Tổng thống Indonesia ’sốc’ với vụ chánh án tối cao bị bắt
Vụ bắt giữ người đứng đầu nền tư pháp vì cáo buộc tham nhũng diễn ra đêm 2.10 đã “gây sốc” đối với Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono.
Ông Akil Mochtar nhậm chức Chánh án tối cao hồi tháng 8.2013 trước sự chứng kiến c ủa Tổng thống Yudhoyono – Ảnh: Phủ tổng thống Indonesia
Chánh án tối cao Akil Mochtar cùng 2 chính trị gia khác bị Ủy ban Tiệt trừ Tham nhũng (KPK) bắt tại tư dinh của ông Akil ở phía nam thủ đô Jakarta, báo Jakarta Globe đưa tin.
Hai chính trị gia bị bắt là ông Chairunissa thuộc đảng Golkar và dân biểu Hambit Bintih của huyện Gunung Mas, tỉnh Đông Kalimantan.
Sau đó, KPK tiếp tục bắt 2 doanh nhân có liên quan trong cáo buộc tham nhũng này tại một khách sạn ở quận Trung tâm Jakarta cùng trong đêm.
Phát ngôn viên của KPK Johan Budi cho biết họ cũng tịch thu tại nhà ông Akil số đô la Singapore và đô la Mỹ trị giá 3 tỉ rupiah (5,6 tỉ đồng), cùng chiếc Toyota Fortuner màu trắng mà hai chính trị gia kia dùng để đến nhà ông Akil.
Số tiền trên được nói là tiền hối lộ cho ông Akil để ông này ra phán quyết có lợi cho dân biểu Hambit Bintih.
Video đang HOT
Trong cuộc bầu cử ở huyện Gunung Mas hồi đầu tháng 9.2013, ông Hambit Bintih và một dân biểu khác được ủy ban bầu cử địa phương công bố thắng cử.
Tuy nhiên, hai đối thủ thất bại đã kiện lên Tòa án tối cao với cáo buộc có gian lận trong quá trình bầu cử.
Tòa án tối cao Indonesia mà ông Akil chính thức đứng đầu từ tháng 8 năm nay có tên gọi là Tòa Hiến pháp, gồm 9 chánh tòa tối cao, kể cả ông Akil. Nhiệm kỳ của các chánh tòa là 5 năm.
Ông Akil, 62 tuổi, từng là chính trị gia đảng Golkar, và chuyển sang Tòa Hiến pháp từ năm 2008.
“Vụ này thật là sốc. Đặc biệt Tòa Hiến pháp là một cơ quan vô cùng quan trọng và có vai trò to lớn trong nền hành chính quốc gia”, Tổng thống Yudhoyono phát biểu tại cuộc họp báo chiều 3.10.
Theo Hiến pháp 1945 của Indonesia, tòa án này có vai trò phán quyết về “các vấn đề nền tảng” như luật pháp, bất đồng giữa các cơ quan trong thể chế, các cuộc bầu cử quốc gia cũng như bầu cử địa phương.
“Tham nhũng ở tòa án này sẽ đe dọa đến hệ thống dân chủ của quốc gia”, ông Yudhoyono nói.
Ông Yudhoyono cũng nhắc nhở: “Trên hết, tất cả cán bộ thực thi pháp luật từ mọi cơ quan cần phải công bằng. Đừng chơi trò chính trị trong lúc phán quyết về sự thật và công lý. Đặc biệt, đừng đùa với đồng tiền”, theo báo Jakarta Globe.
Báo này cũng trích lời các chuyên gia gọi đây là một “sự nhục nhã”.
Cựu chánh án tối cao Jimly Asshiddiqqie nói: “Điều mà Akil đã làm thật là một sự nhục nhã”, bởi theo ông tòa án này từng nổi tiếng là một trong những cơ quan “sạch sẽ nhất” ở quốc gia mà nạn tham nhũng vốn là căn bệnh trầm kha.
Emerson Yuntho, một điều phối viên của tổ chức theo dõi tham nhũng Corruption Watch của Indonesia thì nói: “Vụ bắt giữ là một thảm họa về mặt thể chế”.
Hiện tại, giám đốc KPK Abraham Samad cho biết chưa thể quyết định được tình trạng pháp lý của của ông Akil: “Chúng tôi phải đợi 24 giờ. Chúng tôi chưa quyết định tình trạng pháp lý của ông ấy vì còn đang thẩm vấn”.
