Tổng thống Obama đọc Thông điệp liên bang, kêu gọi dẹp bỏ ‘tư tưởng bè phái’
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 12.1 đọc bản Thông điệp liên bang cuối cùng của mình với mong muốn nước Mỹ gạt bỏ tư tưởng chính trị bè phái, cùng nhau xây dựng đất nước.
Trong thông điệp liên bang lần cuối, Tổng thống Mỹ Barack Obama lạc quan về tương lai nước Mỹ – Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc bản Thông điệp liên bang Mỹ vào lúc 21 giờ ngày 12.1 (tức 9 giờ sáng 13.1 giờ Việt Nam) với nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng. Đây là bản Thông điệp liên bang cuối cùng của ông Obama trước khi rời nhiệm sở.
Trong Thông điệp, ông Obama đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ ứng phó thế nào với những thay đổi của thời đại, chúng ta sẽ đối mặt bằng sự sợ hãi, co cụm lại và quay lưng với nhau hay chúng ta sẽ hướng tới tương lai với sự tự tin vào bản thân, vào những gì chúng ta đại diện và những điều tuyệt vời mà chúng ta có thể cùng nhau làm được?”, theo The Washington Post.
Bằng câu hỏi đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra các vấn đề lớn liên quan trực tiếp tới nước Mỹ.
Về kinh tế, Tổng thống Obama tự tin khẳng định Mỹ hiện nay là nền kinh tế mạnh nhất và bền vững nhất thế giới. The Washington Post cho rằng ông Obama đang cố trấn an người dân Mỹ trước những lo ngại nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu sụt giảm.
Video đang HOT
Về chính trị, ông Obama nói rằng nội bộ nước Mỹ cần những tranh luận mang tính xây dựng, nền chính trị Mỹ cần gạt bỏ tư tưởng bè phái, thay vào đó là cùng nhau hợp tác. Theo ông, chỉ có như vậy nước Mỹ mới có thể hướng tới một tương lai với những cơ hội và an ninh cho từng gia đình, với điều kiện sống ngày càng tăng và một hành tinh hòa bình bền vững cho tất cả mọi người, theo The Guardian.
Với suy nghĩ đó, ông Obama chỉ trích các ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa mang tư tưởng kỳ thị người Hồi giáo. “Tư tưởng đó hoàn toàn sai. Điều đó chỉ làm hạ thấp chúng ta trong mắt thế giới và khiến chúng ta khó khăn hơn trong việc thực hiện những mục tiêu của mình”, ông Obama khẳng định.
Đề cập đến nguy cơ khủng bố, Tổng thống Mỹ khẳng định ưu tiên số một là bảo vệ người Mỹ trước mối đe dọa trực tiếp từ khủng bố. Ông cho rằng các nhóm khủng bố như al-Qaeda hay IS đều nguy hiểm và có thể phá hủy nhiều thứ. Các nhóm khủng bố cũng có thể nhồi sọ nhiều người ngay trong nước Mỹ thông qua mạng internet, theo NBC News.
Ông Obama nói rằng cuộc chiến chống IS sẽ không phải là chiến tranh thế giới thứ ba, đồng thời khẳng định chiến lược chống IS của Mỹ là đúng đắn. Nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi quốc hội thông qua quyền sử dụng quân đội Mỹ để đánh IS. “Chính sách đối ngoại của chúng ta phải tập trung vào các mối đe dọa từ IS và al-Qaeda nhưng không chỉ dừng lại ở đó”, ông Obama nói.
Tổng thống Obama chào quốc hội trước khi đọc Thông điệp liên bang lần cuối cùng – Ảnh: Reuters
Bản Thông điệp liên bang của ông Obama được đánh giá là mang tính lạc quan, hướng tới những vấn đề tương lai của nước Mỹ với sự tin tưởng. Ông Obama ngợi ca những người Mỹ bình thường đã góp phần xây dựng nước Mỹ, đó là những người công nhân, y tá, cảnh sát hay bất cứ ai đang âm thầm cống hiến cho nước Mỹ.
