Tổng thống Mỹ vắng mặt, Trung Quốc lên ngôi ở APEC
Việc tổng thống Mỹ Barack Obama không thể tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) khiến nhiều nhà lãnh đạo cảm thấy hụt hẫng, trong khi vai trò của Trung Quốc càng trở nên quan trọng.
Hội nghị APEC diễn ra mà không có Tổng thống Obama. Ảnh: AFP
Chính phủ Mỹ đóng cửa buộc Tổng thống Obama phải hủy chuyến công du Đông Nam Á, trong đó có kế hoạch tham dự hội nghị APEC. Quyết định này khiến đồng minh của Mỹ trong khu vực lo ngại về tương lai của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như thái độ của nước này trước sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc.
Ông Obama tại APEC và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) cũng khiến vai trò của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC hôm nay, được nêu bật.
Tối qua ông Tony Abbott, tân Thủ tướng Australia đã có cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình, bày tỏ thái độ muốn làm sâu sắc và đa dạng hơn mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Ông Tập cũng hoan nghênh thái độ tích cực của Australia trong việc phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Theo sắp xếp của chủ nhà Indonesia, Chủ tịch Trung Quốc hôm nay có bài phát biểu, với chủ đề “Trung Quốc đang chuyển mình: Châu Á – Thái Bình Dương có thể mong đợi điều gì”.
Video đang HOT
Chính phủ Mỹ hiện nay không những chỉ phải đối diện với khủng hoảng chính phủ đóng cửa, mà còn cả nguy cơ vỡ nợ nếu như Hạ viện không nâng nợ trần liên bang vào ngày 17/10. Áp lực này làm giảm khả năng Mỹ có thể phát huy nhiều hơn nữa vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình.
Với sự lo ngại về tốc độ tăng trưởng và nguy cơ khủng hoảng toàn cầu, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của một loạt giải pháp tổng hợp cải cách cơ cấu kinh tế, nhằm nâng cao năng suất, sử dụng lao động và tạo việc làm.
Với Obama, một kế hoạch cải cách tổng hợp sẽ bao gồm kết quả các vòng đàm phán TPP, được mong đợi là sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Obama vốn hy vọng sự có mặt của mình trên diễn đàn APEC sẽ có tác động mạnh mẽ đến các nước tham gia đàm phán.
Nhưng việc ông vắng mặt trong thời điểm quan trọng này, ngày càng có nhiều người nghi ngờ vào tiến độ của kế hoạch, cũng như chiến lược quay lại châu Á của chính quyền Obama.
“Không một quốc gia nào có thể thay thế vị trí của Mỹ ở châu Á”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long không giấu nổi sự thất vọng, mặc dù rất thông cảm với tình cảnh hiện tại của Tổng thống Obama.
Với sự chênh lệch về trình độ phát triển và bất đồng trên nhiều lĩnh vực cần đàm phán, Malaysia một thành viên tham gia TTP, cho rằng mục tiêu hoàn thành đàm phán vào cuối năm là rất khó thực hiện.
Trung Quốc không phải là một thành viên tham gia TTP và đang xúc tiến một hiệp định thương mại đối lập, với sự tham gia của 16 nước trong khu vực. Đây rất có thể là một mâu thuẫn mới giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong việc giành ảnh hưởng chiến lược tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
“Trung Quốc rất quan trọng với nền kinh tế Đông Nam Á, cho dù chúng ta có muốn hay không”, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri bình luận.
Theo thông lệ, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ chụp ảnh chung lưu niệm trong trang phục truyền thống của nước chủ nhà Indonesia. Tổng thống Obama không thể cùng có mặt để chụp bức ảnh biểu tượng này.
Sự thiếu vắng của tổng thống Mỹ không chỉ mang lại những ảnh hưởng tiêu cực về chiến lược, mà còn gây ra sự hụt hẫng cho nhiều vị lãnh đạo với các góc độ khác nhau.
“Chúng tôi thực sự mong muốn ông Obama có mặt ở đây, để chứng minh rằng Indonesia là địa chỉ an toàn cho du lịch”, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Noviendi Makalam chia sẻ. Tuần này là dịp kỷ niệm 11 năm vụ khủng bố ở đảo Bali khiến 202 người, mà đa phần là khách phương Tây, thiệt mạng.
Thủ tướng Australia Abbott thất vọng vì sẽ không được chụp hình chung với ông Obama. “Thủ tướng Abbott có lẽ sẽ phải đợi một dịp khác”, Ngoại trưởng nước này, bà Julie Bishop cho biết.
