Tổng thống Mỹ đề cập nhiều vấn đề trong cuộc họp báo đầu tiên
Đêm qua theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, trong đó ông đề cập đến một loạt vấn đề nổi cộm trong chính sách đối nội và đối ngoại như đại dịch COVID-19, sự phục hồi kinh tế, quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên hay việc rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden đã đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ nhờ vào gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD vừa được thông qua, đồng thời dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng trên 6% trong năm nay. Ông cũng cho biết số hồ sơ hàng tuần xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ đã giảm gần 100.000 người.
Bên cạnh triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế, Tổng thống Biden cũng cho biết các biện pháp xử lý đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực và nhận được sự ủng hộ cao của người dân đối với các biện pháp cũng như chính sách nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, với tốc độ tiêm chủng và phân phối vaccine như hiện nay, nước Mỹ sẽ cố gắng đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sau khi đã đạt được mục tiêu tiêm 100 triệu lượt hôm 19/3 vừa qua.
Ông Biden cũng đề cập tới các biện pháp kiểm soát súng đạn sau 2 vụ xả súng hàng loạt gây chấn động nước Mỹ thời gian gần đây và hối thúc Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng. Vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ khẳng định ông có thể tự mình hành động để ngăn chặn bạo lực, nhưng vẫn muốn có sự hợp tác lưỡng đảng trong vấn đề này. Ngoài ra, ông Biden cũng hé lộ dự định sẽ tái tranh cử vào năm 2024 và hy vọng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục là liên danh tranh cử của ông.
Liên quan tới cuộc chiến ở Afghanistan, Tổng thống Biden cho rằng Mỹ khó có thể rút hết binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này vào trước ngày 1/5 như thỏa thuận đã ký với Taliban, nhưng các binh sĩ Mỹ sẽ không ở lại vô thời hạn. Khi được hỏi về khả năng duy trì các lực lượng Mỹ ở Afghanistan trong năm 2022, Tổng thống Biden cho biết ông chưa hình dung về trường hợp này.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Biden khẳng định chính quyền của ông không tìm kiếm một cuộc đối đầu nhưng sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn cho lực lượng lao động và ngành khoa học để cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc và luật lệ quốc tế, thực hiện cạnh tranh và thương mại công bằng. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ hợp tác với các nước đồng minh trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Biển Đông và cách thức đối xử với người dân tộc thiểu số.
Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Biden cảnh báo sẽ đưa ra các hành động đáp trả tương ứng nếu Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa. Ông cũng cho biết hiện Mỹ đang tham vấn với các đối tác và đồng minh, đồng thời chuẩn bị một số hình thức ngoại giao với Bình Nhưỡng dựa trên kết quả cuối cùng của tiến trình phi hạt nhân hóa.
Đây là cuộc họp báo chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden sau hơn 2 tháng kể từ khi lên nắm quyền, một kỷ lục về khoảng thời gian một tân Tổng thống Mỹ lần đầu họp báo chính thức. Nhà Trắng cho biết lý do cho sự chậm trễ này là do Tổng thống Biden phải tập trung giải quyết đại dịch COVID-19 và thúc đẩy gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD. Trước đó, ông Biden chỉ có các cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với phóng viên và thường chỉ trả lời 1, 2 câu hỏi.
Biden nói 'sóng di cư' có từ thời Trump
Biden khẳng định tình trạng dòng người di cư gia tăng ở biên giới phía nam khởi đầu từ thời Trump do các thảm họa tự nhiên nghiêm trọng.
"Làn sóng di cư mới mà chúng tôi đang đối phó vốn bắt đầu từ chính quyền trước, song trách nhiệm của chúng tôi là giải quyết nó một cách nhân đạo", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc họp với Bộ trưởng An ninh Nội địa Xavier Becerra và các cố vấn nhập cư hôm 24/3.
Biden cho biết thêm dòng người di cư kéo về biên giới phía nam đã "tăng mạnh" từ thời chính quyền Trump, do ảnh hưởng từ các thảm họa tự nhiên nghiêm trọng ở khu vực Mỹ Latinh.
Ông chủ Nhà Trắng cũng thông báo đã chỉ định Phó tổng thống Kamala Harris phụ trách nỗ lực giải quyết các thách thức di cư ở biên giới, thêm rằng Harris là người phù hợp nhất để làm việc với Mexico và các quốc gia Trung Mỹ nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt đổ về biên giới Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 24/3. Ảnh: Reuters.
Biden đang đối mặt với chỉ trích gay gắt từ các đảng viên Cộng hòa, những người cho rằng việc ông từ bỏ các chính sách kiểm sát biên giới nghiêm ngặt của Trump đã gây ra làn sóng di cư gần đây. Tân Tổng thống Mỹ sau khi nắm quyền đã đình chỉ dự án xây tường biên giới và lên kế hoạch cho người nhập cư trở thành công dân Mỹ.
Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) cho biết đã xử lý hơn 100.000 người di cư ở biên giới phía nam vào tháng hai, tăng mạnh so với con số 78.000 người hồi tháng một. Năm 2020, CBP đã thực hiện 547.816 vụ bắt giữ tại biên giới phía nam, trong khi con số này chỉ trong tháng một đã là 178.883.
Trump hôm 21/3 cáo buộc chính sách nhập cư của Biden gây khủng hoảng di cư ở biên giới phía nam và gọi đây là "thảm họa quốc gia". Cựu tổng thống Mỹ còn chỉ trích người kế nhiệm đã phá hỏng "biên giới an toàn nhất trong lịch sử" do chính quyền của ông để lại.
Biden lại gọi nhầm Harris là 'tổng thống' Biden gọi nhầm phó tướng của mình là "tổng thống Harris" khi phát biểu về tiến độ tiêm chủng vaccine ở Mỹ. "Khi Tổng thống Harris và tôi bắt đầu đầu chuyến tham quan trực tuyến tới một trung tâm tiêm chủng ở Arizona cách đây không lâu, một y tá tiêm từng mũi vaccine cho mọi người, giống như đang truyền một...