Trong khi đó, cựu chánh án Jimly cho rằng các công tố viên cần đề nghị mức án tử hình đối với ông Akil.
“Bản án tử hình sẽ có tác dụng răn đe”, ông Jimly phát biểu trên Republika.co.id.
Theo TNO
Trung Quốc tranh thủ tiến gần ASEAN
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm 2 nền kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á để thúc đẩy hợp tác giữa lúc Mỹ bộn bề khó khăn.
Tổng thống Yudhoyono (phải) tiếp Chủ tịch Tập tại Jakarta - Ảnh: AFP
Ông Tập đến Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, hôm 2.10 và có cuộc hội đàm 2 giờ với Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Nhân chuyến thăm, Indonesia và Trung Quốc ký kết 6 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hàng hải, thủy sản, du lịch và nghiên cứu không gian.
Theo đó, hai bên sẽ cùng phát triển một đặc khu kinh tế ở Indonesia, đồng thời nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khí tượng. Ngày 3.10, ông Tập tiếp tục chứng kiến lễ ký 21 dự án giữa các doanh nghiệp 2 nước trị giá 30 tỉ USD trong các lĩnh vực khai khoáng, sản xuất bột giấy và phát triển hạ tầng. Ngoài ra, giới tài chính đặc biệt quan tâm thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 16 tỉ USD có thể giúp Indonesia cứu vãn đồng nội tệ đang mất giá.
Tờ The Straits Times dẫn lời Chủ tịch Tập: "Chúng tôi muốn quan hệ 2 nước bay cao lên không trung và lắng sâu vào lòng biển, càng cao càng sâu càng tốt". Cũng theo báo này, 2 nước đã nâng cấp quan hệ lên mức "đối tác chiến lược toàn diện" và đồng ý đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ mở trung tâm văn hóa tại thủ đô Jakarta, cấp học bổng cho 1.000 người Indonesia học tiếng Hoa ở Viện Khổng Tử, và mời các chức sắc Hồi giáo sang Bắc Kinh trao đổi văn hóa và tín ngưỡng.
Indonesia là quốc gia không có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc và được cho là có vai trò "trung gian hòa giải tích cực" trong vấn đề biển Đông. Vì thế, không khó hiểu khi ông Tập chọn quốc gia này là điểm đến đầu tiên ở ASEAN kể từ khi nhậm chức hồi tháng 3.2013. Ngược lại, Indonesia cũng không bỏ qua cơ hội đẩy mạnh hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của mình, sau Nhật Bản. Chính quyền Jakarta đã mời ông Tập làm nguyên thủ nước ngoài đầu tiên phát biểu trước quốc hội sáng 3.10. Tuy vậy, theo Reuters, chỉ có 1/3 nghị sĩ có mặt trong buổi nói chuyện.
Tại đây, ông Tập Cận Bình nhắc qua loa về biển Đông và chỉ nói: "Tranh chấp nên được giải quyết một cách hòa bình". Tuy nhiên, ông không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: "Đông Nam Á là một trung tâm của Con đường tơ lụa trên biển. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác hàng hải với ASEAN".
Cuối ngày 3.10, ông Tập đến Malaysia, quốc gia cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia còn Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Sau nước này, ông sẽ quay ngược lại Indonesia để dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 7-8.10.
Trong khi Trung Quốc đang ra sức tiến gần ASEAN thì Tổng thống Mỹ Barack Obama lại có thể phải vắng mặt tại APEC cũng như cuộc họp Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ nhất và Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Brunei ngày 9-10.10. Bế tắc về ngân sách khiến chính phủ Mỹ ngưng hoạt động, kéo theo việc ông Obama phải hủy thăm Malaysia và Philippines dự trù diễn ra sau khi EAS kết thúc. Nếu ông Obama phải hủy toàn bộ chuyến công du Đông Nam Á dự kiến bắt đầu từ 5.10, thì Mỹ sẽ "đánh mất một cơ hội lớn" để nâng cao vị thế ở khu vực, báo The Washington Post trích lời các nhà phân tích nhận định.
Theo TNO
Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp biển đảo với ASEAN trong hòa bình Phát biểu trước Quốc hội Indonesia ngày 3.10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh mong muốn giải quyết tranh chấp biển đảo với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á thông qua đối thoại hòa bình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Indonesia, ông Susilo Bambang Yudhoyono (phải)trong một buổi họp báo...