Tổng thống Mỹ bật đèn xanh cho việc ‘cơi nới’ bức tường biên giới
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép xây dựng thêm một phần bức tường biên giới Mỹ – Mexico, báo hiệu sự thay đổi trong lập trường chính sách nhập cư.
Bức tường biên giới Mỹ – Mexico tại Ajo, Arizona, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Quyết định này được đưa ra khi chính quyền Mỹ đang phải vật lộn với số lượng người di cư vượt biên kỷ lục, đạt mức cao mới vào tháng 9.
Phát biểu với báo giới ngày 5/10, Tổng thống Biden giải thích không thể ngăn cản việc giải ngân khoản tiền mà Quốc hội trước đây đã phân bổ cho việc xây bức tường biên giới, nhưng nhấn mạnh rằng ông không tin việc xây tường là giải pháp ngăn chặn làn sóng di dân.
Quyết định xây dựng thêm hàng rào biên giới và đường sá ở bang Texas nhằm hạn chế dòng người di cư, đặc biệt là tại Hạt Starr ở bang này, địa phương chứng kiến tình trạng di dân vượt qua biên giới đông đảo nhất. Việc tiến hành xây dựng bức tường biên giới này mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Tổng thống đương nhiệm rằng “sẽ không phân bổ tiền của người nộp thuế Mỹ cho hoạt đông xây dựng như vậy”. Tuy nhiên, chính quyền Biden khẳng định rằng họ đang sử dụng số tiền được phân bổ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2019 và lập luận rằng số tiền này phải được chi tiêu theo luật.
Video đang HOT
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos, nhập cư dự kiến sẽ là một vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, với đa số người dân Mỹ (54%) bày tỏ lo ngại rằng “làn sóng nhập cư đang khiến cuộc sống của người Mỹ trở nên khó khăn hơn”. Trong khi đó, 73% đảng viên Cộng hòa và 37% đảng viên Dân chủ đồng tình với tuyên bố này.
Quyết định của Tổng thống Biden có thể sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích từ phe cánh tả của ông, bao gồm cả các nhà môi trường phản đối việc cơi nới bức tường. Động thái này cũng gây ra phản ứng từ cựu Tổng thống Trump, muốn nhận công trạng cho sự hồi sinh của bức tường biên giới và yêu cầu đương kim Tổng thống có lời xin lỗi.
Quyết định xây dựng các rào cản biên giới bổ sung nhấn mạnh cuộc đấu tranh của chính quyền Biden nhằm kiểm soát làn sóng người di cư gia tăng, vốn đã gây căng thẳng cho các thành phố biên giới và dẫn đến căng thẳng chính trị giữa các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ ở các thành phố như New York và Chicago.
Một số thống đốc thuộc đảng Cộng hòa tại các địa phương gần biên giới đã chở những người di cư tới các thành phố do đảng Dân chủ kiểm soát, khiến xung khắc ngày càng leo thang.
Ban đầu, Tổng thống Biden đặt mục tiêu đảo ngược một số chính sách nhập cư của người tiền nhiệm, nhưng vẫn giữ nguyên sắc lệnh y tế công cộng Điều khoản 42, cho phép lực lượng biên phòng trục xuất người di cư đến Mexico mà không có cơ hội xin tị nạn.
Khi Điều khoản 42 hết hiệu lực tháng 5 vừa qua, chính quyền Biden đã áp dụng một quy tắc nghiêm ngặt hơn, yêu cầu người di cư phải đặt lịch hẹn thông qua ứng dụng điện thoại do chính phủ điều hành trước khi xin nhập cảnh hợp pháp hoặc phải đối mặt với các cấm đoán tị nạn khó khăn hơn nếu cố tình vượt biên trái phép.
Quyết định tiến hành xây dựng một phần bức tường biên giới ở Hạt Starr, bang Texas, phản ánh cách tiếp cận phức tạp và đang phát triển của chính quyền Biden đối với vấn đề nhập cư trong bối cảnh cuộc khủng hoảng biên giới đang diễn ra, khi cố gắng tìm cách cân bằng giữa vấn đề an ninh biên giới với các mối quan tâm nhân đạo khác .
Mỹ tạm miễn nhiều luật liên bang để xây bức tường biên giới
Ngày 4/5, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho biết Nhà Trắng đã tạm miễn áp dụng 26 luật liên bang để cho phép xây bức tường biên giới tại hạt Starr, phía Nam bang Texas, trong bối cảnh làn sóng người di cư đến khu vực này tăng mạnh.
Người di cư vượt qua hàng rào biên giới Mỹ - Mexico ở Texas, Mỹ, ngày 8/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Động thái trên đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Hồi tháng 1/2021, trong tuần đầu tiên lên cầm quyền, Tổng thống Joe Biden đã cho tạm dừng việc xây dựng bức tường biên giới được chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump thực hiện.
Theo Bộ trưởng DHS Alejandro Mayorkas, hiện tại nhu cầu xây rào chắn ở khu vực giáp biên giới Mỹ rất cấp thiết và cần thực hiện ngay lập tức nhằm ngăn người di cư vào Mỹ bất hợp pháp.
Ông Mayorkas nêu rõ DHS đang sử dụng quyền hạn được Quốc hội trao cho để tạm miễn áp dụng các luật liên quan, trong đó có Đạo luật Không khí sạch, Đạo luật Nước uống an toàn và Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng, qua đó tránh mất thời gian xem xét và kiện tụng liên quan vi phạm các luật về môi trường, mở đường giải ngân các khoản ngân sách liên quan để xây dựng bức tường biên giới tại hạt Starr ở khu vực Rio Grande Valley.
Với động thái trên, hệ thống hàng rào biên giới hiện tại ở khu vực này sẽ kéo dài thêm khoảng 32 km.
Theo dữ liệu mới nhất của Chính phủ Mỹ, tình trạng người di cư vào hạt Starr bất hợp pháp ở mức cao, với trên 245.000 người bị nhà chức trách phát hiện trong tài khóa hiện tại.
Việc thực thi quy định mới về thủ tục xin tị nạn ở Mỹ gặp cản trở Ngày 25/7, Thẩm phán liên bang Jon Tigar, của Tòa án khu vực tại San Francisco đã ra phán quyết đảo ngược chính sách tị nạn của Tổng thống Mỹ Joe Biden sau 10 tuần thực thi. Người tị nạn Trung Mỹ được đưa tới nơi ở tạm sau khi được thả khỏi nơi giam giữ ở McAllen, Texas, Mỹ, ngày 12/6/2019. Ảnh:...