Tổng thống Mỹ: Tôi không chấp nhận để chính phủ bị đóng cửa
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 30.9 cho biết ông không từ bỏ hy vọng tránh được nguy cơ chính phủ Mỹ phải đóng cửa ngay cả khi quốc hội không thống nhất về dự thảo luật ngân sách cho năm tài khóa 2014.
Ông Obama cho biết ông “hoàn toàn không chấp nhận” việc chính phủ bị ngưng hoạt động sau khi Thượng và Hạ viện Mỹ không tìm được tiếng nói chung về dự thảo luật ngân sách, kênh tin tức CNBC (Mỹ) đưa tin.
Tổng thống Mỹ Barack Obama – Ảnh: Reuters
“Quốc hội cần phải duy trì hoạt động của chính phủ, cần phải chi ngân sách đúng hạn và đừng bao giờ đe dọa sự tín nhiệm của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, Tổng thống Obama phát biểu.
“Thật không may là ngay thời điểm hiện tại, đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục bổ sung vào dự thảo luật ngân sách của chính phủ những yêu cầu chính trị với mục đích chỉ để nhằm giữ thể diện sau khi đã đưa ra những lời hứa không thể thực hiện được cho một nhóm cực hữu trong đảng của họ”, Tổng thống Mỹ nói thêm.
Được biết, Thượng viện Mỹ hôm 30.9 đã bác bỏ dự thảo luật ngân sách do Hạ viện chuyển lên, trong đó có bổ sung điều khoản trì hoãn một năm việc thực thi luật cải cách y tế Obamacare và xóa bỏ thuế đánh lên thiết bị y tế.
Hiện dự thảo luật này đã được chuyển xuống lại cho Hạ viện.
Video đang HOT
Nếu Thượng và Hạ viện Mỹ không thể thống nhất về dự thảo luật ngân sách nói trên, chính phủ Mỹ sẽ bị buộc phải ngưng hoạt động sau khi ngày 30.9, tức ngày cuối cùng của năm tài khóa 2013, kết thúc.
Theo TNO
Điều gì xảy ra nếu chính phủ Mỹ ngừng hoạt động?
Vẫn còn cơ hội cho các nhà lập pháp Mỹ nhất trí một dự luật ngân sách ngắn hạn trước và tránh để xảy ra tình trạng chính phủ nước này phải ngưng hoạt động.
Trong lần chính phủ Mỹ ngưng hoạt động trong năm 1995, Đài tưởng niệm Lincoln đã bị đóng cửa. (Ảnh: AP)
Nhưng nếu họ không đạt được sự đồng thuận, nghĩa là chính phủ sẽ hết sạch tiền, thì điều gì sẽ xảy ra?
Trong khi rất nhiều chương trình có thể phải dừng lại và hàng trăm nghìn lao động liên bang phải nghỉ làm, chính phủ cũng vẫn phải chi một khoản tiền rất lớn để chuẩn bị cho việc ngưng hoạt động. Theo Cục Nghiên cứu Quốc hội, hai lần ngừng hoạt động vào năm 1995 (một trong 2 lần kéo dài sang năm 1996) đã ngốn của người đóng thuế 1,4 tỷ USD. Đó là hai lần sau cùng chính phủ Mỹ tạm dừng các hoạt động tính đến nay.
Vào cuối tháng, các nhà lập pháp Mỹ cũng sớm phải ngồi lại với nhau để bàn bạc về trần nợ lần thứ 2 trong 3 năm. Vào giữa tháng 10, Mỹ sẽ sử dụng hết các lựa chọn chi tiêu khẩn cấp và sẽ chỉ còn lại khoảng 50 tỷ USD để thanh toán các hóa đơn.
Trong bối cảnh đó, ngân sách mà Tổng thống Obama đề xuất sẽ đẩy nước Mỹ vào một khoản thâm hụt 744 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Jack Lew hồi tuần trước cảnh báo rằng, nếu Quốc hội không bỏ phiếu nâng trần nợ thì nước Mỹ sẽ rơi vào nguy cơ không trả được các khoản phải thanh toán.
