Tổng thống Obama đề nghị được trao quyền phát động chiến tranh chống IS
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã đệ trình Quốc hội dự luật cho phép ông sử dụng vũ lực có giới hạn để tiêu diệt tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, đồng thời nhấn mạnh lực lượng này chắc chắn sẽ bị đánh bại.
Tổng thống Obama muốn được Quốc hội trao quyền lớn hơn trong cuộc chiến tiêu diệt hoàn toàn lực lượng IS (Ảnh: Popist)
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đề nghị được trao quyền phát động chiến tranh kể từ sau đề nghị tương tự của Tổng thống George W. Bush về cuộc chiến tranh Iraq năm 2002.
Dự luật do Tổng thống Obama đệ trình được biên soạn trên cơ sở điều chỉnh Đạo luật năm 2002 về trao quyền cho Tổng thống George W. Bush phát động chiến tranh tại Iraq và Đạo luật năm 2001 về trao quyền cho Tổng thống sử dụng các lực lượng vũ trang (được thông qua ngay sau khi xảy ra sự kiện khủng bố 11/9/2001).
Dự luật có thời hạn 3 năm, cho phép Tổng thống Obama sử dụng lực lượng đặc biệt và cố vấn quân sự để tiêu diệt IS. Các chiến dịch tấn công này sẽ không bị giới hạn về mặt địa lý, nhưng không được “sử dụng lực lượng bộ binh lâu dài”.
Phát biểu tại Quốc hội khi trình dự luật trên, Tổng thống Obama khẳng định lực lượng IS sẽ bị đánh bại dưới tay liên minh quốc tế do Mỹ cầm trịch.
“Liên minh của chúng ta đang trên đà tấn công. Hiện IS chỉ ở thế phòng thủ và chúng sẽ bị đánh bại”, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định.
Tổng thống Obama kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ để hiện sự đoàn kết trong cuộc chiến chống IS, đồng thời khẳng định đây không phải là dấu hiệu của việc nước Mỹ sẽ lại sa lầy vào “một cuộc chiến không có hồi kết”.
Video đang HOT
“Tôi có niềm tin rằng nước Mỹ sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc chiến trên bộ kéo dài khác ở Trung Đông”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.
Nếu dự luật trên được thông qua, Tổng thống Obama sẽ có được sự chấp thuận chính thức của Quốc hội trong việc sử dụng các lực lượng Mỹ tấn công IS, phiến quân al-Qaeda ở Yemen và Somalia bằng máy bay không người lái và tên lửa.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Obama đã thành lập liên minh quốc tế chống khủng bố với sự tham gia của khoảng 60 nước nhằm tiêu diệt các mục tiêu của IS ở Iraq và Syria.
Từ đó đến nay, liên minh quốc tế đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích nhằm vào IS. Mặc dù các cuộc không kích chưa thể tiêu diệt được lực lượng này nhưng cũng đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công và làm suy yếu đáng kể các tiềm lực của IS.
Tranh cãi trong chính giới Mỹ
Việc Tổng thống Obama đệ trình Quốc hội dự luật cho phép phát động chiến tranh đang mở ra cuộc tranh luận trong chính giới Mỹ về cách thức triển khai lực lượng quân đội Mỹ cũng như việc mở rộng can dự của Mỹ ở Iraq và Syria.
Đáng ngạc nhiên là nhiều thành viên của đảng Dân chủ cầm quyền phản đối dự luật này, trong khi các thành viên của đảng Cộng hòa đối lập lại lên tiếng ủng hộ.
Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng họ đã “mệt mỏi” sau hơn một thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, do đó họ sẽ phản đối bất kỳ việc trao quyền phát động chiến tranh nào cho Tổng thống, bao gồm việc “đưa quân tham chiến”.
Đứng đầu trong số này là Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi, người đứng đầu nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện. Trong tuyên bố đưa ra hôm 11/2, bà Nancy Pelosi tuyên bố sẽ không phê chuẩn dự luật của Tổng thống Obama mà chỉ đồng ý chỉ trao quyền hạn chế trong cuộc chiến chống IS.
Trong khi đó, một số nghị sỹ cực hữu của đảng Cộng hòa đối lập lại bày tỏ sự ủng hộ khi phản đối việc giới hạn quyền sử dụng quân đội của Tổng thống với tư cách là Tổng Tư lệnh quân đội.
Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, Thượng nghị sĩ John McCain cho rằng Tổng thống cần được trao quyền triển khai lực lượng bộ binh khi cần thiết vì đây là điều quan trọng để đánh bại IS.
Một số nghị sỹ Cộng hòa khác, trong đó có Thượng nghị sĩ Lindsey Graham có nhiều ảnh hưởng, thậm chí kêu gọi trao quyền lớn hơn cho Tổng thống như cho phép Mỹ bảo vệ lực lượng đối lập ở Syria (hiện do các lực lượng Mỹ đào tạo), hay đáp trả các cuộc không kích của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vũ Anh
Theo dantri/BBC
Nga cảnh báo Mỹ trước thềm cuộc đàm phán 4 bên về Ukraine
Giới chức Nga hôm qua đã liên tiếp đưa ra những cảnh báo đối với Mỹ về kế hoạch cung cấp vũ khí cho Ukraine ngay trước khi diễn ra cuộc gặp cấp cao 4 bên theo công thức Normandie về hòa bình Ukraine.
Ông Alexei Pushkov cảnh báo Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. (Ảnh:BBC)
Theo hãng tin BBC, phát biểu trước Nghị viện châu Âu hôm 10/2, ông Alexei Pushkov, người đứng đầu Ủy ban quốc tế của Duma Quốc gia Nga, đã cảnh báo rằng vũ khí do Mỹ viện trợ cho Kiev có thể "mở rộng chiến tranh và biến nó thành mối đe dọa thực sự đối với toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu".
Ông Pushkov cảnh báo đó là "một con đường cực kỳ nguy hiểm" và "có rất nhiều người Mỹ vẫn muốn chiến tranh ở khắp nơi".
Một lời cảnh cáo khác đến từ người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Pesko. Ông này hôm 10/2 nói rằng "Nga thực sự quan tâm đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Tất cả các kế hoạch khác nhằm gia tăng trừng phạt, cung cấp vũ khí hay tương tự như vậy đều gây bất ổn tại Ukraine".
Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho biết nếu Washington cung cấp vũ khí cho Kiev, Mátxcơva có thể sẽ đáp trả bằng biện pháp ngoại giao.
Ông Patrushev cho rằng kế hoạch cấp vũ khí của Washington sẽ "đổ thêm dầu" vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đồng thời càng khẳng định thực tế rằng Washington là thành viên trực tiếp của cuộc xung đột.
"Việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành một chứng nhận về thực tế nước này tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, điều đã được các quan chức Mỹ gián tiếp xác nhận", cơ quan báo chí của Hội đồng An ninh Nga dẫn lời ông Patrushev nói.
Trước đó, đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khẳng định sẽ cân nhắc khả năng cung cấp vũ khí cho chính quyền Ukraine nếu vòng đàm phán 4 bên diễn ra ngày 11/2 tại thủ đô Minsk (Belarus) thất bại. Vòng đàm phán sẽ có sự tham gia của nguyên thủ Nga, Ukraine, Pháp và Đức để thảo luận về sáng kiến hòa bình chung do Pháp và Đức đưa ra.
Đây được coi là cơ hội cuối cùng để các bên tiến gần hơn tới một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ở miền Đông Ukraine sau hơn 10 tháng bùng nổ xung đột, vốn đã cướp đi sinh mạng của 5.400 người và buộc hơn 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Trọng một động thái tích cực trước thềm cuộc đàm phán, Nhóm tiếp xúc về Ukraine thông báo đã đạt được nhất trí về một lệnh ngừng bắn mới ở Ukraine, trong đó có đề ra cơ chế giám sát ngừng bắn cũng như việc rút vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột. Tuy nhiên, quy chế pháp lý cho hai Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk vẫn cần phải được bàn thảo tiếp.
Nghi Phương - Vũ Anh
Tổng hợp
Theo Dantri
Tổng thống Obama đề xuất cử bộ binh chống lại IS Tổng thống Mỹ Obama ngày mai 11/2 sẽ đề xuất trước Quốc hội trao quyền sử dụng lực lượng bộ binh tại Iraq và Syria để chống lại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), báo chí Mỹ cho biết. Tổng thống Mỹ Barack Obama (áo trắng) đề xuất sử dụng bộ binh trong cuộc chiến chống lại IS. (Ảnh:...