Tổng thống Pháp: Không thể dùng tranh biếm họa biện minh cho hành vi bạo lực
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông hiểu rằng những bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed của đạo Hồi có thể gây sốc, đồng thời cũng tôn trọng cảm xúc liên quan đến vấn đề này, song không bao giờ chấp nhận đó là lý do biện minh cho hành vi bạo lực.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thành phố Nice, nơi xảy ra vụ tấn công bằng dao khiến 3 người thiệt mạng ngày 29/10/2020. Ảnh: AP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong cuộc phỏng vấn với đài Al Jazeera dài 55 phút, phát sóng bằng tiếng Arab chiều 31/10, Tổng thống Macron đã khẳng định quyết tâm chống chủ nghĩa khủng bố trên lãnh thổ quốc gia, đồng thời bác bỏ việc “bêu xấu” người Hồi giáo.
Ông phản đối cách đưa tin của nhiều hãng truyền thông, hay phát biểu của nhiều lãnh đạo chính trị về tranh biếm họa đấng tiên tri Mohammed, có thể gây hiểu lầm rằng chúng là dự án hay sản phẩm của chính phủ hay tổng thống Pháp. Ông đã chỉ trích những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp, cho rằng đây là chiến dịch của một số nhóm tư nhân dựa trên những lời nói dối về tranh biếm họa.
Kênh truyền hình Al Jazeera của Qatar thu hút trên 25 triệu người xem, đặc biệt là ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Trong những ngày qua, các cuộc biểu tình bạo lực phản đối tranh biếm họa và Tổng thống Pháp đã leo thang tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Palestine, Bangladesh, Pakistan, Afghanistan, Iran và Liban.
Video đang HOT
Cùng ngày, Tổng thống Tunisia Kais Saied đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Macron về quan hệ song phương và vụ tấn công bằng dao tại thành phố Nice.
Trong cuộc điện đàm, ông Saied đã chỉ trích mọi hành vi bạo lực và chủ nghĩa khủng bố. Ngoài ra, hai bên đã thảo luận về vấn đề di cư bất hợp pháp và giải pháp hai nước cần đạt được để giải quyết vấn đề này. Các vụ vượt biên bất hợp pháp từ Tunisia đến châu Âu đang gia tăng trong thời gian qua, chủ yếu là do vấn đề kinh tế.
Trước đó, Thủ tướng Tunisia Hichem Mechichi đã chỉ thị cho Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp hợp tác với giới chức Pháp liên quan vụ tấn công tại Nice.
Ngày 29/10 vừa qua, một vụ tấn công bằng dao đã xảy ra tại nhà thờ Notre Dame ở thành phố Nice. Cảnh sát Pháp đã xác định hung thủ vụ tấn công là Brahim Aouissaoui, 21 tuổi, người Tunisia. Đối tượng được cho là đã đến châu Âu qua đảo Lampedusa của Italy vào cuối tháng 9, sau đó tới Pháp vào đầu tháng 10, nhưng không có tên trong hồ sơ theo dõi của các cơ quan tình báo cũng như cảnh sát.
Giới chức tư pháp Tunisia cho biết Aouissaoui từng bị bắt năm 2016 vì đã có hành vi bạo lực và sử dụng dao. Sau vụ tấn công, Pháp đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất và lực lượng chống khủng bố Sentinelle đã được tăng quân số hơn gấp đôi, từ 3.000 người lên 7.000 người, để bảo vệ các công trình công cộng, cơ quan dịch vụ công cũng như các địa điểm tôn giáo.
Đây là vụ tấn công thứ ba chỉ trong hơn hai tháng tại Pháp liên quan đến các phần tử cực đoan Hồi giáo, bao gồm cả vụ thầy giáo dạy lịch sử Samuel Paty bị sát hại dã man ngày 16/10 ở một vùng ngoại ô Paris, sau khi cho học sinh xem các bức tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed.
Tổng thống Macron tuyên bố ủng hộ việc tiếp tục đăng tranh biếm họa và khẳng định không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan. Phát biểu của ông đã dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp tại nhiều nước.
