành các cuộc truy lùng và bắt giữ các nghi can nổi loạn nhanh hơn. Ông cho biết tình trạng nổi loạn có thể sẽ lan ra các tỉnh phía nam khác, song cho đến nay chính phủ Philippines vẫn kiểm soát được tình hình ở thành phố Marawi cũng như các điểm nóng an ninh khác tại khu vực phía nam.
Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết ông đã thông báo với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov về quyết định về nước sớm của Tổng thống Duterte để giải quyết cuộc khủng hoảng trong nước. Trong khi đó, ông Cayeteno vẫn sẽ ở lại Moscow vì vẫn còn nhiều thỏa thuận đang chờ được ký giữa chính phủ hai nước.
Trước đó, trong khi theo đuổi các cuộc hội đàm hòa bình với hai nhóm nổi dậy Hồi giáo lớn ở phía nam, Tổng thống Duterte đã ra lệnh cho quân đội triệt phá các nhóm cực đoan nhỏ hơn, vốn đang tìm cách liên minh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Duterte đã nhiều lần dọa sẽ đặt khu vực phía nam, nơi chứng kiến tình trạng bạo loạn của các nhóm Hồi giáo từ nhiều năm qua, trong tình trạng thiết quân luật nếu chủ nghĩa khủng bố lan rộng ở khu vực này.
Thành Đạt
Theo Dantri/ RT
Tổng thống Philippines tính dùng thiết quân luật trên toàn quốc
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói ông có thể áp dụng thiết quân luật trên toàn quốc để đối phó phiến quân Hồi giáo.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Rappler.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 23/5 áp dụng thiết quân luật với vùng Mindanao, nơi có khoảng 20 triệu người, sau khi các phiến quân thề trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công thành phố Marawi.
"Nếu tôi thấy IS đặt chân lên Luzon và chủ nghĩa khủng bố không còn xa, tôi có thể áp dụng thiết quân luật trên cả nước để bảo vệ người dân", AFP dẫn lời ông Duterte hôm nay cho biết. Ông vừa trở về Philippines sau chuyến thăm Nga.
Tổng thống Duterte đang cân nhắc mở rộng phạm vi thiết quân luật sang Visayas bởi khu vực này rất gần Mindanao. Ông cảnh báo thiết quân luật sẽ tương tự quy tắc mà nhà độc tài Ferdinand Marcos áp dụng trước đây. Marcos lãnh đạo Philippines trong hai thập kỷ, kết thúc năm 1986 khi hàng triệu người dân xuống đường tham gia cách mạng "Quyền lực Nhân dân".
Thiết quân luật của ông Duterte sẽ cho phép lực lượng an ninh được phép khám và bắt người mà không cần lệnh. Giờ giới nghiêm được áp dụng tại một số tỉnh ở Mindanao.
Giao tranh tại Marawi, nơi gần như toàn bộ dân số 200.000 người theo Hồi giáo, bắt đầu từ chiều 23/5, sau khi lực lượng an ninh đột kích một ngôi nhà để tìm Isnilon Hapilon. Hapilon là một chỉ huy của nhóm Abu Sayyaf và đứng đầu nhánh IS ở Philippines.
Quân đội Philippines và các phiến quân thiết lập nhiều điểm kiểm soát, phong tỏa các tuyến đường rời khỏi Marawi. Nhiều gia đình đã bỏ trốn khỏi thành phố trong đêm 23/5.
Như Tâm
Theo VNE
Phiến quân thân IS bắt nhiều con tin ở Philippines Nhóm phiến quân có liên hệ với IS bắt cóc nhiều con tin ở thành phố Marawi, Philippines, gây sức ép để quân đội phải rút lui. Phiến quân Maute ở Marawi, Philippines. Ảnh: Rappler. Cha Chito Suganob cùng những người khác ở nhà thờ Đức Mẹ giúp người Cơ Đốc, thành phố Marawi, bị nhóm phiến quân Maute bắt làm con tin,...