Tổng thống Philippines bất ngờ đề nghị Trung Quốc đàm phán
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm nay đề nghị Trung Quốc cùng đàm phán hòa giải về phán quyết sắp tới từ tòa trọng tài.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters.
Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) thông báo sẽ ra phán quyết vào ngày 12.7 về vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đưa ra nhằm chiếm gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhậm chức tuần trước, nói ông tin phán quyết từ PCA có lợi cho Philippines.
“Nếu điều đó có lợi cho chúng ta, hãy đàm phán”, AFP dẫn lời ông Duterte cho biết trong bài phát biểu trước không quân Philippines tại căn cứ Clark, cách thủ đô Manila khoảng một giờ lái xe.
Duterte muốn có quan hệ thân thiện với Trung Quốc, khác với người tiền nhiệm Benigno Aquino, người quyết định có hành động pháp lý với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
Chính quyền Aquino cho rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông và xây phi pháp các đảo nhân tạo là vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Aquino cũng từ chối đàm phán trực tiếp với Trung Quốc về vấn đề này, lo ngại đàm phán sẽ gây bất lợi cho Manila, vốn có ít nguồn lực ngoại giao.
Video đang HOT
Ngược lại, Duterte tuyên bố để ngỏ đối thoại với Trung Quốc, thậm chí là cùng hợp tác, chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông. Bình luận của Duterte hôm nay là lần đầu tiên ông xác nhận để ngỏ đối thoại sau khi nhậm chức. Ông nói sẽ không “ca ngợi hay chê bai” một phán quyết có lợi.
Diễn tiến vụ kiện Biển Đông. Click để xem bản đầy đủ. Đồ họa: Tiến Thành.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói Bắc Kinh “không ngại rắc rối” còn truyền thông nước này kêu gọi Trung Quốc chuẩn bị cho “đối đầu quân sự” ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines hôm nay tái khẳng định ông phản đối xung đột vũ trang. “Chúng tôi không muốn có chiến tranh. Chiến tranh là một từ bẩn thỉu”, Duterte nói. Ông cũng khẳng định Philippines sẽ tuân thủ phán quyết từ PCA dù nó bất lợi cho nước này.
Theo Danviet
Sau phán quyết, Trung Quốc dùng cách nào cũng gây "bất hạnh cho châu Á"
Ngày 12.7, Toà Trọng tài Thường Trực ở Hà Lan sẽ công bố phán quyết về trường hợp Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông theo đơn kiện của Philippines. Giới quan sát dự báo Bắc Kinh sẽ bị thua và sẽ có hành động không phù hợp của một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trên trang mạng National Interest, ông Harry J.Kazianis, một chuyên gia Mỹ về an ninh quốc phòng cho rằng, Bắc Kinh có nhiều cách phản ứng nhưng cái nào cũng xấu cho toàn thể châu Á và cho Washington.
Mỹ là siêu cường duy nhất có khả năng quân sự áp đảo Trung Quốc mà còn có bổn phận bảo vệ Philippines, nếu xảy ra chiến tranh, qua hiệp định an ninh quốc phòng ký kết giữa hai nước từ năm 1951.
Kịch bản thứ nhất khi bị thua kiện, Trung Quốc không làm gì và xem như mặc nhiên chấp nhận phán quyết. Bắc Kinh sẽ đưa ra lời tuyên bố mang nội dung chung chung : "Biển Đông là của chúng tôi" và âm thầm bước qua giai đoạn mới để khẳng định chủ quyền.
Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố các đảo nhân tạo, xây dựng tiền đồn và trang bị vũ khí tận răng kể cả với tên lửa diệt hạm, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ thực hiện chiến lược "chống tiếp cận".
Tuy nhiên, theo nhận định của Harry J.Kazianis, ít có khả năng Bắc Kinh chọn kịch bản này vì nếu bị xử thua, nội bộ Trung Quốc sẽ gây áp lực rất lớn với ông Tập Cận Bình, sẽ đòi hỏi một phản ứng mạnh bạo hơn, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc vượt tầm Biển Đông.
Trong tình thế này, rất có thể Bắc Kinh sẽ chọn phương án thứ hai, được xem có "xác suất cao nhất": Tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên vùng Biển Đông. Biện minh cho quyết định này không khó. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ viện lý do phán quyết của Tòa Trọng tài đe dọa an ninh Trung Quốc.
Phương án này thật ra rất nguy hiểm vì sẽ gây căng thẳng cao độ và Mỹ phải đáp trả. Vấn đề là bây giờ, để phủ nhận vùng nhận dạng phòng không ADIZ của Trung Quốc, không thể chỉ cho hai chiếc pháo đài bay B52 bay ngang là đủ.
Kịch bản thứ ba là Trung Quốc dùng hết sức mạnh của mình để "châm" vào các điểm nóng tại châu Á mà nhà phân tích Harry J.Kazianis gọi là thái độ "côn đồ ".
Cụ thể là Trung Quốc gia tăng hoạt động hải quân, không quân ở biển Hoa Đông để chọc giận Nhật Bản. Bắc Kinh sẽ tạo căng thẳng ở eo biển Đài Loan, cấm du khách Trung Quốc sang thăm hải đảo, giảm giao thương và đầu tư. Trung Quốc cũng có thể bồi đắp bãi đá ngầm Scarborough của Philippines thành căn cứ quân sự tiền phương, chỉ cách quân cảng Subic Bay có 150 hải lý. Liệu Mỹ có thể ngồi nhìn hay không ?
Sau ngày 12.7.2016, châu Á không tránh khỏi tình trạng căng thẳng gia tăng vì Trung Quốc đủ khả năng tiếp tục làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, điều mà họ đã tiến hành từ hàng chục năm nay. Đó chính là điều bất hạnh cho châu Á.
Trong khi đó, tờ "Thời báo Hoàn cầu" số ra ngày 5.7 còn lớn tiếng cho biết, Trung Quốc cần chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng đối đầu quân sự trên Biển Đông. Báo trên nhận định tranh chấp ở Biển Đông, vốn đã phức tạp bởi sự can dự của Mỹ, nay lại phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng leo thang do mối đe dọa từ phán quyết của PCA đối với chủ quyền Trung Quốc.
Tờ báo kêy gọi Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình phát triển các năng lực răn đe quân sự. "Trung Quốc hy vọng các tranh chấp có thể được giải quyết thông qua đàm phán, song cần phải chuẩn bị cho bất kỳ tình huống đối đầu quân sự nào. Đó là lẽ thường trong các mối quan hệ quốc tế", báo này nói.
Theo Danviet
G7 sẽ gây sức ép buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết vụ kiện Biển Đông Báo chí Nhật Bản đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đang phối hợp với các nước trong nhóm G7 để ra tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc tôn trọng một phán quyết quốc tế sắp tới liên quan đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines đã nộp đơn khiếu nại ra Tòa Trọng tài Thường trực ở...