Tổng thống Obama yêu cầu Trung Quốc giảm căng thẳng ở Biển Đông
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thúc giục Trung Quốc giảm căng thẳng ở Biển Đông và kiểm soát an ninh mạng trong buổi gặp nhóm lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc tại Nhà Trắng.
Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc gặp Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng – Ảnh: AFP
Đoàn lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì dẫn đầu sau khi tham gia Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung kéo dài trong 3 ngày đã có buổi gặp với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng hôm 24.6, tức sáng nay (25.6) theo giờ Việt Nam.
Hãng Reuters đưa tin, Tổng thống Obama tiếp tục bày tỏ mối quan ngại của Mỹ đối với vụ tin tặc và những hành động của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông, điều mà các thành viên trong nội các của ông đã liên tục chỉ trích trong cuộc đối thoại và khiến Trung Quốc phải im lặng.
Video đang HOT
“Tổng thống đã nêu lên mối quan ngại của Mỹ đối với việc ứng xử của Trung Quốc trên biển và trên mạng, đồng thời ông thúc giục Trung Quốc cần có những bước đi cụ thể để giảm căng thẳng (trên mạng và trên biển)”, Reuters trích thông cáo của Nhà Trắng.
Cuộc đối thoại Mỹ-Trung căng thẳng ngay lúc mới nhóm họp vì vụ tin tặc Trung Quốc tấn công mạng cơ quan chính quyền của Mỹ và cung cách ứng xử của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, AFP trích phát biểu của Ngoại trưởng John Kerry cho biết vòng ba của cuộc đối thoại do ông chủ trì là &’một trong những cuộc đối thoại hiệu quả và có tính xây dựng nhất’.
“Mỹ chào đón sự trỗi dậy hòa bình, ổn định và thịnh vượng của Trung Quốc”, ông Kerry phát biểu và nói thêm rằng với sự trỗi dậy đó, Trung Quốc có thể giữ vai trò dẫn dắt trong các vấn đề của thế giới. Một vấn đề khác được Bắc Kinh và Washington chia sẻ trong đối thoại lần này là vấn đề hạt nhân ở Iran, Triều Tiên; và tình hình Afghanistan.
Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về bảo vệ đại dương, kêu gọi chống lại nạn buôn lậu động vật hoang dã, theo AFP.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Trung Quốc xoa dịu Mỹ trước đối thoại
Giới chức và truyền thông Trung Quốc cố gắng giảm nhẹ bất đồng, đề cao hợp tác và lợi ích chung với Mỹ trước thềm cuộc đối thoại chiến lược giữa hai nước.
Công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên đá Gạc Ma thuộc Trường Sa - Ảnh: Mai Thanh Hải
Ngày 20.6, tờ China Daily dẫn lời giới chức và giới quan sát Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh và Washington sẵn sàng thiết lập "liên lạc hiệu quả" cho những vấn đề lớn. Tờ báo dẫn lời Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc Nguyễn Tông Trạch nhận định cả hai bên sẽ có một danh sách dài về các điểm cần nêu ra cho Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung (S&ED) năm nay, dự kiến diễn ra ở thủ đô Washington của Mỹ từ ngày 22 - 24.6, cho thấy "hai bên rất muốn giải quyết và kiểm soát các vấn đề đang nổi lên".
Cùng ngày, Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài bình luận đề cao các lợi ích chung giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như "quan hệ nước lớn kiểu mới" giữa hai quốc gia này. Trong bài viết, Nhân Dân nhật báocòn nhấn mạnh hai bên có thể vượt qua các bất đồng. Tương tự, tại một diễn đàn ở Bắc Kinh ngày 19.6, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang cũng tuyên bố Bắc Kinh sẽ "xử lý và kiểm soát hiệu quả" các bất đồng với Washington, theo Reuters.
Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel nhấn mạnh rằng trong đối thoại chiến lược sắp tới, phía Mỹ sẽ nêu lên các bất đồng với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông.
S&ED diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng tốc hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên 7 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, gây quan ngại toàn cầu. Ngày 19.6, một nhóm học giả thuộc Viện Nghiên cứu Hudson (Mỹ) lên tiếng kêu gọi Mỹ phản ứng trước hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông để bảo vệ quyền tiếp cận các giá trị toàn cầu và từ đó củng cố luật pháp quốc tế, theo tạp chí Seapower. Trong đó, cố vấn cấp cao của Chương trình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới Patrick Cronin nói rõ Mỹ cần ngăn chặn mưu đồ của Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để củng cố tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông bằng cách duy trì quyền tự do lưu thông, tăng áp lực ngoại giao với Bắc Kinh và xây dựng khả năng ứng phó với các quốc gia đối tác ở khu vực.
Một chuyên gia khác tên Paul Giarra cũng cảnh báo về nỗ lực của Trung Quốc dùng các đảo nhân tạo để can thiệp vào quyền tự do tiếp cận các giá trị toàn cầu là sự tấn công vào luật pháp. "Trung Quốc đang chà đạp lên các quyền của những quốc gia khác", ông Giarra khẳng định.
Văn Khoa
Theo Thanhnien