Tổng thống Mỹ khẳng định ‘tiếp tục thúc đẩy’ để đạt thỏa thuận giữa Hamas-Israel
Ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gia tăng áp lực lên Hamas để buộc nhóm Hồi giáo vũ trang này ngừng bắn với Israel.
Lời kêu gọi trên được đưa ra khi ông Biden tuyên bố sẽ “tiếp tục thúc đẩy” đạt được một thỏa thuận trong những tuần cuối cùng trước khi ông Donald Trump của đảng Cộng hòa quay trở lại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro (Brazil), Tổng thống Biden đã đề nghị gia tăng áp lực lên Hamas, đồng thời ông nhắc lại lời kêu gọi Israel hạn chế thương vong cho dân thường trong cuộc xung đột ở Gaza mà nước này phát động sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023. Ông khẳng định Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy để đẩy nhanh một thỏa thuận ngừng bắn đảm bảo an ninh cho Israel và đưa các con tin trở về nhà, đồng thời chấm dứt những đau thương mà người dân và trẻ em Palestine đang phải gánh chịu.
Mặc dù Tổng thống Biden kiên định ủng hộ Israel trong khi khuyến cáo nước này kiềm chế trong hơn 1 năm qua, nhưng vẫn chưa rõ chính sách của Mỹ sẽ như thế nào sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông Trump đã chọn các quan chức ủng hộ Israel mạnh mẽ cho nội các của mình và chưa từng đưa ra cam kết về một Nhà nước Palestine độc lập. Hôm 15/11 vừa qua, Hamas đã kêu gọi ông Trump “gây sức ép” với Israel và cho biết nhóm này “sẵn sàng ngừng bắn”.
Video đang HOT
Israel đang ở 'ngã ba đường' khi các hoạt động ở Gaza và Liban đạt đến giới hạn
Israel đang đối mặt với những quyết định quan trọng về việc tiếp tục hay chấm dứt các chiến dịch quân sự ở Gaza và Liban, khi căng thẳng với Iran gia tăng và áp lực từ cộng đồng quốc tế tăng cao.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa, trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant (giữa, phải) trong cuộc họp với các quan chức quân sự cấp cao sau vụ không kích Iran, tại Tel Aviv, ngày 26/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Jerusalem Post ngày 4/11, sau hơn một năm kể từ cuộc tấn công ngày 7/10/2024 của Hamas, Israel đang đứng trước những quyết định quan trọng về việc tiếp tục hay kết thúc các chiến dịch quân sự ở Gaza và Liban. Trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Iran, những lựa chọn này càng trở nên phức tạp hơn.
Tại Gaza, mặc dù Israel đã giảm bớt hiện diện quân sự trên bộ, họ vẫn duy trì các cuộc không kích và tấn công hàng ngày nhắm vào Hamas. Theo Cơ quan Y tế Gaza do Hamas điều hành, cuộc chiến đã khiến hơn 43.000 người Palestine thiệt mạng. Về phía Israel, cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 năm ngoái đã cướp đi sinh mạng của 1.200 người và khiến khoảng 250 người bị bắt làm con tin.
Tiến sĩ Dan Schueftan, Trưởng chương trình Nghiên cứu An ninh quốc gia tại Đại học Haifa, nhận định: "Nhìn chung, Israel đã hoàn thành các mục tiêu quân sự của mình tại Gaza, nhưng vẫn còn những khu vực cần phải hành động chống lại Hamas và cơ sở hạ tầng của họ".
Vấn đề con tin vẫn là điểm nghẽn lớn trong đàm phán. Trong số 101 con tin còn lại, ước tính một phần ba đã thiệt mạng. Theo truyền thông Israel, Hamas vừa bác bỏ đề xuất trung gian mới nhất, bao gồm lệnh ngừng bắn ngắn hạn và thả một số con tin.
Tại mặt trận phía Bắc, Israel đang tiến hành chiến dịch trên bộ nhằm đẩy lùi Hezbollah khỏi khu vực biên giới. Kể từ khi xung đột bùng nổ, hàng chục nghìn người Israel đã phải sơ tán khỏi các cộng đồng gần biên giới Liban do các cuộc tấn công liên tục của Hezbollah.
Lianne Pollak-David, cựu cố vấn tại Văn phòng Thủ tướng Israel, nhận định rằng: "Có một khả năng rất thực tế cho một giải pháp trong những ngày và tuần tới. Các mục tiêu chiến tranh của Israel ở đây hạn chế hơn so với ở Gaza và với sự chuẩn bị chi tiết của quân đội Israel, họ đã đạt được tiến triển nhanh chóng".
Tuy nhiên, cuộc đối đầu trực tiếp gần đây với Iran đã thêm một lớp phức tạp mới. Sau cuộc tấn công của Israel vào Iran tuần trước, Tehran đe dọa sẽ trả đũa. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở cả Gaza và Liban, do Iran được cho là nguồn hậu thuẫn chính cho cả Hamas và Hezbollah.
Các mặt trận đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trong nhiều tháng, các nhà trung gian Mỹ, Ai Cập và Qatar đã ủng hộ lệnh ngừng bắn ở Gaza, hy vọng nó có thể thúc đẩy một nghị quyết tương tự ở Liban.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tăng cường nỗ lực ngoại giao, với các quan chức cấp cao Nhà Trắng như Brett McGurk và Amos Hochstein đã đến Israel để thảo luận về khả năng ngừng bắn. Tuy nhiên, với cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra, tình hình có thể thay đổi đáng kể.
"Sau cuộc bầu cử (Mỹ), chúng ta có thể sẽ thấy một sự thúc đẩy liên tục vì Tổng thống Biden sẽ muốn để lại di sản - điều này sẽ có nghĩa là nhiều áp lực hơn và ít không gian điều động hơn cho Israel", chuyên gia Pollak-David nhận định.
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn giữ lập trường cứng rắn, từ chối nhượng bộ trong vấn đề con tin và kiểm soát Gaza. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Israel cần có những quyết định dũng cảm để tiến tới một giải pháp toàn diện cho cả ba mặt trận: Gaza, Liban và Iran.
Với tình hình phức tạp hiện nay, Israel đang đứng trước những lựa chọn khó khăn có thể định hình tương lai của khu vực trong nhiều năm tới. Câu hỏi đặt ra là liệu họ sẽ tiếp tục theo đuổi giải pháp quân sự hay chuyển hướng sang con đường ngoại giao để giải quyết xung đột.
Một số yếu tố giúp Iran có thể nắm lợi thế trước Israel Với mạng lưới dân quân thân Iran rộng khắp và vị trí địa lý thuận lợi, Tehran có thể phản ứng nhanh chóng và gây áp lực lớn lên Israel mà không phải đối đầu trực diện. Tên lửa được phóng trong cuộc tập trận của quân đội Iran tại tỉnh Isfahan, ngày 28/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Theo tờ Arab News (Saudi Arabia) ngày...