Tổng thống Obama ép Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel từ chức?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel từ chức được cho là do sức ép của Nhà Trắng. Sự ra đi này có thể do ông không có tiếng nói trong các chính sách an ninh quốc gia và mất sự tin tưởng từ phía Tổng thống Obama.
Ông Chuck Hagel – Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vừa tuyên bố từ chức sáng ngày 24.11 (giờ Mỹ) sau gần 2 năm tại nhiệm. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama nói: “Trong gần 2 năm qua, Chuck Hagel luôn thể hiện hình ảnh một Bộ trưởng Quốc phòng điển hình, hỗ trợ đắc lực cho quá trình hiện đại hóa chiến lược và ngân sách nhằm giúp chúng ta đối phó với những mối đe dọa dài hạn, trong khi cùng lúc ứng phó với những thách thức trước mắt như lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) và Ebola”.
Bộ trưởng Chuck Hagel cho biết được phục vụ Bộ Quốc phòng là đặc ân lớn nhất trong đời ông, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục làm việc hết sức mình cho đến khi có người thay thế: “Tôi sẽ tiếp tục hết sức ủng hộ Tổng thống Obama, ủng hộ những con người đang ngày đêm bảo vệ nước Mỹ cũng như gia đình họ”.
Video đang HOT
Trong khi đó, sự ra đi của ông Hagel đã khiến giới truyền thông tấn đặc biệt lưu tâm. Tờ NewYork Times dẫn một nguồn tin rằng ông Hagel từ chức là do Tổng thống Obama yêu cầu.
Theo BBC, kể từ khi nhậm chức đến nay, ông Hagel khá kín tiếng trong các vấn đề an ninh quốc gia, thường bị lu mờ và nhường “sân khấu” cho Ngoại trưởng John Kerry và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey.
Theo tờ Washington Post, đã có những bất đồng giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Ông Hagel đã gửi một bản ghi nhớ nội bộ cho Cố vấn An ninh quốc gia Susan Ricer, trong đó ông Hagel đã cảnh báo Tổng thống Barack Obama về nguy cơ chính sách của Mỹ đối với Syria có thể bị sụp đổ vì ông Obama không rõ ràng trong mục tiêu với Tổng thống Syria.
Tổng thống Obama và ông Chuck Hagel – Ảnh: Reuters
Thêm vào đó, ông Obama đã cử tướng về hưu, John A.Allen làm phái viên chịu trách nhiệm thành lập một liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS). Điều này khiến một số quan chức cho rằng đã làm giảm bớt vai trò của ông Hagel, theo Washington Post.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest nói với các phóng viên rằng bản ghi nhớ về Syria của ông Hagel không ảnh hưởng gì tới việc ông từ chức. Phần lớn công việc của ông Hagel là quản lý việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng và các cải cách hành chính khác, nhưng với sự gia tăng của các nước Hồi giáo và các cuộc khủng hoảng khác , Obama đã quyết định ” bộ trưởng khác có thể phù hợp hơn để đáp ứng những thách thức này”, theo Washington Post.
Còn tờ Daily Mail cho biết, một quan chức cấp cao ở Lầu Năm Góc nói với một phóng viên NBC News rằng Hagel đã mất niềm tin của tổng thống trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo quân sự của Mỹ. Bên cạnh đó, một số tờ báo cho rằng ông Hagel cảm thấy khó chịu vì mình không có tiếng nói trong các vấn đề an ninh quốc gia.
Ông Hagel đã bày tỏ thất vọng với các cộng sự của mình về chiến lược của chính quyền Obama đối với Iraq và Syria, cũng như việc ông thiếu ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định, Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận.
Ông bước vào Lầu Năm Góc để giám sát việc Mỹ rút quân ở Afghanistan và quản lý quốc phòng với ngân sách nhỏ hơn nhiều. Thế nhưng đã có quá nhiều vấn đề xảy ra như việc quan hệ với Nga trở nên xấu đi, việc ứng phó với dịch bệnh Ebola và sự gia tăng các động thái của IS ở Syria, Iraq. Ông Hagel thường tỏ ra khó chịu hoặc không thống nhất với các chính sách của chính quyền, theo BBC.
Trong khi đó, ngay sau khi ông Hagel từ chức, những người ủng hộ các nhóm khủng bố IS trực tuyến đã lên Twitter tỏ rõ sự vui sướng, đồng thời tuyên bố rằng ISIS đã buộc ông phải ra đi, theo ABC News.
Theo nhận định của giới phân tích, việc ông Chuck Hagel từ chức có thể là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Obama sẽ cải tổ sâu rộng bộ máy nhân sự an ninh quốc gia trước chỉ trích về những sai lầm của chính phủ đối với một số cuộc khủng hoảng như đại dịch Ebola hay hiểm hoạ IS, theo Reuters.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien