Tổng thống Nga: Xung đột Israel – Hamas cho thấy Mỹ ‘thất bại’ ở Trung Đông
Tổng thống Putin đã đưa ra nhận định mới về cuộc xung đột Israel – Hamas, trong khi Bộ Ngoại giao Nga thông báo nước này đang liên hệ chặt chẽ với các nước hàng đầu trong khu vực để ổn định tình hình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS
Theo hãng tin AFP, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/10 cho biết cuộc xung đột Israel – Hamass cho thấy “sự thất bại” trong chính sách Trung Đông của Mỹ và gọi việc thành lập “một nhà nước Palestine có chủ quyền độc lập” là “điều cần thiết”.
Nhà lãnh đạo Nga đưa ra bình luận trên khi gặp Thủ tướng Iraq Mohammed Shia Al-Sudani tại Moskva, vài ngày sau khi lực lượng Hamas phát động cuộc tấn công lớn vào Israel.
“Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại của nền chính trị Mỹ ở Trung Đông”, ông Putin nói, lưu ý về “sự cần thiết phải thực hiện các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền”.
Theo ông Putin, Mỹ đã “tìm cách độc quyền điều chỉnh (xung đột) nhưng thật không may, Washington lại không bận tâm đến việc tìm kiếm những thỏa hiệp có thể chấp nhận được cho cả hai bên”. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng phương Tây đã “không tính đến những lợi ích cơ bản của người dân Palestine”.
Video đang HOT
Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết chuyến thăm của Tổng thống Palestine Mahmud Abbas, được lên kế hoạch trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel, tới Moskva đang được chuẩn bị nhưng không đưa ra ngày cụ thể. Nga cũng nêu quan điểm rằng họ lo ngại rằng “một thế lực nước ngoài” có thể can thiệp vào cuộc xung đột sau khi Mỹ điều tàu chiến đến gần đồng minh Israel hơn.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc thành lập một nhà nước Palestine là giải pháp “đáng tin cậy nhất” cho hòa bình ở Israel.
Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 10/10 cho biết Moskva sẵn sàng nỗ lực hết sức để giúp đạt được giải pháp giữa Israel và Palestine, đồng thời liên hệ với các nước hàng đầu trong khu vực để ổn định tình hình, theo hãng thông tấn TASS (Nga).
“Chúng tôi thực sự sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho các bên nhằm giảm leo thang đối đầu và thiết lập lệnh ngừng bắn. Chúng tôi đang liên hệ chặt chẽ với các bên liên quan hàng đầu trong khu vực, những nước có vai trò ổn định tình hình và tạo điều kiện để thiết lập đối thoại trực tiếp giữa Palestine và Israel là không thể thiếu”, bà Zakharova nói trong một cuộc họp báo.
Theo bà Zakharova, Nga đã đưa ra một đề xuất vào tháng 4 năm nay để phối hợp các phương pháp tiếp cận như một phần của sự dàn xếp ở Trung Đông và đưa các nước trong khu vực cũng như Liên đoàn Arab tham gia vào quá trình này.
Sự leo thang mới nhất tình hình ở Trung Đông bắt đầu vào ngày 7/10 khi các tay súng Hamas di chuyển từ Dải Gaza để tấn công Israel. Các cuộc đụng độ và pháo kích sau đó đã khiến gần 2.000 người thiệt mạng ở cả hai bên cho đến nay.
Israel từ chối hòa giải với Hamas
Cả Israel và Hamas đều tỏ ra kiên quyết rằng họ sẽ tiếp tục tấn công, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được bước đột phá sớm trong các nỗ lực hòa giải.
Các binh sĩ Israel triển khai truy lùng các tay súng thuộc lực lượng Hamas. Ảnh: AFP
Israel đã từ chối triển vọng hòa giải giữa nước này và Hamas vì "đây là thời điểm chiến tranh", phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Israel Lior Haiat ngày 10/10 cho biết, khi cuộc xung đột mới nhất của nước này với nhóm vũ trang người Palestine bước sang ngày thứ 3.
Người phát ngôn trên nêu rõ: "Chúng tôi không nói về hòa giải vì vẫn còn 'những kẻ khủng bố' trên lãnh thổ Israel. Đây là lúc để tự bảo vệ mình và trả đũa mạnh mẽ để chúng tôi có thể tiêu diệt nhóm Hamas cũng như khả năng và cơ sở hạ tầng của họ ở Dải Gaza".
Ông Haiat thông báo thêm lực lượng Israel đang tiếp tục chiến đấu với ít nhất 70 tay súng Hamas bên trong lãnh thổ của mình, gần biên giới với Gaza.
Các nỗ lực hòa giải
Trong khi đó Qatar, một đồng minh của Hamas, đã đàm phán từ tối 8/10 để cố gắng đảm bảo một thỏa thuận dẫn đến việc phóng thích phụ nữ và trẻ em Israel bị các tay súng ở Gaza giam giữ. Theo thỏa thuận, đổi lại 36 phụ nữ và trẻ em Palestine sẽ được thả khỏi các nhà tù của Israel.
Các nguồn tin an ninh Ai Cập cũng cho biết, nước này, vốn đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas trong các cuộc xung đột trước đây, cũng duy trì liên lạc chặt chẽ với cả hai bên khi tìm cách ngăn chặn bạo lực leo thang hơn nữa.
Các nguồn tin trên thông báo trong 24 giờ qua, Cairo đã tổ chức các cuộc hội đàm với các quan chức cấp cao của EU và Mỹ, cũng như các cường quốc trong khu vực bao gồm Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Jordan và Qatar.
Đại diện của lực lượng Hamas Osama Hamdan xác nhận những cuộc đàm phán đã bắt đầu nhưng lưu ý còn quá sớm để đạt được một thỏa thuận.
Các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab sẽ nhóm họp vào ngày 11/10 để thảo luận về "cuộc tấn công của Israel đối với Dải Gaza", khối này tuyên bố.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Arab Hossam Zaki cho biết cuộc họp bất thường ở Cairo sẽ tìm cách mở ra "các con đường hành động chính trị ở cấp độ Arab và quốc tế", khi Israel tiếp tục đáp trả nhằm vào những mục tiêu ở Gaza sau cuộc tấn công của Hamas.
Tuy nhiên, cả Israel và Hamas đều tỏ ra kiên quyết rằng họ sẽ tiếp tục tấn công, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng đạt được bước đột phá sớm trong các nỗ lực hòa giải.
Tổng thống Nga đánh giá thế nào về hội nghị thượng định với châu Phi? Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ hai được tổ chức theo phương châm "Vì hòa bình, an ninh và phát triển", diễn ra sau một năm rưỡi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ nhất năm 2019. Ảnh: Sputnik...