Kết thúc bản thông điệp, ông Obama nói: “Đó là một nước Mỹ mà tôi biết, đất nước tôi yêu với đôi mắt sáng, trái tim đầy yêu thương. Hãy lạc quan tin rằng sẽ không có vũ trang bạo lực, và những tình yêu vô điều kiện sẽ là những điều cuối cùng. Bởi những điều đó cho ta hy vọng về tương lai. Tôi tin ở các bạn”.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Tổng thống Putin chuẩn bị đọc thông điệp liên bang
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 3.12 sẽ đọc thông điệp liên bang trước lưỡng viện quốc hội với những chính sách và định hướng đối với nước Nga trong năm 2016.
Tổng thống Putin chuẩn bị đọc thông điệp liên bang vào ngày 3.12.2015 - Ảnh: AFP
Vào lúc 12 giờ trưa ngày 3.12 theo giờ Moscow (16 giờ, Việt Nam) tại hội trường St. George của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đọc thông điệp liên bang thường niên trước quốc hội Nga. Đây là bản thông điệp liên bang thứ 22 trong lịch sử Liên bang Nga và là thông điệp thứ 12 của Tổng thống Putin, theo TASS.
Bài phát biểu quan trọng này của Tổng thống Putin sẽ được phát sóng trực tiếp trên các kênh truyền hình và phát thanh quốc gia của Nga.
Hiến pháp liên bang nêu rõ nhiệm vụ của Tổng thống Nga là phải đánh giá tình hình đất nước và hoạch định đường lối đối nội và đối ngoại quốc gia. Với cương vị là người đứng đầu nước Nga, Tổng thống Putin đặc biệt chú trọng tới thông điệp liên bang, quyết định các quan điểm lớn trong thông điệp này.
Tuy vậy, theo Tổng thống Putin: "Thông điệp liên bang là một đứa con tinh thần của tập thể, bởi nó không thể được hoàn thành với độ chuyên nghiệp cao như vậy nếu thiếu sự đóng góp từ chính phủ hay Ngân hàng trung ương Nga".
Thông điệp liên bang Nga lần này được dư luận đặc biệt trông đợi vì nó được đưa ra trong bối cảnh nước Nga đang có những vấn đề lớn. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với các biện pháp trừng phạt kéo dài của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Với các vấn đề đối ngoại, Nga đang tham gia chiến dịch quân sự tại Trung Đông, tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Quyết định này khiến quan hệ giữa Nga và các nước liên quan diễn biến phức tạp. Ngoài ra, tình hình ở Ukraine và sự mở rộng ảnh hưởng của NATO cũng là vấn đề được xem là quan trọng đối với an ninh Nga.
Hơn thế nữa, năm 2015 nước Nga đã phải trải qua nhiều thảm họa hàng không khi một máy bay hành khách của Nga bị rơi tại bán đảo Sinai, Ai Cập làm 224 người thiệt mạng. Tiếp đó, máy bay ném bom Su-24 của Nga khi tham gia chiến dịch quân sự ở Syria đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, gây ra phẫn nộ không chỉ với giới chức mà cả người dân Nga.
Chính vì vậy, thông điệp liên bang của Tổng thống Putin năm nay càng mang một ý nghĩa to lớn đối với người dân Nga. Đó sẽ là những chính sách và định hướng của chính quyền về các vấn đề đối nội và đối ngoại trong năm 2016 và trong tương lai.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Tổng thống Obama nhắc tới vấn đề "nóng" trong cuộc họp báo cuối năm Ngày 18/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức cuộc họp báo cuối cùng của năm 2015, trong đó đề cập tới hàng loạt vấn đề thời sự "nóng" của nước Mỹ trong năm qua trên các phương diện đối nội và đối ngoại. Tổng thống Obama chào tạm biệt khi rời phòng họp. Mở đầu cuộc họp báo được truyền hình...