Tổng thống J.Biden chính thức ‘trao ngọn đuốc’ cho cấp phó K.Harris
Ngày 20/8, Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ (DNC) ở Mỹ đã chính thức khai mạc tại thành phố Chicago, bang Illinois, miền Trung Tây nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ ở Chicago, Illinois, Mỹ, ngày 19/8/2024. Ảnh: AA/TTXVN
Tại phiên khai mạc, Tổng thống Joe Biden đã củng cố sự đề cử của đảng Dân chủ cho Phó Tổng thống Kamala Harris khi chính thức “trao ngọn đuốc” cho cấp phó của mình trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin tại đại hội, trong bài phát biểu, Tổng thống Biden đã nêu lý do để cử tri bầu chọn bà Harris làm người kế nhiệm ông tại Nhà Trắng và kêu gọi đảng Dân chủ đoàn kết ủng hộ nữ “phó tướng” của mình, người đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống da màu và gốc Nam Á đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Trước đó, Tổng thống Biden từng cho biết ông cảm thấy hài lòng với quyết định ngừng tranh cử và “trao ngọn đuốc” cho bà Harris trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Sau khi ông Biden kết thúc bài phát biểu, bà Harris đã bước lên sân khấu và ôm nhà lãnh đạo kỳ cựu mà bà đã sát cánh trong 3 năm rưỡi qua, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tình đoàn kết trong đảng Dân chủ. Trước đó, bà đã bất ngờ xuất hiện ở phần đầu phiên khai mạc đại hội DNC, bày tỏ cảm ơn những đóng góp của Tổng thống Biden. Hàng nghìn đại biểu đã dành cho Phó Tổng thống sự chào đón nồng nhiệt.
Video đang HOT
Bà Harris bước vào đại hội DNC diễn ra từ ngày 19-22/8, sự kiện quan trọng nhất của đảng Dân chủ diễn ra 4 năm một lần, với tâm thế khá thoải mái. Chiến dịch tranh cử của bà đã phá vỡ kỷ lục gây quỹ, thu hút đông đảo người ủng hộ trong các cuộc vận động tranh cử và biến các cuộc thăm dò dư luận ở một số bang chiến địa thành lợi thế cho đảng Dân chủ.
Về quyết định của ông Biden “trao ngọn đuốc” cho bà Harris, nhiều đại biểu đảng Dân chủ cho rằng đây là quyết định khó khăn nhưng đúng đắn, vì tương lai nước Mỹ và mang lại khả năng chiến thắng cho đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây. Trao đổi với phóng viên TTXVN đưa tin tại đại hội, bà Audrey Blondin, đại biểu bang Connecticut, nhận định ở Mỹ đang diễn ra sự chuyển giao thế hệ, người dân Mỹ muốn tiến về phía trước và ứng cử viên Harris sẽ là “đại diện cho tương lai, cho thế hệ lãnh đạo mới”. Cùng chung quan điểm này, ông Matthew Blondin, cũng trong đoàn đại biểu bang Connecticut, đánh giá quyết định rút lui của Tổng thống Biden là việc không dễ dàng nhưng đã được thực hiện đúng lúc nhằm “truyền lại ngọn đuốc” cho thế hệ sau.
Trong khi đó, ông Jade Velazquez, đại biểu bang Utah, đánh giá bài phát biểu của ông Biden tại đại hội mang tinh thần lạc quan, cho thấy chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ luôn hướng về tương lai. Ông cho rằng phiên khai mạc đại hội đảng Dân chủ cũng là buổi lễ ăn mừng sự chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch tranh cử từ Tổng thống Biden sang Phó Tổng thống Harris.
Phần lớn các đại biểu tham gia phiên khai mạc đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ cũng thể hiện sự tự tin tuyệt đối vào khả năng chiến thắng của bà Harris trước ông Donald Trump, đối thủ từ phía đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.
