Tổng thống Obama ký luật cắt giảm chi tiêu công, Mỹ tránh khỏi vỡ nợ
Không chỉ Mỹ, cả thế giới đã thở phào khi Thượng viện phê chuẩn và Tổng thống Mỹ ký ban hành đạo luật cắt giảm chi tiêu công, nâng mức giới hạn vay nợ của quốc gia, tránh cho chính phủ khỏi lâm tình cảnh không trả được nợ – điều chưa từng xảy ra.
Như vậy là sau nhiều tháng bế tắc vì tranh chấp giữa hai đảng, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật nâng giới hạn mức nợ được vay và cắt giảm chi tiêu của chính phủ.
Kết quả cuộc biểu quyết tại Thượng viện với 74 phiếu thuận và 26 phiếu chống tối qua đã diễn ra một ngày sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện. Dự luật được đưa sang Nhà Trắng để Tổng thống Barack Obama ký ban hành, vào lúc chỉ còn 10 giờ trước khi chính phủ nói là sẽ hết tiền để trả tất cả những khoản nợ cần phải thanh toán.
Lên tiếng tại Nhà Trắng ngay sau khi Thượng viện biểu quyết, ông Obama chỉ trích các nhà làm luật, gọi cuộc khủng hoảng nợ nần “lại chỉ là một trở ngại nữa cho sự hồi phục kinh tế”.
Tổng thống Mỹ gọi thỏa hiệp này là bước đầu để bảo đảm là quốc gia phải chi tiêu theo chừng mực của những gì có trong khả năng, nhưng cảnh báo rằng không thể giảm nợ thêm nữa mà không xóa bỏ những khoản ưu đãi thuế cho giới giàu có nhất và cho các công ty lớn.
“Trọng tâm hiện nay là phải quay trở lại với việc tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân Mỹ còn đang thất nghiệp”.
Video đang HOT
Nội dung chính thỏa thuận nợ của Mỹ
Cho phép nâng mức trần nợ thêm 2.400 tỷ USD – đủ để nước Mỹ tiếp tục vay mượn tiền đến năm 2013.
Thỏa thuận bao gồm các khoản cắt giảm chi tiêu có thể lên tới 2.500 tỷ USD, nhiều hơn khoản tăng mức trần nợ.
Thỏa thuận ban đầu sẽ cắt giảm ít nhất 900 tỷ USD chi tiêu của chính phủ trong vòng 10 năm và thành lập một ủy ban ngân sách lưỡng đảng để tìm cách cắt giảm thâm hụt ngân sách thêm ít nhất 1,5 ngàn tỷ USD.
Nếu ủy ban này không tìm được phương cách để giảm thâm hụt ngân sách trước cuối tháng 11, các khoản cắt giảm tự động khác đối với các cơ quan của toàn chính phủ sẽ có hiệu lực vào năm 2013. Trong số này có khoản cắt giảm đầu tiên đối với chi tiêu của Bộ Quốc phòng trong nhiều thập niên.
Mặc dù đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua, đạo luật này vẫn bị các nhà làm luật hàng đầu chỉ trích là không toàn hảo hoặc không đầy đủ.
Đạo luật này cũng qui định phải thành lập một ủy ban lưỡng đảng về ngân sách để tìm cách hạ giảm bớt thâm hụt thêm 1.500 tỉ USD nữa. Nếu ủy ban này không đạt được một thỏa thuận cắt giảm, toàn bộ các cơ quan trong chính phủ sẽ tự động bị cắt giảm những khoản ngân sách rất lớn.
Vấn đề chưa giải quyết được tận gốc?
Thế giới thở phào nhẹ nhõm: Quốc hội Mỹ đã đạt thoả thuận về ngân sách và cho phép chính quyền liên bang nâng định mức vay mượn ngay trước khi công quỹ bị cạn tiền và rơi vào hoàn cảnh gọi là “vỡ nợ”.
Nhưng giới phân tích cho rằng thế giới vẫn không giảm lo lắng trước các vấn đề mà tình trạng kinh tế Mỹ gây ra. Quốc gia sở hữu chứng khoán lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc tuyên bố: vấn đề vẫn chưa được giải quyết tận gốc, và do đó nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với những cú sốc mới.
Là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, nhiều người Trung Quốc tin rằng nâng trần nợ quốc gia là biện pháp bắt buộc và đúng đắn. Biện pháp đó đã cứu nền kinh tế thế giới khỏi sự sụp đổ sẽ xảy ra nếu Mỹ tuyên bố vỡ nợ. Tuy nhiên, nguy cơ một kịch bản xấu nhất vẫn còn lơ lửng.
Truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát cho hay thỏa thuận vào phút chót để nâng mức trần nợ của Mỹ chỉ có tác dụng trì hoãn các vấn đề sâu xa hơn vốn đe dọa nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc cho rằng gốc rễ vấn đề là ở chỗ khoản nợ quốc gia khổng lồ của Mỹ ngày càng tăng lên. Các nhà kinh tế Trung Quốc chỉ ra rằng trong những năm gần đây, giới hạn nợ cho phép liên tục tăng lên. Hiện giờ đang có kế hoạch tăng trần nợ từ 14.300 tỷ lên 16.700 tỷ USD. Trong khi đó, vẫn chưa rõ liệu chính quyền Mỹ có thực hiện được cam kết giảm thâm hụt ngân sách hay không.
Nếu Mỹ không thể đảm bảo hạn chế chi ngân sách chính phủ và tăng độ bền vững của nền kinh tế, triển vọng lạm phát tăng cao và đồng USD mất giá sẽ là chuyện rất thực tế. Tất cả điều này làm tăng rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, trước hết là nền kinh tế Trung Quốc.
Bắc Kinh còn lo ngại rằng vấn đề nợ trong tương lai sẽ là đối tượng của cuộc đấu tranh chính trị nóng bỏng ở Mỹ, và lợi ích của các nước chủ nợ, trước hết là Trung Quốc, chỉ được các chính trị gia Mỹ chú ý sau chót.
Theo Dân Trí
Mỹ đối mặt nguy cơ khủng hoảng tài chính
Tổng thống Mỹ Barack Obama, hôm 15.5 cảnh báo Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại nếu như chính quyền không đạt được thoả thuận với quốc hội về việc nâng mức trần nợ.
Ông Obama cảnh báo Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái trở lại.
Ngày 16.5, khoản nợ của Chính phủ Mỹ được cho là đã chạm mức trần 14,29 nghìn tỉ USD do quốc hội đề ra. Chủ tịch Hạ viện John Boehner thuộc Đảng Cộng hoà tuyên bố, ông chỉ thoả hiệp với chính quyền với điều kiện Tổng thống Barack Obama cam kết sẽ cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách. Còn tổng thống thì cho rằng, không nên gắn việc nâng mức trần nợ với việc cắt giảm chi tiêu.
"Chúng ta có thể lâm vào cảnh suy thoái tồi tệ hơn những gì đã chứng kiến" - ông Obama cảnh báo. Chủ tịch Hạ viện Boehner đáp lại: "Tôi đã sẵn sàng thoả hiệp. Chúng tôi không đợt đến phút chót. Nhưng tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta sẽ tiến hành cắt giảm chi tiêu một cách thực sự, có thay đổi thực sự trong tiến trình ngân sách, để những vấn đề tương tự không bao giờ xảy ra". Ông Boehner nhấn mạnh, ông trông đợi chính phủ cắt giảm hàng nghìn tỉ USD ngân sách liên bang, chứ không phải chỉ là hàng tỉ.
Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù nợ công đã chạm trần hôm 16.5 nhưng vẫn chưa có tác động ngay lập tức đến chi tiêu của chính phủ, bởi vì Bộ Tài chính có biên độ 10 tuần để tiến hành các điều chỉnh ngắn hạn. Hơn nữa, tiền thu thuế trong tháng 4 vừa qua đã tăng đột biến. Nhưng nếu đến ngày 2.8 mà các bên không đạt được thoả hiệp thì Mỹ sẽ bị vỡ nợ.
Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner mới đây cảnh báo rằng, nếu quốc hội không chịu nâng mức trần nợ Mỹ sẽ rơi vào tình trạng không thể chi trả cho quân nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Điều này để lại những hậu quả sâu xa hơn cho kinh tế, tăng trưởng, việc làm, có thể đẩy kinh tế Mỹ sang một cuộc suy thoái trầm trọng khác.
Theo Lao Động
Tình yêu sinh viên thời bão giá Đang phải gồng mình với giá phòng, tiền điện, nước, sinh hoạt, sinh viên đã có ý tưởng làm tình yêu đẹp hơn thời bão giá. Thay đổi chốn hẹn hò Khi bão giá hoành hành, rất nhiều người đã đi làm việc còn phải "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm mọi thứ có thể thì sinh viên cũng...