Tổng thống Obama: Đừng đánh giá quá thấp Donald Trump
Tổng thống Mỹ Obama ca ngợi ông Donald Trump đã “ứng biến rất tốt trong chiến dịch vận động tranh cử của mình” để giành chiến thắng vang dội
Sai lầm chết người nếu đánh giá thấp ông Trump
Dù vậy, ông Obama nhận định trong cuộc phỏng vấn với Yahoo News ngày 15/1 rằng, ông Trump khó có thể “ứng biến tốt như vậy” khi lên làm Tổng thống.
“Tôi không nghĩ vậy. Giờ là lúc ông Trump phải xây dựng chính quyền của mình. Chúng ta hãy đợi xem chính quyền đó vận hành như thế nào. Đó sẽ là &’liều thuốc thử’ cho ông Trump và những người mà ông ấy chỉ định để thực thi chính sách của mình”, ông Obama nêu rõ.
Tổng thống Barack Obama thảo luận với Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng. Ảnh: USA Today
Tuy nhiên, ông Obama cảnh báo, sẽ là “sai lầm chết người nếu đánh giá quá thấp ông Trump bởi ông sắp trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ”: “Điều duy nhất mà tôi từng nói trực tiếp với ông ấy, với các đối tác ở Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cũng như những người ủng hộ ông Trump, đó là, cần phải đảm bảo rằng, khi chúng ta tiến lên phía trước, một số chuẩn mực và giá trị truyền thống của nước Mỹ không bị xói mòn”.
Theo ông Obama, ông Trump nhiều khả năng sẽ phải “hứng chịu rất nhiều chỉ trích” dù “ông rất giỏi trong việc kết nối với những người ủng hộ mình trong suốt quá trình tranh cử Tổng thống Mỹ vốn đã khiến rất nhiều chuẩn mực về hành vi ứng xử của một ứng viên Tổng thống bị xói mòn”.
“Một điều rất thú vị hiện nay là việc chúng ta sẽ theo dõi xem ông Trump sẽ xoay xở như thế nào sau khi lên làm Tổng thống. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mà rất nhiều người tiếp nhận thông tin từ những dòng Twitter hay những đoạn ghi âm hoặc những dòng tít mà báo chí cung cấp cho họ.
Tôi tin rằng, điều này mang đến cho họ nhiều quyền lực nhưng cũng kèm theo nhiều nguy cơ. Những thông tin nóng hiện nay đều rất gây tranh cãi và thu hút được nhiều sự chú ý của mọi người dù đó không còn là những thông tin mà các nhà lãnh đạo Mỹ cần để giải quyết những vấn đề then chốt như trước đây nữa”.
Nuối tiếc vì nước Mỹ còn quá chia rẽ
Video đang HOT
Tổng thống Obama cho biết, không có nhiều điều khiến ông thấy hối tiếc sau 2 nhiệm kỳ công tác của mình. Ông Obama cũng khẳng định ông rất tự hào vì đã có thể thay đổi nước Mỹ: “Chúng tôi có thể là chính quyền đầu tiên trong lịch sử hiện đại không vướng vào một bê bối nào khi còn ở Nhà Trắng. Điều đó cho thấy, chúng tôi đã thay đổi được điều gì đó”.
Dù vậy, ông Obama cho biết, ông rất thất vọng vì những gì mà ông không thể thay đổi, đặc biệt là tình trạng “bế tắc” tại Washington: “Trong 2 năm đầu tiên, khi chúng tôi chiếm đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, chúng tôi đã đạt được rất nhiều kết quả khả quan mà không có một chính quyền nào đạt được kể từ những năm 60 của thế kỷ trước.
Tuy nhiên, để duy trì được ưu thế này, chúng tôi cần Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa phải có được “tiếng nói chung” trong một số vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, đến thời điểm này, có thể nhận thấy, cấu trúc hiện nay trong Quốc hội Mỹ khiến các bên rất khó “ngồi lại với nhau”.
Theo ông Obama, điều khiến ông “bứt rứt” nhất chính là việc Đảng Cộng hòa không chấp thuận việc ông chỉ định ông Merrick Garland làm Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ: “Việc ông Mitch McConnell- lãnh đạo Đảng Cộng hòa- có thể dừng việc chỉ định Chánh án Tối cao Mỹ một năm trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra mà không phải trả giá về mặt chính trị cho việc này cho thấy 2 đảng ở Mỹ đang chia rẽ sâu sắc dẫn đến việc chúng ta tự làm suy yếu bản thân”.
