Tổng thống Pháp thừa nhận COVID-19 nghiêm trọng, chuẩn bị giai đoạn 3 chống dịch
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu dịch mà thôi” và “Cơn dịch này là vụ khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất nước Pháp từng trải qua từ một thế kỷ nay”. Dù vậy Pháp đã chuẩn bị giai đoạn 3 chống dịch.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) thăm bệnh viện Necker ở Paris hôm 10-3-2020 – Ảnh: AFP
Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 ngay khi mở đầu bài phát biểu trên truyền hình lúc 20h tối 12-3 (giờ địa phương, tức rạng sáng 13-3 giờ Việt Nam). Đây là lần đầu tiên ông phát biểu trên truyền hình về các biện pháp đối phó với dịch.
Pháp là quốc gia có số ca bệnh COVID-19 cao thứ ba ở châu Âu, sau Ý và Tây Ban Nha. Tính đến 14h ngày 13-3 (giờ Việt Nam), Pháp ghi nhận 2.876 ca nhiễm, bao gồm 61 người chết.
Ông Macron thông báo: “Tất cả các nhà trẻ, các trường học và trường đại học trên toàn lãnh thổ quốc gia, bao gồm các lãnh thổ hải ngoại sẽ đóng cửa từ thứ hai (16-3) cho đến khi có thông báo mới để ngăn chặn dịch bệnh”.
Video đang HOT
Liên quan đến kinh tế, ông cho biết các biện pháp đặc biệt đã được áp dụng đại trà về thất nghiệp một phần để bảo vệ người làm công ăn lương và công ty trước dịch COVID-19.
Ông nói: “Tôi yêu cầu các công ty cho phép nhân viên làm việc từ xa ngay khi có thể… Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nhân viên bị buộc phải ở nhà”. Các khoản đóng góp và tiền thuế trong tháng 3 các công ty phải nộp sẽ được hoãn.
Ông Macron đã yêu cầu chính phủ Pháp chuẩn bị một kế hoạch phục hồi quốc gia và châu Âu đồng thời kêu gọi EU “phản ứng nhanh và mạnh hơn” và cho rằng các quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn chưa đủ để đối phó với khủng hoảng.
Kế hoạch quốc gia phòng chống dịch cúm năm 2011 của Pháp đã xác định bốn chiến lược tùy từng giai đoạn dịch. Giai đoạn 1 nhằm ngăn chặn virus xâm nhập vào Pháp. Giai đoạn 2 nhằm ngăn chặn virus lây lan trong nước. Giai đoạn 3 nhằm giảm tác hại của virus trong quá trình lây nhiễm và giai đoạn 4 nhằm khôi phục tình trạng ban đầu.
Người phát ngôn chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye cho biết quyết định chuyển sang giai đoạn 3 hay không còn tùy thuộc vào vấn đề xem xét các tiêu chí do các nhà khoa học thiết lập, đặc biệt là mức lây nhiễm của virus corona.
Bà khẳng định các biện pháp của giai đoạn 3 sẽ không phải là tiêu chuẩn chung áp dụng toàn quốc nhằm phong tỏa cả nước vì mục tiêu của chính phủ “không phải là ngăn chặn đất nước hoạt động”.
HOÀNG DUY LONG(tuoitre.vn)
Nước Pháp tê liệt vì hơn 800.000 người xuống đường phản đối TT Macron
Công nhân ngành vận tải Pháp lên kế hoạch đình công từ ngày 5/12 để ép TT Emmanuel Macron xem lại chính sách cải cách hưu trí, gây ra nguy cơ không có phương tiện công cộng để đi.
Hơn 800.000 người đã tuần hành tại các thành phố trên khắp nước Pháp khi các nhân viên đường sắt, giáo viên và nhân viên bệnh viện tổ chức một trong những cuộc đình công lớn nhất trong nhiều thập kỷ để phản đối kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron, người dự định xem lại chế độ hưu trí.
Cuộc đình công khiến nước Pháp rơi vào tình trạng tê liệt dự kiến kéo dài trong vài ngày tới vì sự quyết tâm của người tuần hành. Họ cho rằng kế hoạch thay đổi chế độ lương hưu của tổng thống sẽ khiến hàng triệu người phải làm việc lâu hơn hoặc nhận ít lương hưu hơn, theo Guardian.
Các loại hình giao thông công cộng: xe lửa, metro và xe buýt bị ảnh hưởng nặng nề, một số chuyến bay bị hủy và nhiều trường học phải đóng cửa như thách thức lớn nhất với ông Macron kể từ khi cuộc biểu tình áo vàng chống chính phủ nổ ra vào năm ngoái.
Tại Paris, cảnh sát đã bắn vòi rồng vào người biểu tình vào đầu giờ chiều 5/12. Một số người biểu tình giận dữ đã đốt xe, đập vỡ cửa sổ và phá hủy các trạm chờ xe buýt. Lực lượng cứu hỏa phải theo sau dập lửa.
Cuộc biểu tình biến thành bạo động khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động. Ảnh: Getty.
Hơn 6.000 cảnh sát chống bạo động dàn hàng trên tuyến đường của người biểu tình từ Paris Gare du Nord đến phía đông thành phố để ngăn những người khác tham gia và kiểm tra tư trang cá nhân của họ. Đến cuối buổi chiều đã có hơn 70 vụ bắt giữ.
Cuộc tuần hành ở Paris gồm nhiều thành phần: nhân viên bệnh viện, nhân viên điện lực, lính cứu hỏa, giáo viên và học sinh cũng như những người biểu tình áo vàng. Họ hô vang các khẩu hiệu: "Macron từ chức".
Isabelle Jarrivet, 52 tuổi, từng làm nhân viên tòa thị chính phía bắc Paris trong 20 năm, cho biết: "Đây là câu hỏi về sự sống còn của hệ thống xã hội Pháp đang bị Macron phá hủy. Chúng tôi đã được đưa trở lại khoảng thời gian trước năm 1945, khi chúng tôi có nguy cơ mất trợ cấp xã hội. Các quỹ hưu trí tư nhân đang chờ đợi để được hưởng lợi".
Bà nói thêm: "Những cuộc biểu tình áo vàng đã khiến mọi người suy nghĩ và nói nhiều hơn về chính trị và mọi người quyết tâm không để mọi thứ trôi qua. Bạn có thể cảm thấy tâm trạng bất tuân trong không khí".
Chính phủ Macron lập luận rằng việc hợp nhất hệ thống lương hưu và cắt bỏ 42 cơ chế đặc biệt đối với nhân viên đường sắt, năng lượng, luật sư... là rất quan trọng để hệ thống tài chính có thể duy trì khi dân số già đi. Nhưng các công đoàn cho rằng việc áp dụng hệ thống hưu trí phổ quát đồng nghĩa với việc hàng triệu công nhân phải làm việc quá tuổi nghỉ hưu quy định 62 hoặc giảm tiền lương hưu.
Theo news.zing.vn
Giao thông tê liệt tại Pháp vì đình công phản đối cải cách lương hưu Các trạm tàu hỏa và tàu điện tại thủ đô Paris gần như trống trơn trong khung giờ cao điểm sáng 5/12 do kế hoạch đình công đã khiến người dân chủ động chuyển đổi phương tiện đi lại. Nhà ga tàu hỏa Saint-Lazare ở Paris, Pháp, ngày 3/12/2019 gần như trống trơn. (Ảnh: AFP/TTXVN) Ngày 5/12, mạng lưới giao thông công cộng...