Dưới đây là những gì có thể xảy ra nếu chính phủ Mỹ phải đóng cửa:
Bưu chính: Tuy các nhân viên Dịch vụ Bưu điện là lao động liên bang, ngân sách dành cho Bộ Bưu điện lại không do Bộ Tài chính chi trả, có nghĩa là cơ quan này gần như không ảnh hưởng nếu chính phủ ngừng hoạt động.
An sinh xã hội: Bởi các văn phòng bưu chính vẫn mở cửa và hoạt động, các séc An sinh Xã hội sẽ vẫn được gửi đi và các bác sĩ vẫn nhận được thanh toán từ các chương trình Medicaid và Medicare. Nhưng nếu thời gian ngừng hoạt động không dừng lại ở con số vài ngày thì chỉ một số ít các nhân viên liên bang được tiếp tục làm việc để xử lý các vấn đề của chính phủ, có nghĩa là nhiều khoản chi tiêu chương trình sẽ buộc phải dừng lại.
Những ai còn làm việc: Trong trường hợp ngừng hoạt động, các nhân viên liên bang sẽ được phân thành hai loại, "cần thiết" hoặc "không cần thiết".
Các lao động cần thiết chiếm xấp xỉ 1/3 lực lượng lao động liên bang, "đảm trách an ninh quốc gia" hoặc "an toàn tính mạng và tài sản", chẳng hạn như Quốc hội, Tổng thống, các quan chức Bộ Quốc phòng, các nhân viên Quản lý An toàn Vận tải, thanh tra thực phẩm, kiểm soát viên không lưu, quân nhân, các điệp vụ tuần tra biên giới.... Họ sẽ tiếp tục làm việc và được trả lương khi chính phủ tái mở cửa.
Các nhân viên liên bang còn lại sẽ nghỉ phép mà không chắc được trả lương, mặc dù trong những lần trước kia họ được thanh toán bù khi chính phủ tái hoạt động.
Obamacare: chương trình này sẽ không bị ảnh hưởng vì các quỹ của nó không liên quan gì đến ngân sách quốc hội.
Các công viên quốc gia đóng cửa: Trong khi chính phủ ngừng hoạt động, tất cả các công viên quốc gia, bảo tàng, công trình kỷ niệm sẽ phải đóng cửa. Năm 1995, khoảng 368 điểm tham quan phải đóng cửa tạm thời, mất khoảng 9 triệu lượt khách và thiệt hại khoảng 14,2 triệu USD.
Ngừng duyệt thị thực và hộ chiếu: Trong lần đóng cửa năm 1995, mỗi ngày có khoảng 20.000 đến 30.000 đơn xin cấp thị thực và khoảng 200.000 đơn xin cấp hộ chiếu không được duyệt, ảnh hưởng nặng đến các ngành du lịch và vận tải của nền kinh tế.
Tư pháp: Các thẩm phán liên bang và thuộc Tòa án Tối cao sẽ vẫn được trả lương dù chính phủ ngừng hoạt động trong bao lâu đi nữa. Nhưng nếu tê liệt trong hơn 10 ngày thì các tòa án liên bang sẽ chỉ xử lý những công việc "cần thiết" và nhiều lao động tư pháp sẽ không được trả đúng hạn.
Cúm: Trong khi Cơ quan An ninh Vận tải và Cơ quan An ninh Quốc gia có thể sẽ vẫn mở cửa thì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh Dịch có thể phải đóng cửa khi mùa cúm bắt đầu.
Thuế: Một số cuộc điều tra về thuế có thể bị gián đoạn nhưng các hoạt động thu thuế vẫn tiếp diễn.
Vay nợ: Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu. Mặc dù vậy, nếu ai đó muốn một khoản vay liên bang thì họ sẽ phải chờ đợi.
Súng: Các giấy phép sở hữu súng liên bang sẽ không được duyệt và cấp trong thời gian chính phủ ngưng hoạt động.
Theo_VietNamNet
Tâm sự của Tổng lãnh sự Mỹ gốc Việt khi rời TP HCM Ông Lê Thành Ân, tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM, chia sẻ những hy vọng và cảm xúc của ông về quê hương và con người Việt Nam, sau ba năm công tác. Tổng lãnh sự Lê Thành Ân. Ảnh: Lãnh sự quán Mỹ Ông Lê Thành Ân đến Việt Nam ngày 6/8/2010 để đảm nhận vai trò Tổng Lãnh sự tại...