Tổng thống Pháp tuyên bố gửi tên lửa tầm xa cho Ukraine, Nga cảnh báo ‘đáp trả’
Tổng thống Pháp Macron nói rằng các loại vũ khí này nhằm trợ giúp cuộc phản công đang diễn ra của Kiev.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty Images
Theo đài RT, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Pháp sẽ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine để hỗ trợ cuộc phản công đang diễn ra của nước này. Hồi tháng 5, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên chuyển giao loại vũ khí này tới Kiev.
Phát biểu ngay trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva ngày 11/7, Tổng thống Macron cho biết ông đã “ra quyết định tăng cường cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine [để] cho phép họ tấn công sâu [vào lãnh thổ đối phương]“. Ông nói thêm rằng Paris sẽ tiếp tục tuân thủ chính sách hỗ trợ Ukraine “bảo vệ lãnh thổ của mình”.
Còn theo tờ Le Monde (Pháp), Tổng thống Macron nói sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa Scalp để giúp các lực lượng của Kiev tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau phòng tuyến của Nga.
SCALP/Storm Shadow, vũ khí do Anh-Pháp hợp tác sản xuất có tầm bắn 250 km, là loại vũ khí xa nhất trong bất kỳ loại vũ khí phương Tây nào cung cấp cho Ukraine cho đến nay.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron ngụ ý rằng Ukraine đã đưa ra cam kết không sử dụng SCALP để chống lại các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, nói rằng chúng được chuyển giao “phù hợp với học thuyết của chúng tôi, nghĩa là cho phép Ukraine bảo vệ lãnh thổ của chính mình”.
Video đang HOT
Ông Macron không cho biết có bao nhiêu tên lửa sẽ được gửi đi, nhưng Pháp được cho là có kho vũ khí gần 400 quả SCALP – theo đánh giá của chuyên gia quốc phòng DSI.
Tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói với giới truyền thông rằng Paris đang lên kế hoạch tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đặc biệt tập trung vào các hệ thống pháo binh và phòng không. Nhà ngoại giao nhấn mạnh Pháp quyết tâm “thực hiện cam kết này”.
Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thông báo rằng London sẽ cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow phóng từ máy bay, có tầm bắn hơn 250km.
Sau đó, Anh trở thành quốc gia đầu tiên vận chuyển những tên lửa tầm xa như vậy tới Kiev. Bất chấp những lời đề nghị lặp đi lặp lại của Ukraine, những đồng minh như Mỹ và Đức cho đến nay vẫn chưa theo bước London. Các quan chức ở Washington và Berlin đã bày tỏ lo ngại rằng việc chuyển giao tên lửa có tầm bắn như vậy có thể dẫn đến sự leo thang nguy hiểm của cuộc xung đột.
Bình luận về quyết định mới nhất của ông Macron, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mô tả đó là một “sai lầm” và có khả năng gây ra “hậu quả” đối với Ukraine. Ông cảnh báo rằng Moskva sẽ thực hiện “các biện pháp đáp trả” mà không nêu chi tiết.
Ông Peskov bày tỏ tin tưởng rằng việc chuyển giao các tên lửa tầm xa của Pháp sẽ không làm thay đổi kết quả chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Moskva đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây ủng hộ Kiev rằng, bằng cách cung cấp cho Ukraine các hệ thống vũ khí tối tân hơn bao giờ hết, họ đang mạo hiểm kéo mình vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
Về phần mình, ngày 11/7 Đức cũng cam kết hỗ trợ quân sự thêm 700 triệu euro cho Ukraine. Berlin công bố gói vũ khí mới trị giá 2,7 tỷ euro cho Kiev vào tháng 5, trước chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Đầu năm nay, Berlin bắt đầu gửi xe tăng chiến đấu Leopard tiên tiến tới Ukraine, sau nhiều tháng Kiev đề nghị cung cấp vũ khí hạng nặng để chuẩn bị cho cuộc phản công.
Pháp xác nhận thông tin Tổng thống Macron muốn dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã xác nhận ý định của Tổng thống Emmanuel Macron lần đầu tiên tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: AFP
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Pretoria ngày 22/6 sau cuộc gặp với người đồng cấp Nam Phi Naledi Pandor, Bộ trưởng Colonna cho biết Pháp đã đề nghị nước chủ nhà Nam Phi gửi lời mời chính thức để Tổng thống Macron có thể tham dự hội nghị BRICS vào tháng 8 tới với tư cách là quan sát viên. Nếu được chấp thuận, Pháp sẽ là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham dự hội nghị do BRICS tổ chức.
"Tôi đã thông báo cho đối tác... về sự sẵn sàng và quan tâm của Tổng thống trong việc theo đuổi đối thoại mà Pháp duy trì với BRICS", bà Colonna nhấn mạnh.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của nhóm BRICS sẽ được tổ chức tại Johannesburg từ ngày 22 đến 24/8.
Ngoại trưởng Colonna khẳng định "đối thoại luôn tích cực và ngay cả khi không đạt được sự đồng thuận về mọi vấn đề thì vẫn tìm mọi cách đối thoại để tìm kiếm giải pháp phù hợp nhất".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nam Phi Pandor tin rằng sự tham gia của Pháp sẽ là một "sự đổi mới trong mô hình tham gia BRICS hiện tại", đồng thời là cơ hội để "khuếch đại phạm vi toàn cầu của diễn đàn BRICS".
Tuy nhiên, bà Pandor cho biết quyết định này tùy thuộc vào Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối.
Trong cuộc điện đàm với ông Ramaphosa hồi đầu tháng này, ông Macron được cho là đã đề cập đến khả năng nhận được lời mời tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg. Ông Ramaphosa dự kiến sẽ tới Paris vào cuối tuần này để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới vào ngày 22 và 23/6.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Một số quốc gia khác đã bày tỏ ý định gia nhập khối, bao gồm Argentina, Iran, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Ai Cập.
BRICS chiếm 18% thương mại hàng hóa toàn cầu, 25% đầu tư nước ngoài và nắm giữ 23% nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, 5 quốc gia thành viên của nhóm đã hình thành nên một lực lượng quan trọng của nền kinh tế thế giới.
Pháp, Trung Quốc nhất trí thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực Ngày 10/5, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, đang ở thăm Paris. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (phải) và Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna tại cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 5/4/2023. Ảnh: THX/ TTXVN Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận một loạt vấn đề cùng quan...