Tổng thống Mỹ khởi hành tới châu Á với bộn bề thách thức
Tối qua theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi hành công du châu Á. Một loạt vấn đề lớn đang chờ đợi ông chủ Nhà Trắng, từ thúc đẩy hiệp định thương mại TPP tới các vấn đề an ninh trong khu vực và cả khủng hoảng Ukraine.
Lúc 14 giờ 30 (giờ GMT), chuyên cơ Không lực Một đã chở ông Obama rời căn cứ không quân Andrews, bắt đầu chuyển công du 4 đồng minh tại châu Á kéo dài 1 tuần.
Ông Obama sẽ cần phải khiến các đồng minh ở châu Á xích lại gần nhau hơn
Trước khi rời Mỹ, ông chủ Nhà Trắng đã có chặng dừng chân ngắn tại bang Washington, nơi ông tới thị sát một thị trấn bị tàn phá nặng nề bởi lở đất cách đây một tháng, khiến hơn 40 người thiệt mạng.
Sau đó, các điểm đến tiếp theo của ông sẽ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Đây là chuyến đi thứ 5 của ông Obama tới khu vực này kể từ khi nhậm chức Tổng thống.
Tại đây, ông sẽ phải nỗ lực thúc đẩy khía cạnh kinh tế của chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á – Thái Bình Dương, sau khi gặp nhiều trở ngại.
Video đang HOT
Gỡ thế bí cho đàm phán TPP
Các cuộc đàm phán với Nhật về một Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), vốn có 12 quốc gia thành viên, đã không đạt được tiến triển, trong khi sự ủng hộ dành cho nó tại Malaysia đang nguội dần. Trước áp lực từ những lo ngại của doanh nghiệp, Malaysia thậm chí đang cân nhắc rút khỏi TPP.
Các nhà phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán, hiện đã trễ so với lịch trình, có nguy cơ sụp đổ nếu không đạt được một sự đồng thuận quan trọng nào đó trong vài tháng tới.
Ngay trước khi Tổng thống Mỹ tới Tokyo, Bộ trưởng kinh tế Nhật Akira Amari cho biết, các nhà đàm phán của hai bên không thể đạt được sự đồng thuận cơ bản cho TPP, bất chấp những nỗ lực ở phút chót trong vài ngày qua. Amari cho biết hai bên vẫn giữ “một khoảng cách đáng kể” trong các ngành kinh doanh nông sản và ô tô.
Một thỏa thuận giữa Nhật và Mỹ được xem như đặc biệt quan trọng để chốt lại những cuộc đàm phán đã kéo dài 4 năm, với 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương – nhưng không có Trung Quốc – đóng góp 40% GDP toàn cầu.
Washington muốn dùng TPP để bổ sung cho chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á – Thái Bình Dương vốn nặng về an ninh, nhằm tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, giữa lúc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Trấn an các đồng minh
Quan trọng không kém trong chương trình nghị sự của ông Obama sẽ là các vấn đề an ninh, chủ quyền lãnh thổ trong khu vực.
Những tranh chấp về chủ quyền biển đảo vẫn đang là mối quan tâm lớn ở Đông Á
Theo trợ lý đặc biệt của Tổng thống, kiêm giám đốc cấp cao các vấn đề châu Á Evan Medeiros, Mỹ phải khiến cho các đồng minh của mình đối thoại với nhau, cho dù mối bất đồng của họ đã tồn tại bao lâu, hoặc sự bất bình mạnh mẽ tới chừng nào.
“Điều chúng tôi muốn đó là các đồng minh của chúng tôi thân thiện với nhau, bởi các hoạt động hợp tác an ninh 3 bên là một thành phần thiết yếu để đối phó với những thách thức an ninh đa dạng tại khu vực Đông Bắc Á”, ông Medeiros nói.
Ông chủ Nhà Trắng được nhận định sẽ đưa ra những cam kết hỗ trợ bảo vệ Nhật Bản trong cuộc tranh cãi dai dẳng về chủ quyền với Trung Quốc về một nhóm đảo trên biển Hoa Đông, bởi Washington muốn trấn an các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương rằng mình quan tâm tới các vấn đề an ninh trong khu vực, giữa lúc Trung Quốc ngày càng hành động quyết đoán.
Hiện Mỹ đang bị ràng buộc theo một hiệp ước an ninh song phương trong việc bảo vệ Nhật, cho dù đến nay Washington vẫn từ chối đứng về bất kỳ bên nào trong cuộc tranh chấp, nhằm tránh gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.
“Mục tiêu của người Mỹ đó là trấn an các nước rằng…Mỹ tới đây để ở lại, và sẽ quan tâm nhiều tới việc cùng các nước này đối phó với Trung Quốc”, Koichi Nakano, giáo sư chính trị tại đại học Sophia ở Tokyo khẳng định.
Một bản báo cáo gần đây của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đã hối thúc ông Obama “nâng cấp” quan hệ đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương và thể hiện “một sự cam kết lâu dài của Mỹ trong khu vực, để đảm bảo các đối tác rằng chúng ta tới đây vì mục tiêu lâu dài”.
Không chỉ có các đảo tranh chấp trong khu vực Đông Bắc Á và chương trình tên lửa của Triều Tiên, chương trình nghị sự của ông Obama còn phải bàn tới các đảo và tuyến hàng hải tranh chấp trên Biển Đông.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng dự kiến được đề cập.
Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết ông Obama hài lòng với phản ứng mạnh mẽ trước các quốc gia châu Á tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc gần đây về việc Nga sáp nhập Crimea.
“Tôi nghĩ một trong những lý do vì sao chúng ta thấy những lá phiếu đó tại Liên hợp quốc là vì các quốc gia châu Á không muốn có một tiền lệ về sự xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia mà không bị trừng phạt”, Rhodes khẳng định. “Hoặc các quốc gia lớn hơn có thể bắt nạt những nước nhỏ hơn vì lợi ích của mình”.
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri