Tổng thống Obama cảnh báo Anh không nên rời khỏi EU
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22.4 cảnh báo nếu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thì London sẽ phải “xếp hàng phía sau” nếu muốn ký kết các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại thủ đô London – Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama đưa ra cảnh báo trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron, trước khi Anh tiến hành bỏ phiếu trưng cầu dân ý (do ông Cameron khởi xướng) ngày 23.6 về việc Anh rời khỏi EU, theo AFP.
Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Anh bỏ phiếu rời khỏi EU, Tổng thống Obama nói “có lẽ vào một thời điểm nào đó” Anh có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng điều này “không thể xảy ra sớm”.
“Anh sẽ phải xếp hàng ở phía sau”, bởi vì Washington ưu tiên ký kết thỏa thuận thương mại với khối lớn hơn như EU, hơn là một nước Anh riêng lẻ, ông Obama nói.
Ông Obama đồng thời ca ngợi “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ và bác bỏ những chỉ trích cho rằng ông can dự vào vấn đề nội bộ của London.
Video đang HOT
Về phần mình, Thủ tướng Cameron cho hay Anh nên lắng nghe những người bạn và ông không thể nghĩ ra bất kỳ đồng minh thân cận nào của London muốn Anh rời khỏi EU.
Trong bài viết đăng trên tờ The Daily Telegraph (Anh) trước thềm chuyến thăm Anh bốn ngày, ông Obama viết rằng sức ảnh hưởng của Anh trên thế giới sẽ “được mở rộng” nếu Anh vẫn là thành viên của EU.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron trong buổi họp báo chung tại thủ đô London, Anh Reuters
Những nhà vận động chống EU, như thị trưởng London Boris Johnson, đã lên tiếng chỉ trích phát ngôn của ông Obama là “đạo đức giả”.
Lãnh đạo đảng Độc lập Anh Nigel Farage cũng chỉ trích ông Obama, cho biết “thỏa thuận thương mại tất nhiên là phục vụ lợi ích các quốc gia liên quan” chứ không liên quan đến việc Anh có là thành viên của EU hay không.
Giáo sư Richard Whitman, chuyên ngành chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Kent (Anh), nhận định ông Obama rõ ràng đưa ra lời kêu gọi “rất mạnh mẽ và chân thật” về việc Anh nên ở lại EU.
Một cuộc khảo sát của kênh truyền hình Sky News (Anh) cho hay 57% dân Anh cho hay việc Obama can thiệp vào vấn đề nội bộ Anh sẽ không ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu của họ.
Reuters dẫn lại kết quả các cuộc khảo sát dân ý gần đây cho thấy người dân Anh vẫn còn chia rẽ, nhiều người lưỡng lự chưa thể quyết định.
Vào tháng 11.2015, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo Anh có thể rời khỏi EU nếu EU không cải tổ theo những yêu cầu của Anh.
Trong thư gửi chủ tịch EU, ông Cameron đưa ra 4 lĩnh vực lớn yêu cầu EU cải tổ: người di cư đến EU phải cống hiến trong vòng 4 năm mới được đòi hỏi các quyền lợi, đảm bảo công bằng giữa các quốc gia thành viên EU tham gia và không tham gia khối đồng tiền chung euro (Eurozone), yêu cầu EU trao cho Anh quyền không tham gia bản tuyên bố thắt chặt quan hệ trong khối, và EU phải cho phép Quốc hội những nước thành viên có quyền cùng họp bàn để phản đối những dự luật mới.
Anh gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu vào năm 1973, và khi EU được thành lập năm 1993, thì Cộng đồng Kinh tế châu Âu biến đổi thành Cộng đồng châu Âu, trở thành một trong 3 trụ cột của EU. Nhưng Anh không dùng đồng euro khi đồng tiền chung của EU được đưa vào sử dụng vào năm 2002.
Phúc Duy
Theo Thanhnien
Giúp người, lợi mình
Chuyến thăm Anh tới đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama có mục đích chính là thể hiện sự ủng hộ cho việc Anh tiếp tục ở lại trong EU.
Quan điểm của ông Obama về việc Anh tách khỏi EU tương đồng với mong muốn của EU và Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc trưng cầu sắp tới - Ảnh: Reuters
Vì thế, chuyến thăm có tác động trực tiếp tới tâm lý cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23.6 về vấn đề này.
Lâu nay, Mỹ luôn tránh bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của EU nhưng ông Obama cũng nhiều lần khẳng định không muốn Anh ra khỏi EU. Quan điểm này tương đồng với mong muốn của EU và Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc trưng cầu sắp tới. Ông Cameron đã chơi ván bài "được ăn cả, ngã về không" bằng cách tổ chức trưng cầu.
Tuy nhiên, phe muốn Anh rời EU lại đang trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt từ khi ông Cameron bị nêu tên trong Hồ sơ Panama. Vị thủ tướng này và Tổng thống Obama hiện rất thân thiết và ông Obama có lợi ích cá nhân trong việc giúp ông Cameron tiếp tục tại vị. Nếu cử tri Anh ủng hộ rời EU thì ông Cameron khó có thể tiếp tục cầm quyền. Cho nên ông Obama dùng hẳn cả một chuyến thăm để ngầm cho cả EU và cử tri Anh thấy là Mỹ muốn nước này tiếp tục làm thành viên EU.
Giúp Thủ tướng Cameron như thế cũng còn là cách Tổng thống Obama giúp EU không tan rã mà mạnh thêm lên và đoàn kết nội bộ bền chặt hơn. Điều này rất có lợi cho Mỹ trong bối cảnh tình hình hiện tại. Nước này có thể xử lý với EU mọi chuyện dễ dàng hơn là với từng thành viên cũng như có thể chia sẻ gánh nặng về tài chính và trách nhiệm về chính trị trong việc giải quyết những vấn đề lớn của châu lục lẫn thế giới.
Thảo Nguyên
Theo Thanhnien
Tổng thống Mỹ B.Obama thăm Anh: Ngăn chặn kịch bản Brexit Bên cạnh các vấn đề kinh tế toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố, nhiệm vụ lớn nhất trong chuyến thăm Xứ sở sương mù của Tổng thống Mỹ Barack Obama là thuyết phục Thủ tướng David Cameron gia tăng những nỗ lực để ngăn chặn kịch bản nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn được gọi là Brexit....