Tổng thống Mỹ và lãnh đạo phe Cộng hòa đạt ‘thỏa thuận về nguyên tắc’ tăng trần nợ
Hãng tin AP đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được “thỏa thuận về nguyên tắc” trong cuộc nói chuyện qua điện thoại tối muộn ngày 27/5 (giờ địa phương) nhằm nâng trần nợ công, qua đó giúp nước Mỹ tránh được kịch bản vỡ nợ.
Chủ tịch Hạ viện McCarthy trao đổi với báo giới tại Đồi Capitol ngày 27/7. Ảnh: AP
Dẫn một nguồn tin thân cận trong chính phủ, hãng tin AP cho biết Tổng thống Biden và ông McCarthy về cơ bản đã nhất trí trong các vấn đề liên quan tới hạn chế chi tiêu liên bang và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập trước thời hạn ngày 5/6. Tuy nhiên, chi tiết của thỏa thuận này vẫn chưa được công bố.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Biden cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội để thảo luận về những diễn biến của các cuộc đàm phán. Hạ nghị sĩ Patrick McHenry, một trong những nhà đàm phán hàng đầu khẳng định: “Những vấn đề lớn, gai góc nhất vẫn chưa được giải quyết và đây sẽ là những vấn đề mà Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện phải trực tiếp thảo luận”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng đã có cuộc họp với các nhà đàm phán Cộng hòa tại Đồi Capitol sáng 27/5 để thống nhấp lập trường trong việc thúc đẩy một thỏa thuận tăng giới hạn vay của quốc gia và tránh để xảy ra một vụ vỡ nợ liên bang, cũng như yêu cầu việc cắt giảm chi tiêu. Ngay sau đó, ông McCarthy thông báo rằng các nhà đàm phán của đảng Cộng hòa đã “tiến gần hơn đến một thỏa thuận”.
Cuộc điện đàm kéo dài hơn 1 tiếng giữa Tổng thống Biden và ông McCarthy diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tuyên bố trước Quốc hội rằng nước Mỹ có thể vỡ nợ trước ngày 5/6 – muộn hơn bốn ngày so với dự báo trước đó – nếu các nhà lập pháp không hành động kịp thời để nâng trần nợ liên bang. Việc “ngày X” được nới ra giúp hai bên có thêm một chút thời gian để hướng tới một thỏa thuận chung.
Tổng thống Biden và ông McCarthy dường như đang thu hẹp được khác biệt trong thỏa thuận cắt giảm ngân sách hai năm, qua đó sẽ kéo dài giới hạn nợ đến năm 2025 sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Trên cơ sở đó, hai bên có thể sẽ hướng tới những nội dung cụ thể trong thỏa thuận cắt giảm chi tiêu cho năm 2024 và áp đặt giới hạn 1% đối với tăng trưởng chi tiêu cho năm 2025.
Video đang HOT
Thỏa thuận giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy sẽ là bước đệm quan trọng để ngăn chặn một vụ vỡ nợ có nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế Mỹ. Giới quan sát cho rằng kịch bản Mỹ vỡ nợ sẽ rất thảm khốc khi kéo theo hàng loạt rủi ro khác như hàng triệu người thất nghiệp, trợ cấp hưu trí bị ảnh hưởng và một cuộc suy thoái kinh tế khiến thị trường thế giới cũng chao đảo.
Dự kiến, sau khi hai bên đạt được đồng thuận, các thành viên Hạ viện sẽ có 72 giờ để rà soát lại các đề xuất trước khi bỏ phiếu. Tiếp đến, đề xuất sẽ cần phải thông qua ý kiến Thượng viện. Khi cả hai viện thống nhất thông qua, dự luật sẽ được chuyển cho ông Biden ký ban hành luật chính thức.
Lùi 'hạn chót' vỡ nợ, Mỹ có thêm thời gian đàm phán nâng trần nợ
Thời điểm Kho bạc Mỹ cạn tiền đã được lùi từ ngày 1/6 đến 5/6, trao thêm thời gian cho các cuộc đàm phán về nâng trần nợ.
Tổng thống Biden gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa, tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 22/5/2023. Ảnh: NPR
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen ngày 26/5 cho biết, Mỹ có thể sẽ có đủ dự trữ để đẩy lùi khả năng vỡ nợ cho đến ngày 5/6, thay vì ngày 1/6 như dự kiến trước đó.
Thời điểm cập nhật cho cái gọi là "ngày X" lúc này sẽ giúp các nhà đàm phán có thêm thời gian để đạt được thỏa thuận. Trước đó, bà Yellen đã nói rằng nước Mỹ có thể hết tiền để thanh toán các hóa đơn của mình trước ngày 1/6.