“Chúng ta thậm chí không thể tiến hành một phiên điều trần để buộc họ phải hợp tác với chúng ta trong nhiều vấn đề và không thể nói với họ rằng: “Gượm đã. Chính các ông cũng nghĩ đó là một ý tưởng tốt nhưng chỉ vì giờ chúng tôi ủng hộ việc này, các ông lại đổi ý sao?”.
Không hối tiếc về vấn đề Syria
Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng “ranh giới đỏ” mà ông nhắc đến trong bài phát biểu năm 2012 về việc vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria đã tạo ra những vấn đề cho nước Mỹ tại Trung Đông. Tuy nhiên, ông Obama khẳng định, ông không hề hối tiếc về việc này.
“Tôi phải nói với các bạn rằng, tôi không hề hối tiếc khi tuyên bố, nếu tôi chứng kiến việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học tấn công người dân của mình, tôi sẽ thay đổi cách tiếp cận của Mỹ về việc có sẵn sàng can dự vào tình hình Syria hay không?”.
“Tôi cho rằng, tôi sẽ mắc phải sai lầm lớn nếu tuyên bố rằng: “Việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cũng không thay đổi được những toan tính của tôi. Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất khi làm Tổng thống là đưa ra một thông điệp khác biệt về vấn đề vũ khí hóa học”, ông Obama tuyên bố.
Tổng thống Obama cho biết, sau 8 năm nắm quyền, ở tuổi 55, có thể trông ông già hơn so với trước đó nhưng: “Về mặt sức khỏe, tôi cảm thấy tốt hơn bao giờ hết và luôn tràn đầy năng lượng”. Dù vậy, theo ông Obama, ông rất cần được nghỉ ngơi vào ngày 21/1- một ngày sau khi ông rời Nhà Trắng. “Tôi sẽ không để chuông báo thức nữa. Chắc chắn đấy”, ông Obama hóm hỉnh.
(Theo Kiến Thức)
Tâm lý trái ngược của người Việt ở Mỹ trước khi Trump nhậm chức
Khi thời điểm nhậm chức của Donald Trump đang đến gần, một số người Việt bày tỏ lo lắng về các vấn đề xã hội và hình ảnh nước Mỹ, một số khác lại kỳ vọng lớn về một tân tổng thống cứng rắn.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ nhậm chức vào ngày 20/1. Ảnh: NYT
"Tôi rất lo lắng cho tình hình kinh tế và xã hội của Mỹ khi ông Trump nắm chính quyền. Điều tôi lo sợ nhất là tình trạng bạo lực sẽ gia tăng ở các nhóm sắc tộc thiểu số của Mỹ, nhất là người theo đạo Hồi và người nhập cư vì sự kỳ thị của ông đối với họ", James Huynh, 23 tuổi, bang California, nói với VnExpress về Tổng thống Mỹ sắp nhậm chức.
Là một người đang học thạc sĩ chuyên ngành y tế công cộng, Huynh rất quan tâm đến việc ông Trump và Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa kiểm soát đang xúc tiến bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe (ACA) hay còn gọi là Obamacare. Khoảng 30 triệu người Mỹ đã có bảo hiểm y tế sẽ mất quyền tiếp cận dịch vụ này, điều cậu tin rằng là quyền cơ bản của công dân.
Huynh cho biết cậu lên án những điều mà Trump thể hiện như chủ nghĩa bài ngoại, phân biệt chủng tộc, kỳ thị phụ nữ. Huynh cũng biết có nhiều nhóm chuẩn bị tổ chức biểu tình phản đối trong suốt tuần ông Trump nhậm chức và lo ngại phong trào biểu tình sẽ mạnh hơn.
Cũng có mối lo lắng tương tự, Nguyễn Hoàng Thắng, 25 tuổi, đang sống ở bang Washington, cho hay có một số vấn đề anh và bạn bè coi nó như "cơn ác mộng", đó là sự thay đổi của Obamacare và cải cách thuế. Nếu ông Trump bãi bỏ di sản này của ông Obama, hàng nghìn người, trong số 30 triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế, đang mang bệnh và không thể mua lại bảo hiểm. Nếu tân tổng thống cải cách thuế theo hướng giảm cho tầng lớp giàu nhất nước Mỹ, cán cân giàu nghèo trong xã hội sẽ tiếp tục tăng.
"Cá nhân tôi không ủng hộ Trump, ông kỳ thị chủng tộc, người tật nguyền, kỳ thị giới tính, chưa từng công khai giấy tờ nộp thuế, điều chưa từng xảy ra với bất kỳ ứng viên nào từ sau Thế chiến II. Tổng thống Mỹ phải là người đại diện cho toàn nước Mỹ, không phải chỉ riêng cho 1% giới giàu nhất", Thắng nói.
Với việc ông Trump lên làm tổng thống thứ 45 của Mỹ gây ra nhiều tranh cãi, Thắng cho biết có thể mọi người sẽ không gọi Mỹ là hợp chủng quốc nữa mà sẽ coi là nước Mỹ chia rẽ (Divided States of America). Cậu hy vọng Mỹ sẽ không lặp lại cuộc đại suy thoái như năm 1930, khi Mỹ có tổng thống đến từ đảng Cộng Hoà, Thượng Viện và Hạ Viện đều do đảng Cộng Hoà cầm đa số ghế.
Hy vọng lớn
Trái ngược với mối lo lắng này, ông William Le, bang California, cho hay nhiều người Mỹ gốc Việt tin rằng Tổng thống đắc cử Trump sẽ giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh vì ông là một doanh nhân thành công.
"Chúng tôi mong rằng ông Trump sẽ thực hiện những lời hứa khi tranh cử, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, đưa nước Mỹ trở lại thành một nước siêu cường", ông Le nói.
Dẫn một số sự kiện khiến mình tin tưởng vào tổng thống sắp nhậm chức, ông Le cho hay ông Trump thể hiện là một tổng tư lệnh tương lai quyết liệt, bằng việc khiến giám đốc điều hành tập đoàn vũ khí Lockheed Martin hứa sẽ cắt giảm đáng kể giá thành của tiêm kích F-35. Vào đêm ông Trump đắc cử 8/11 năm ngoái, thị trường chứng khoán New York chao đảo và tuột dốc vài nghìn điểm, nhưng nó đã tăng trở lại vào ngày hôm sau, điều đó cho thấy giới đầu tư tin tưởng vào ông Trump.
Với việc chọn ông trùm dầu khí Rex Tillerson làm ngoại trưởng, điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, ông Trump cũng có thể khiến Mỹ mạnh lên cả về quân sự và ngoại giao, không để nước khác lấn lướt.
"Tôi cho rằng dưới chính quyền của Trump, Mỹ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, ổn định xã hội, mọi quốc gia sẽ phải tôn trọng luật pháp quốc tế", ông Le nói.
Phan Võ Trung Hiếu, hiện sống ở bang Massachusetts, bày tỏ anh mong các chính sách nới lỏng quản lý các ngành trọng yếu, cắt giảm thuế doanh nghiệp và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của ông Trump sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ, mở ra nhiều cơ hội cho Mỹ. Thị trường cổ phiếu của Mỹ gần đây cũng cho thấy sự kỳ vọng vào ông Trump, Hiếu cho hay.
Cũng thể hiện sự ủng hộ Trump, ông Nguyen Cong Chanh, bang California, cho biết ông tin rằng Tổng thống sắp nhậm chức Trump sẽ bắt tay vào thực hiện một số việc sau ngày 20/1. Đó là tăng cường hợp tác có giới hạn với Nga để đối phó với Trung Quốc, không để Bắc Kinh bành trướng chủ nghĩa bá quyền ở châu Á và Biển Đông. Ông Nguyen nêu rõ mình ủng hộ Trump vì ông có đủ bản lĩnh đối đầu với nhóm quyền lực bảo thủ của đảng Cộng hòa.
Nhắc đến quan hệ Việt - Mỹ khi ông Trump sắp trở thành tổng thống, ông Pham Quang Hung, ở Virginia, cho biết ông mong hợp tác hai nước sẽ chặt chẽ hơn, nhất là về kinh tế và giáo dục.
Miêu tả không khí trước lễ nhậm chức của ông Trump, ông William Le cho hay người Việt ở California những ngày này cũng xôn xao bàn tán ở mọi nơi, từ các quán ăn, cafe, các buổi tụ tập.
Cũng là người ủng hộ ông Trump nhưng Hà Nguyễn, bang Texas, dự báo tổng thống mới của Mỹ sẽ gặp nhiều sóng gió và chỉ trích, tuy nhiên Hà cho rằng "việc đó là điều bình thường".
Lịch trình lễ nhậm chức của Donald Trump (click vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành
Việt Anh - Anh Ngọc - Trọng Giáp
Theo VNE
An ninh trong lễ nhậm chức của Donald Trump là thách thức chưa từng có trong lịch sử Các quan chức cấp cao tham gia lập kế hoạch đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết hận thù chính trị và các mối nguy khủng bố gây ra thách thức chưa từng có trong lịch sử. Hận thù chính trị của nước Mỹ bị chia rẽ Làn sóng biểu tình phản đối...