Tổng thống Duterte: Thật khó để nói Mỹ và Philippines là bạn
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng về tình bạn giữa Mỹ và Philippines sau khi nhận được thư của 3 bộ trưởng Mỹ đề xuất gặp và thuyết phục Manila mua vũ khí của Washington.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)
Theo RT, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã gửi thư tới Tổng thống Duterte nhấn mạnh “mối quan hệ đối tác lâu dài được xây dựng trên nền tảng lịch sử và các giá trị” của Mỹ và Philippines, đồng thời đề xuất có thể gặp trực tiếp ông Duterte nhằm thuyết phục Manila mua vũ khí của Washington.
Đáp lại lá thư, trong một bài phát biểu tại thành phố Davao ngày 24/8, ông Duterte cho rằng tình bạn giữa 2 nước được xây dựng trên nền tảng mối quan hệ thuộc địa trong quá khứ: “Thật khó để nói chúng ta (Mỹ và Philippines) là bạn. Chúng ta là bạn nhưng bởi vì Mỹ đã biến Philippines thành thuộc địa nhiều năm trước. Đó không phải là một tình bạn có được sự đồng thuận và hài lòng từ các bên. Đó là tình bạn mà Mỹ áp đặt lên Philippines”.
Theo đó, 3 quan chức Mỹ đã gợi ý Manila có thể mua các trực thăng quân sự, máy bay chiến đấu F-16, những khí tài mà Washington cho rằng Philippines đang rất cần có trong kho vũ khí.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Duterte nhấn mạnh rằng Philippines không cần những vũ khí hiện đại như F16, mà khí tài Manila cần chỉ là máy bay có cánh quạt để thực hiện các chiến dịch chống các nhóm phiến quân và khủng bố NPA, ISIS, Abu Sayyaf.
Ông Duterte cũng nói rằng Mỹ chỉ thường bán cho Manila các vũ khí tân trang, đã qua sử dụng, đồng thời tỏ ý hoài nghi về chất lượng. Ông nhắc lại thương vụ mua 6 chiếc trực thăng mà Mỹ nói rằng đã được tân trang lại sau khi phục vụ trong quân đội NATO. Ông Duterte cho biết các trực thăng này đã quá cũ và 3 trong số 6 chiếc đã bị rơi, khiến các binh sĩ Manila thiệt mạng.
Tổng thống Philippines cho biết ông đồng ý gặp 3 bộ trưởng Mỹ, nhưng từ chối tới Mỹ. Ông cho biết điều kiện tiên quyết để cuộc gặp có thể diễn ra là Mỹ phải trả lại 3 quả chuông Balangiga mà quân đội Mỹ thu giữ của Philippines 100 năm trước như những chiến lợi phẩm. Người Philippines coi những quả chuông này là biểu tượng của cuộc đấu tranh kéo dài nhiều năm để giành độc lập.
Ông Dutere hy vọng rằng Mỹ sẽ tỏ ra có thiện chí. Tuy nhiên, ông cũng hoài nghi rằng liệu Mỹ có sẵn lòng bán cho Manila những vũ khí mà họ muốn mua hay không do quốc hội Mỹ từng từ chối bán súng cho Philippines, lo ngại những hệ lụy về nhân quyền khi những vũ khí này có thể sử dụng trong cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi.
Do Mỹ đã từ chối, nên Philippines buộc phải liên hệ với Trung Quốc với Nga để mua súng và hai nước này sẵn lòng bán cho Manila các vũ khí hạng nhẹ. Tiếp đó, chính quyền ông Duterte tiếp tục ngỏ ý muốn mua thêm tàu tuần tra, trực thăng, xe bọc thép và cả tàu ngầm.
Đức Hoàng
Theo Dantri/RT
Tổng thống Philippines không hợp tác điều tra cáo buộc che giấu tài sản
Tổng thống Philippines nói sẽ không hợp tác với các công tố viên chống tham nhũng đang điều tra ông với cáo buộc che giấu tài sản.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters.
"Tôi không nằm trong phạm vi quyền hạn (của các thanh tra)", AFP dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói cuối ngày 30/9.
Văn phòng thanh tra Philippines tuần trước thông báo đang điều tra nghi vấn các tài khoản ngân hàng của Tổng thống Duterte có hàng trăm triệu peso (hàng triệu USD) nhưng ông không công khai. Đáp trả, Tổng thống Duterte gọi văn phòng thanh tra là cơ quan "tệ hại", mô tả cáo buộc nhằm vào ông là "lời nói dối dựa trên thông tin vô căn cứ".
"Đưa ra bằng chứng giả tạo, lừa dối trước quốc gia rồi ông lại muốn đưa tôi vào trong quyền hạn của thanh tra", ông Duterte nói, ám chỉ phó tổng thanh tra Melchor Arthur Carandang, người thông báo điều tra tổng thống Philippines.
Bình luận trên trái ngược với những gì người phát ngôn tổng thống nói tuần trước, rằng ông Duterte tôn trọng và tin tưởng văn phòng thanh tra.
Cuộc điều tra được tổ chức sau khi Thượng nghị sĩ đối lập Antonio Trillanes cáo buộc ông Duterte tham ô công quỹ trong hơn hai thập kỷ làm thị trưởng thành phố Davao, miền nam Philippines.
Ông Duterte nói gia đình ông có các bất động sản và hoạt động kinh doanh, gồm một nhà máy đá lạnh và xưởng đồ gỗ. Người cha quá cố của ông từng là thống đốc tỉnh.
"Tổng cộng mọi thứ không vượt quá 40 triệu peso (785.000 USD), tiền tiết kiệm cả đời của tôi. Một phần chỗ đó là tài sản thừa kế, người dân ở Davao biết điều này", ông cho biết.
Ông Duterte, 72 tuổi, đắc cử tổng thống Philippines năm 2016 với cam kết trấn áp tham nhũng và tội phạm. Trong quá trình tranh cử, Duterte nói ông xuất thân từ một gia đình nghèo và sống giản dị, giúp tăng cường hình ảnh một chính trị gia đại diện cho người dân chống tham nhũng, theo các nhà phân tích.
Như Tâm
Theo VNE
Tổng thống Philippines bị cáo buộc che giấu tài sản Ông Duterte hoan nghênh cuộc điều tra của cơ quan chống tham nhũng về cáo buộc ông che giấu của cải từ thời làm thị trưởng. Ông Rodrigo Duterte tại một hội nghị khu vực ở Philippines ngày 6/9. Ảnh: Reuters. Văn phòng Thanh tra Philippines, cơ quan phụ trách điều tra sai trái của quan chức chính phủ, hôm qua xác nhận...