Các thị trường đã đóng cửa cao hơn vào cuối ngày 26/5, một phần được thúc đẩy bởi sự lạc quan rằng sẽ có một thỏa thuận được Quốc hội thông qua và được tổng thống ký trước hạn chót.
Trong một bức thư gửi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, Bộ trưởng Yellen viết: "Bây giờ chúng tôi ước tính rằng Kho bạc sẽ không có đủ nguồn lực để đáp ứng các nghĩa vụ của chính phủ nếu Quốc hội không tăng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước ngày 5/6".
Thời điểm mới này sẽ cung cấp thêm một khoảng thời gian rất cần thiết cho các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và các đảng viên Cộng hòa trong quốc hội, vốn dường như sắp đạt được một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp để nâng trần nợ trong hai năm.
Lần cuối cùng cái gọi là "ngày X" được cập nhật là vào ngày 1/5, khi bà Yellen nói với Quốc hội rằng nước Mỹ chỉ có đủ tiền mặt để đáp ứng các nghĩa vụ của mình cho đến "đầu tháng 6 và có khả năng sớm nhất là vào ngày 1/6".
Bức thư hôm 26/5 đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 1 khi Bộ trưởng Tài chính Yellen bắt đầu gửi thông tin cập nhật thường xuyên cho Quốc hội mà bà không báo trước thời điểm "hạn chót" kèm theo cụm từ "sớm nhất là".
Trong thư, bà Yellen chỉ viết: "Trong tuần có ngày 5/6, Bộ Tài chính dự kiến sẽ thực hiện khoảng 92 tỷ USD thanh toán và chuyển khoản", và "các nguồn lực dự kiến của chúng tôi sẽ không đủ để đáp ứng tất cả các nghĩa vụ này."
Để nhấn mạnh mức độ dự trữ của Kho bạc đã giảm xuống thấp như thế nào, Bộ trưởng Yellen cho biết cơ quan này buộc phải triển khai một biện pháp mơ hồ vào ngày 25/5 để chuyển 2 tỷ USD từ quỹ hưu trí công chức sang tổ chức vay chính của chính phủ là Ngân hàng Tài chính Liên bang (FFB).
Nữ bộ trưởng viết, động thái này là cần thiết vì "mức nguồn lực còn lại cực kỳ thấp đòi hỏi tôi phải sử dụng hết mọi biện pháp khác thường hiện có để tránh việc không thể đáp ứng tất cả các cam kết của chính phủ".
Các thị trường đã đóng cửa cao hơn vào cùng ngày 26/5, một phần được thúc đẩy bởi sự lạc quan rằng sẽ có một thỏa thuận được Hạ viện và Thượng viện thông qua và được tổng thống ký trước ngày 1/6.
Nhưng khi các cuộc đàm phán kéo dài trong tuần này với những tuyên bố mơ hồ về "tiến bộ" của những người liên quan, tâm lý lạc quan rằng thỏa thuận sẽ đạt được vào cuối ngày 26/5 (theo giờ địa phương) đã giảm sút.
Các quan chức cho biết 26/5 được nhiều người coi là ngày cuối cùng có thể đạt được một thỏa thuận và vẫn còn đủ thời gian để soạn thảo nó thành luật, thông qua tại Hạ viện và sau đó thông qua tại Thượng viện trước "ngày X", ban đầu là 1/6.
Thời điểm mới cập nhật được bà Yellen đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại trên khắp thế giới về xếp hạng tín dụng của Mỹ.
Hôm 24/5, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đã thông báo rằng họ đã xếp vị thế AAA của Mỹ vào dạng "xếp hạng theo dõi tiêu cực".
Ngày 26/5, trong một đánh giá hàng năm sơ bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về Mỹ, các quan chức đã viết rằng "chính sách 'bên miệng hố chiến tranh' đối với trần nợ liên bang có thể tạo ra rủi ro hệ thống cao hơn, hoàn toàn có thể tránh được đối với cả Mỹ và nền kinh tế toàn cầu."
Nếu nước Mỹ vỡ nợ về mặt kỹ thuật, thậm chí chỉ trong vài ngày, điều đó có thể làm tăng lãi suất và làm suy yếu niềm tin vào đồng đô la Mỹ. Các nhà kinh tế lưu ý rằng các đối thủ của Mỹ, đặc biệt là Nga và Trung Quốc, đang theo dõi tình trạng bế tắc về giới hạn nợ ở Mỹ, và an tâm khi biết rằng sự xói mòn niềm tin vào đồng đô la Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho họ.
Tổng thống J.Biden khẳng định nước Mỹ sẽ tránh được kịch bản vỡ nợ Ngày 25/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ tránh được kịch bản vỡ nợ, cho dù các nghị sĩ bắt đầu kỳ nghỉ 10 ngày mà chưa đạt thỏa thuận tăng trần nợ công. Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong một cuộc đàm phán về trần nợ công với Chủ tịch Hạ...