Tổng thống Nam Phi cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn ‘phân biệt chủng tộc vaccine’
Ngày 10/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cảnh báo nạn “ phân biệt chủng tộc vaccine” có thể xảy ra nếu các quốc gia giàu có tìm mọi cách tích trữ các mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho riêng họ, trong khi hàng triệu người ở các quốc gia nghèo đang “chết dần chết mòn” vì chờ đợi những mũi tiêm này.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Ảnh: Phi Hùng/Pv TTXVn tại Nam Phi
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Tổng thống Ramaphosa kêu gọi người dân Nam Phi ủng hộ việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ (IP) đối với vaccine ngừa COVID-19, đồng thời nhấn mạnh vaccine nên là “một sản phẩm công cộng toàn cầu”.
Theo ông Ramaphosa, việc miễn trừ quyền sở hữu này khẳng định cam kết của Nam Phi đối với sự tiến bộ trong vấn đề đảm bảo sự bình đẳng và quyền con người, không chỉ ở riêng Nam Phi mà còn trên toàn thế giới.
Nam Phi và Ấn Độ đã hối thúc việc miễn trừ một số quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và thuốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước đã ủng hộ động thái này, mặc dù biết rằng cũng phải mất nhiều tháng để các nước thành viên của WTO có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề trên.
Video đang HOT
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia ở Nam sa mạc Sahara của châu Phi được phân phối ít vaccine ngừa COVID-19 nhất so với bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Hiện tỷ lệ phân phối vaccine tại đây chỉ vào khoảng 8 liều cho mỗi 1.000 người so với tỷ lệ chung của toàn cầu là 150 liều cho mỗi 1.000 người.
Nam Phi nới lỏng phong tỏa sau khi vượt qua đỉnh dịch
Ngày 28/2, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 1/3, nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa từ cấp độ 3 xuống cấp độ 1 nhằm khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế, sau khi ghi nhận số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 giảm mạnh trong 2 tháng qua.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt trước khi tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 tại Umlazi, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, phát biểu trên truyền hình quốc gia tối cùng ngày, ông Ramaphosa cho biết Nam Phi đã qua giai đoạn đỉnh của làn sóng dịch thứ hai với số ca mắc liên tục tục giảm. Tính trong tuần qua, nước này ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc mới, giảm đáng kể so với 40.000 ca trong tuần cuối tháng 1/2021 và 90.000 ca trong tuần cuối tháng 12/2020.
Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh đây là kết quả từ những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của các lực lượng chức năng, những thay đổi tích cực trong sinh hoạt thường ngày của người dân như nghiêm túc tuân thủ việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách, cũng như từ khả năng miễn dịch cộng đồng trong số những người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2.
Sau khi hạ phong tỏa xuống cấp độ 1, người dân sẽ được phép tụ tập với số lượng tối đa 100 người trong phòng kín và 250 người ngoài trời, song phải tuân thủ các biện pháp giãn cách và phòng dịch cần thiết. Ngoài ra, thời gian áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm sẽ được rút ngắn từ 0 giờ đến 4 giờ sáng.
Theo Tổng thống Ramaphosa, cũng bắt đầu từ ngày 1/3, các cảng hàng không chính của nước này sẽ bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế trong đó bao gồm các sân bay OR Tambo, Cape Town, King Shaka, Kruger Mpumalanga và Lanseria. Về biên giới trên bộ, nước này tiếp tục duy trì hoạt động của 20 cửa khẩu song vẫn đóng 30 cửa khẩu còn lại nhằm hạn chế dòng người qua lại biên giới.
Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, Tổng thống Nam Phi cho biết sau 10 ngày kể từ khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên, nước này đã tiến hành tiêm chủng cho 67.000 nhân viên y tế tuyến đầu. Theo kế hoạch, sau khi hoàn tất tiêm chủng cho đội ngũ y tế, bắt đầu từ tháng 4 - 5, Nam Phi sẽ tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng ưu tiên kế tiếp bao gồm người cao tuổi, người có bệnh nền và lực lượng công tác trong những lĩnh vực trọng yếu.
Trong bài phát biểu kéo dài 20 phút, ông Ramaphosa cũng khuyến báo người dân nước này cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch và giãn cách do virus 501Y.v2 - chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại nước này hồi cuối năm ngoái hiện chiếm đa số các ca nhiễm mới tại đây. Tổng thống nhấn mạnh 501Y.v2 được xem là chủng virus có tốc độ lây lan cao hơn đáng kể so với virus gốc.
Theo kế hoạch, trong năm 2021, Nam Phi sẽ tiếp nhận tổng cộng 11 triệu liều vaccines từ hãng dược Johnson & Johnson, 20 triệu liều từ Pfizer và 12 triệu liều từ Liên minh vaccine toàn cầu COVAX. Tính tới thời điểm hết ngày 28/2, nước này ghi nhận 1.512.225 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó có 49.941 trường hợp tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, các nhà chức trách Nigeria ngày 28/2 thông báo rằng nước này sẽ nhận được gần 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 2/3 tới, trong khuôn khổ cơ chế phân phối công bằng vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối.
Cơ quan quốc gia Nigeria phụ trách chiến dịch tiêm chủng (NPHCDA) xác nhận rằng Nigeria sẽ tiếp nhận 3,92 triệu liều vaccine AstraZeneca vào ngày 2/3. Việc chuyển giao này khiến Nigeria trở thành quốc gia Tây Phi thứ 3 được hưởng lợi từ hệ thống COVAX, sau Ghana và Côte d'Ivoire.
Dự kiến, Nigeria sẽ nhận được tổng cộng 16 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX trong những tháng tới. Mặc dù NPHCDA chưa ấn định thời gian chính xác bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, nhưng những liều đầu tiên này sẽ chủ yếu dành cho nhân viên y tế.
Nigeria muốn tiêm vaccine cho ít nhất 70% người dân trên 18 tuổi trong vòng 2 năm tới, nhưng con số này có vẻ rất tham vọng trước những thách thức to lớn về an ninh và hậu cần ở trong nước.
Tính đến ngày 28/2, Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi với 200 triệu người - đã ghi nhận tổng cộng 155.417 trường hợp mắc COVID-19 và 1.905 ca tử vong. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này thấp hơn so với thực tế vì số lượng người dân được xét nghiệm thấp.
Ấn - Trung cạnh tranh ngoại giao vaccine Covid-19 Nam Phi nhận 1 triệu liều Covishield do Ấn Độ sản xuất khi quốc gia châu Á muốn dùng ngoại giao vaccine để quảng bá hình ảnh toàn cầu. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho hay số vaccine của Ấn Độ "mang theo lời hứa rằng chúng tôi có thể đảo chiều dịch bệnh này, thứ đã tàn phá và gây khó...