Theo VNE
Khai mạc Hội nghị APEC
Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) khai mạc hôm nay với nghị trình hàng đầu là các thách thức để tăng trưởng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (trái) được tiếp đón tại sân bay Ngurah Rai, Bali - Ảnh: Yên Ba
Chống chủ nghĩa bảo hộ và hoàn thành những cải cách khó khăn là vấn đề quan trọng với sự hồi phục tăng trưởng toàn cầu, theo Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono. Trong bài phát biểu trước khoảng 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp tại đảo Bali ngày 6.10, ông Yudhoyono nói 21 thành viên APEC cần phải hợp tác để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ và cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Bloomberg dẫn lời ông Yudhoyono cho rằng các nền kinh tế phát triển đang tăng tốc sau khi dần hồi phục từ đợt suy thoái toàn cầu trong lúc các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng chậm lại. "APEC ở vị trí lý tưởng để giúp hồi phục nền kinh tế toàn cầu", ông Yudhoyono nói. Phát biểu của ông Yudhoyono trùng với quan điểm trong dự thảo tuyên bố của các lãnh đạo APEC sẽ được công bố vào cuối hội nghị. Bản dự thảo mà Bloomberg tiếp cận được khẳng định khu vực đối mặt với bối cảnh hồi phục kinh tế toàn cầu một cách mong manh, thiếu cân xứng và cần phải cảnh giác trước áp lực gia tăng các rào cản thương mại.
Trong cùng Hội nghị Thượng đỉnh các tổng giám đốc (APEC CEO Summit), Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định việc nhượng bộ khuynh hướng bảo hộ sẽ khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn với tất cả các nước. Ông Lý nói châu Á đang hướng tới cải cách trong lúc ba nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ, Trung Quốc và Nhật vật lộn với những vấn đề nội bộ. Việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa đã ngăn cản Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Bali như dự tính. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng sự vắng mặt của ông Obama là "một thất vọng hết sức to lớn với chúng tôi", theo AFP. "Mỹ phải tiếp tục giao kết với khu vực vì nước này đóng vai trò rất quan trọng không nước nào có thể thay thế. Không phải Trung Quốc, không phải Nhật Bản, không phải bất kỳ cường quốc nào khác", hãng AFP dẫn lời ông Lý.
Một trong những vấn đề quan tâm tại Hội nghị APEC lần này là cuộc vận động cho Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo AFP, nước chủ nhà Indonesia, vốn miễn cưỡng tham gia đàm phán TPP, khẳng định bất kỳ thỏa thuận khu vực nào cũng sẽ có lợi nếu có mặt Trung Quốc. "Trung Quốc rất quan trọng với các nền kinh tế Đông Nam Á, dù muốn hay không", Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri cho biết. Mục tiêu đạt được thỏa thuận về TPP trước cuối năm hiện là vấn đề tranh cãi giữa các nước tại Hội nghị APEC năm nay. Các quan chức Nhật và Mỹ khẳng định điều này là khả thi trong khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng mục tiêu trước cuối năm là "thời gian biểu rất khó khăn".
Theo giới quan sát, chia rẽ đảng phái tại Washington sẽ khiến Nhà Trắng xao lãng khỏi các mục tiêu đối ngoại chủ chốt như TPP, vốn là một phần của chiến lược hướng về châu Á của ông Obama. Việc lỡ hẹn khiến ông Obama đánh mất cơ hội tự mình thúc đẩy hiệp định kinh tế trên cũng như trấn an các đồng minh đang lo ngại trước nhiều động thái mở rộng hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Ngày 6.10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến sân bay Ngurah Rai tại Bali, Indonesia lúc 20 giờ (giờ địa phương), bắt đầu chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21. Đón đoàn tại sân bay có các quan chức đại diện chính phủ Indonesia, Tỉnh trưởng tỉnh Bali, Tư lệnh vùng Bali, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam. Dự kiến trong các ngày 7 và 8.10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dự nhiều cuộc họp quan trọng cùng lãnh đạo của các thành viên APEC về nhiều nội dung nghị sự quan trọng với tinh thần của APEC năm nay là "Châu Á - Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu". Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự kiến sẽ có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước như Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bambang Yudhoyono, Thủ tướng New Zealand John Key, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe... cũng như có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Mỹ.
Theo TNO
Mỹ 'khen ngợi' Syria hợp tác giải trừ vũ khí hóa học Tổng thống Syria Bashar al-Assad có thể được khen thưởng vì đã nhanh chóng hợp tác tiến hành giải trừ vũ khí hóa học ở Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại APEC ngày 7.10 - Ảnh: Reuters Phát biểu bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái...