Tổng thống Obama mời tân Tổng thống Ai Cập thăm Mỹ
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời Tổng thống người Hồi giáo mới đắc cử của Ai Cập, ông Mohamed Mursy, tới thăm Mỹ vào tháng 9 tới.
Liệu Tổng thống Obama có thể xây dựng được quan hệ tốt với tân Tổng thống Ai Cập Mursy?
Thông tin trên đã được một quan chức Ai Cập thông báo sau cuộc gặp mới đây giữa ông Mursy và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns.
Video đang HOT
“Tổng thống Obama đã gửi lời mời Tổng thống Mursy tới thăm Mỹ khi ông tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9″, Trợ lý của Tổng thống Mursy, ông Yasser Ali, cho hay.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng dự kiến sẽ tới thăm Ai Cập sau khi đến thăm một số quốc gia châu Á và dự Diễn đàn Kinh tế Khu vực (ARF) lần thứ 9 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia trong tuần này.
Cả hai động thái này cùng cho thấy Washington đang đẩy nhanh sự thay đổi chính sách trong quan hệ với thế giới Hồi giáo theo hướng nuôi dưỡng quan hệ này, thay vì đối đầu như trước kia.
Trước đây, khi còn là đồng minh của Tổng thống Ai Cập bị lật đổ Hosni Mubarak, Mỹ luôn áp dụng chính sách phòng ngừa với những người Hồi giáo. Tuy nhiên, trong gần một năm trở lại đây, Nhà Trắng đã quyết định thay đổi chính sách này bằng cách kiến tạo một số kênh giao tiếp chính thức với tổ chức Anh em Hồi giáo, nhóm Hồi giáo lớn nhất ở Ai Cập và có ảnh hưởng khá lớn đối với các phong trào Hồi giáo khác trong khu vực.
Tân Tổng thống Mursy của Ai Cập cũng từng là thành viên của tổ chức này. Ông Mursy ra tranh cử Tổng thống Ai Cập với tư cách là ứng cử viên của Huynh đệ Hồi giáo nhưng đã chính tức rút khỏi tổ chức này sau khi đắc cử.
Theo Dân Trí
Tân Tổng thống Ai Cập hứa bổ nhiệm nội các "toàn người tài"
Ông Mohammed Mursi - học giả Hồi giáo và là tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập - tuyên bố bắt đầu thành lập chính phủ mới sau khi cam kết sẽ trở thành nhà lãnh đạo của tất cả người dân Ai Cập.
Tân Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi.
Ông Mursi (60 tuổi) có thể tuyên thệ nhậm chức vào ngày 30.6, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về mức độ quyền hạn của ông. Nhiệm vụ giờ đây của tổng thống mới đắc cử là bắt tay vào xây dựng một chính quyền dân sự. Bên cạnh đó, mọi sự chú ý sẽ đổ dồn vào việc ông lựa chọn ai làm thủ tướng.
Phóng viên BBC tại Cairo cho biết, có nhiều nguồn tin nói rằng ông Mursi đã thảo luận với ông Mohamed ElBaradei - người từng giành giải Nobel Hoà bình. Tổng thống mới đắc cử cũng hứa bổ nhiệm một loạt phó tổng thống và một nội các gồm "toàn những người tài".
Tuy nhiên, với những hy vọng của cuộc cách mạng Ai Cập đặt nặng lên vai tổng thống mới đắc cử, ông Mursi sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong và ngoài nước. Hiện tại ở Ai Cập, tổng thống là vị trí không có quyền lực thực sự, bởi Hội đồng các Lực lượng vũ trang tối cao nắm trong tay toàn bộ quyền sinh sát khắp đất nước. Theo một tuyên bố hiến pháp tạm thời, hội đồng quân sự nói rằng sẽ duy trì quyền lực cho đến khi hiến pháp mới và quốc hội mới được thông qua.
Bên cạnh đó, ông Mursi còn "thừa hưởng" một nền kinh tế chật vật, tỉ lệ đói nghèo lan rộng, thất nghiệp tăng cao và ngành du lịch vẫn đầy rẫy khó khăn do bất ổn chính trị. Chiến thắng của ông cũng đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Ai Cập với Israel. Mặc dù khẳng định sẽ bảo vệ tất cả các thỏa thuận quốc gia và quốc tế, song trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn Iran Fars hôm qua, ông Morsi nói rằng muốn "xem xét lại" Hiệp ước Hoà bình năm 1979 với Israel và xây dựng quan hệ với Iran nhằm tạo một thế cân bằng chiến lược ở Trung Đông.
Lãnh đạo quân đội Ai Cập - Thống tướng Hussein Tantawi - là một trong những người đầu tiên lên tiếng chúc mừng ông Mursi. Ngoại trưởng Anh William Hague cũng đã chúc mừng, nói rằng cuộc bầu cử đánh dấu một "thời khắc lịch sử của Ai Cập".
Nhà Trắng thì gọi cuộc bầu cử này là "dấu mốc quan trọng trong tiến trình chuyển giao tới dân chủ của Ai Cập". Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: "Chúng tôi tin rằng điều tối quan trọng là Chính phủ Ai Cập tiếp tục thực hiện vai trò trụ cột trong hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực của mình".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói ông hy vọng hiệp ước hoà bình lâu dài giữa hai quốc gia sẽ được tiếp tục thực hiện. Ai Cập là quốc gia Arab đầu tiên ký hiệp ước hoà bình với Israel, nhưng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo xưa nay vẫn tỏ ra không ưng thuận hiệp ước này.
Trước đó, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Mursi kêu gọi người dân Ai Cập tăng cường đoàn kết dân tộc. "Sẽ không có chỗ cho ngôn ngữ của đối đầu" - tổng thống mới đắc cử nói sau khi ủy ban bầu cử tuyên bố ông giành chiến thắng với tỉ lệ 51,73% trước cựu Thủ tướng Shafiq trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống hôm 16 - 17.6.
Ông Mursi cũng hứa hẹn rằng sự lãnh đạo của ông sẽ bao trùm cả các đảng phái khác và ngỏ lời trấn an cả các cử tri Thiên chúa giáo cũng như phe thế tục.
Tân Tổng thống Mohammed Mursi "thừa hưởng" một nền kinh tế chật vật, tỉ lệ đói nghèo lan rộng, thất nghiệp tăng cao và ngành du lịch vẫn đầy rẫy khó khăn do bất ổn chính trị.
Theo Lao Động