Tổng thống Iraq tuyên bố từ chức
RIA Novosti cho hay, ngày 26/12, Tổng thống Iraq Barham Saleh đã đệ đơn từ chức lên Quốc hội.
Tổng thống Iraq Barham Saleh. Ảnh: RIA.
“Tôi bày tỏ với các thành viên quốc hội rằng tôi sẵn sàng từ chức Tổng thống đất nước, họ sẽ đưa ra quyết định mà họ cho là phù hợp”, thư của ông Saleh viết.
Ông Saleh tuyên bố trong thư rằng, ông phản đối việc ông Asaad al-Idani ứng cử với tư cách là thủ tướng mới của đất nước.
Ông Saleh cũng lưu ý rằng, ông không muốn tình hình trong nước tồi tệ thêm và phàn nàn về tình hình xung quanh việc không thể xác định khối chính trị lớn nhất trong quốc hội.
Mới đây, ngày 29/11, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi cũng đã quyết định đệ đơn từ chức lên Quốc hội, mở đường cho các nghị sĩ có thể lựa chọn một chính phủ mới.
Video đang HOT
Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết ông Mahdi đưa ra quyết định trên chỉ vài giờ sau khi Đại giáo chủ của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq Ali al-Sistani kêu gọi thay đổi ban lãnh đất nước trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự có nhiều bất ổn liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối chính phủ kéo dài nhiều tuần qua.
Kể từ ngày 01/10 vừa qua, hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường tham gia các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền Nam đòi chính quyền tiến hành cải cách toàn diện, cải thiện các dịch vụ công, tạo thêm việc làm cho người dân và chấm dứt nạn tham nhũng. Tính đến nay đã có hơn 400 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn đường phố này.
Thanh Bình (lược dịch)
Theo infonet.vn
Hàng nghìn người bị bắt vì biểu tình chống luật công dân ở Ấn Độ
Hơn 1.500 người biểu tình đã bị bắt giữ 10 ngày qua, trong khi cảnh sát cố gắng dập tắt các cuộc tuần hành đôi khi biến thành bạo lực trên toàn Ấn Độ vì luật về quyền công dân.
Ngoài ra, khoảng 4.000 người đã bị bắt và sau đó được thả, các quan chức Ấn Độ nói với Reuters. Theo hai quan chức liên bang cấp cao giám sát an ninh nội địa đề nghị giấu tên, những người bị bắt và giam giữ đã sử dụng biện pháp bạo lực trong các cuộc biểu tình.
Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình kể từ khi quốc hội Ấn Độ thông qua luật hôm 11/12. Phe chỉ trích nói luật phân biệt đối xử với người Hồi giáo và đặc tính thế tục của Ấn Độ vì khiến tôn giáo trở thành tiêu chí cho quyền công dân.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Chennai hôm 21/12. Ảnh: Reuters.
Luật này nhằm trao quyền công dân cho các nhóm thiểu số theo đạo Hindu, Phật giáo, Kitô giáo, đạo Sikh, Jain và Parsi được cho là chịu sự áp bức ở các nước có đa số dân theo đạo Hồi như Afghanistan, Pakistan và Bangladesh. Người nộp đơn xin quốc tịch phải đến Ấn Độ từ ngày 31/12/2014 trở về trước.
Hàng trăm người biểu tình và cảnh sát đã bị thương trong các cuộc biểu tình được xem là thể hiện mạnh mẽ nhất sự chống đối với chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo của Thủ tướng Narendra Modi, kể từ khi ông đắc cử lần đầu vào năm 2014.
Ông Modi đã gặp hội đồng bộ trưởng hôm 21/12 để thảo luận các biện pháp an ninh liên quan đến các cuộc biểu tình, các nguồn tin chính phủ cho biết.
Các cuộc tuần hành vẫn tiếp tục diễn ra hôm 21/12 bất chấp lệnh giới nghiêm và các biện pháp cứng rắn nhằm dập tắt phong trào.
Bang đông dân nhất Ấn Độ, Uttar Pradesh, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 9 người thiệt mạng và một số người khác trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện. Bang này, vốn từ lâu đã chứng kiến các cuộc đụng độ giữa cộng đồng Hindu giáo chiếm đa số với những người Hồi giáo thiểu số, được lãnh đạo bởi đảng của ông Modi.
Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình. Ảnh: Reuters.
Nhiều cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch ở một số vùng của đất nước, bao gồm cả bang Assam phía đông bắc. Sự phẫn nộ đối với người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh đã sôi sục trong nhiều năm tại Assam, một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ. Cư dân cáo buộc người nước ngoài, bao gồm cả người Hindu giáo lẫn người Hồi giáo, đã lấy đi việc làm và đất đai.
Phe chỉ trích nói rằng luật đã giáng một đòn mạnh vào đất nước từ lâu đã tự hào về hiến pháp thế tục của mình. Ấn Độ có dân số 1,3 tỷ người, với đa số theo đạo Hindu, một nhóm thiểu số lớn theo đạo Hồi và các nhóm thiểu số nhỏ hơn theo tôn giáo khác.
Các lãnh đạo bang đến từ các đảng khu vực nói rằng họ sẽ ngăn chặn việc thực thi luật tại bang của họ. Chính phủ cho biết không có khả năng luật sẽ bị bãi bỏ.
Theo news.zing.vn
Nga bắt đầu cung cấp Mi-35M cho Uzbekistan Nga bắt đầu cung cấp cho Bộ Quốc phòng Uzbekistan các máy bay trực thăng vận tải và chiến đấu Mi-35M, theo một nguồn tin giấu mặt trả lời với RIA Novosti. Máy bay Mi-35M. Theo thông báo trước đó của nguồn tin, Nga sẽ cung cấp 12 máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-35M cho Uzbekistan trong vòng hai năm....