Pháp bắt người nghi có liên hệ với kẻ đâm dao
Cảnh sát Pháp bắt và thẩm vấn một người đàn ông được cho có liên hệ tới thủ phạm vụ đâm dao tại nhà thờ ở thành phố Nice.
Người đàn ông 47 tuổi bị bắt vào tối 29/10 sau vụ tấn công tại Vương cung Thánh đường Đức Bà tại thành phố Nice, một nguồn tin trong ngành tư pháp của Pháp hôm nay cho biết. Cảnh sát đang thẩm vấn người đàn ông này do nghi có liên hệ với thủ phạm gốc Tunisia Brahim Aouissaoui, 21 tuổi.
Giới chức Pháp cho biết Aouissaoui rời quê nhà Tunisia đến đảo Lampedusa, Italy, hôm 20/9 và ở trên tàu cách ly 14 ngày trước khi được chuyển tới thành phố Bari trên đất liền hôm 9/10. Aouissaoui sau đó nhận được "phiếu xuất cảnh", yêu cầu phải rời Italy trong vòng 7 ngày, song vượt biên trái phép tới Pháp sau đó.
Cảnh sát phong tỏa đường vào nơi xảy ra vụ dâm dao khiến ba người chết ở thành phố Nice, Pháp, ngày 29/10. Ảnh: AFP.
Công tố viên chống khủng bố Jean-Francois Ricard cho biết Aouissaoui mang theo bản sao kinh Koran, hai chiếc điện thoại và ba con dao khi bước vào nhà thờ ở trung tâm thành phố Nice lúc 8h30 (14h30 giờ Hà Nội) ngày 29/10. Aouissaoui cắt cổ một phụ nữ 60 tuổi và một người đàn ông 55 tuổi làm việc tại nhà thờ, sau đó đâm một phụ nữ 44 tuổi. Người bị đâm chạy trốn nhưng sau đó chết vì vết thương quá nặng.
"Các nạn nhân bị nhắm đến bởi họ là những người duy nhất có mặt tại nhà thờ vào thời điểm đó", công tố viên Ricard nói trong cuộc họp báo tối 29/10.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là "vụ tấn công khủng bố liên quan đến Hồi giáo", cho biết chính phủ nâng báo động khủng bố lên mức tối đa trước Ngày Các thánh của Công giáo, dự kiến diễn ra ngày 1/11. Macron hôm nay họp khẩn với các bộ trưởng về vụ tấn công.
Vụ đâm dao xảy ra gần hai tuần sau khi thầy giáo Pháp Samuel Paty hôm 16/10 bị chặt đầu bên ngoài trường trung học Bois d'Aulne, sau khi cho học sinh xem tranh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed. Nghi phạm Abdullakh Anzorov, 18 tuổi, khi ra tay với thầy giáo Paty hô lớn "Allahu Akbar".
Pháp cảnh giác cao độ với các cuộc tấn công khủng bố kể từ sau vụ tấn công tòa soạn tạp chí trào phúng Charlie Hebdo hồi tháng 1/2015, khiến 12 người thiệt mạng. Làn sóng tấn công của các phần tử cực đoan ở Pháp đã khiến hơn 250 người thiệt mạng kể từ năm 2015.
Làn sóng biểu tình phản đối Pháp và Tổng thống Emmanuel Macron gần đây lan rộng sau khi ông khiến nhiều quốc gia theo Hồi giáo tức giận vì ủng hộ xuất bản tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, điều cấm kỵ đối với đạo Hồi.
Vụ tấn công bằng dao tại Pháp: Tổng thống E. Macron kêu gọi người dân đoàn kết Ngày 29/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án vụ tấn công bằng dao tại thành phố Nice, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường triển khai binh sĩ để bảo vệ các khu vực quan trọng của nước này, như các địa điểm tôn giáo và trường học. Lực lượng đặc nhiệm Pháp điều tra tại hiện trường vụ tấn công...