Bà K. Harris sẵn sàng tâm thế trước thềm đại hội đảng Dân chủ
Phó Tổng thống Kamala Harris đã đến thành phố Chicago, bang Illinois ở miền Trung Tây nước Mỹ, vào ngày 18/8 theo giờ địa phương, sau khi tiến hành chiến dịch tranh cử tại bang chiến địa quan trọng Pennsylvania.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Las Vegas, bang Nevada ngày 10/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thành phố Chicago hiện đang là tâm điểm chú ý khi Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ dự kiến diễn ra tại thành phố này trong ngày 19/8 theo giờ địa phương và sẽ chính thức thông qua đề cử bà Kamala Harris là ứng cử viên tổng thống của đảng này.
Dự kiến, Tổng thống Joe Biden sẽ có bài phát biểu tại đại hội. Hiện an ninh đã được thắt chặt để bảo đảm an toàn cho sự kiện kéo dài 4 ngày này.
Hồi đầu tháng 8 này, bà Kamala Harris đã chính thức giành được đề cử của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống, đối đầu với ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump - trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Trước khi đến Chicago, bà Harris đã thực hiện chuyến vận động tranh cử bằng xe buýt đến các địa phương ở bang chiến địa quan trọng Pennsylvania. Cùng với Wisconsin và Michigan, Pennsylvania là 1 trong 3 bang đã giúp tạo nên chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Trong cuộc bầu cử tiếp đó vào năm 2020, ông Joe Biden, người sinh ra ở bang Pennsylvania, đã đưa các bang này trở lại ủng hộ đảng Dân chủ. Thống kê cho thấy, kể từ năm 2008 đến nay, ứng cử viên được 3 bang này bỏ phiếu ủng hộ cuối cùng đều là những người giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Tại Pennsylvania, bà Harris và người liên danh tranh cử, Thống đốc bang Minnesota Tim Walz, đã bắt đầu cuộc vận động từ thành phố Pittsburgh vào ngày 18/8, sau đó dừng chân tại các địa điểm khác của bang này ở khu vực được gọi "Vành đai Rỉ sét", nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp của Mỹ. Trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ của lực lượng cử tri của bang là công nhân các ngành công nghiệp, Phó Tổng thống Harris khẳng định bà sẽ nỗ lực hết sức trong chiến dịch vận động tranh cử trong những những ngày tới trước khi cuộc bầu cử bắt đầu.
Chiến dịch tại Pennsylvania đánh dấu lần đầu tiên bà Harris và ông Walz cùng chồng/vợ tiến hành vận động tranh cử kể từ sự kiện đầu tiên mà bộ đôi này thực hiện cùng nhau ở bang Philadelphia vào đầu tháng này.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden ngày 21/7 thông báo quyết định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, bà Harris đã nhanh chóng củng cố được sự ủng hộ trong đảng Dân chủ và từ các nhà tài trợ lớn, đồng thời khơi dậy một nguồn năng lượng mới trong các nhóm cử tri trẻ. Dù mới bước vào cuộc đua, nhưng bà Harris đang ngày càng chứng tỏ là đối thủ đáng gờm đối với ứng cử viên Trump của đảng Cộng hòa.
Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 18/8 do kênh truyền hình ABC News, nhật báo Washington Post và hãng khảo sát Ipsos thực hiện đối với những cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, bà Harris đang dẫn trước ông Trump ở khoảng cách hẹp. Điều này dự báo cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra sít sao tại các bang chiến địa cũng như trên toàn quốc.
Mỹ: Nắng nóng cực độ tại Chicago Ngày 17/6, nắng nóng đã quay trở lại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ. Vùng đô thị Chicago là một trong khoảng 10 vùng đô thị rộng lớn của Mỹ đang phải hứng chịu đợt nắng nóng, kéo dài từ Trung Tây đến Đông Bắc, có thể kéo dài ít nhất 5 ngày, với nhiệt độ trung bình mỗi ngày trên 32 độ...