Tổng thống Donald Trump ‘mềm mỏng’ trước khi khởi hành đến Việt Nam
Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước các thống đốc bang của Mỹ tại Nhà Trắng rằng ông hài lòng chừng nào Triều Tiên vẫn ngừng các vụ thử vũ khí của nước này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với các Thống đốc bang tại Nhà Trắng, Washington, DC, ngày 24/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu trước khi khởi hành đến Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Chủ tịch Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông tin rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có chung quan điểm ở một mức độ nhất định và hai bên đã tạo dựng một “mối quan hệ rất tốt đẹp”.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, ông “không vội vàng và cũng không muốn thúc giục bất cứ ai” trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump tuyên bố ông không mong muốn có các vụ thử vũ khí và chừng nào Triều Tiên vẫn tiếp tục ngừng các vụ thử như vậy, các bên đều sẽ hài lòng.
Theo giới phân tích, với phát biểu trên, Tổng thống Trump một lần nữa cho thấy lập trường đang dần mềm mỏng hơn trong những ngày gần đây đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ từng cho biết ông sẽ rất vui lòng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng nếu nước này có các tiến triển “có ý nghĩa” trong việc phi hạt nhân hóa.
Video đang HOT
Tại hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 6/2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump đã nhất trí Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ phía Mỹ cũng như xây dựng mối quan hệ mới. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán triển khai thỏa thuận sau đó không đạt được nhiều tiến triển. Triều Tiên yêu cầu Mỹ có những bước nhượng bộ để đáp lại những động thái của Bình Nhưỡng, trong khi Washington yêu cầu phía Triều Tiên có những động thái cụ thể hơn.
Giới chuyên gia nhận định tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tới đây tại Hà Nội, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những bước cụ thể của Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa và những biện pháp tương ứng từ Washington như nới lỏng các biện pháp trừng phạt và cải thiện quan hệ song phương. Đây là dịp để Chủ tịch Kim Jong-un thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo đáng tin cậy để hợp tác về kinh tế và ngoại giao, qua đó thúc đẩy các cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên.
Minh Ngọc (TTXVN)
Theo Tintuc
Tại Hà Nội, Trump - Kim sẽ giải quyết câu hỏi còn bỏ ngỏ tại Singapore?
Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội lần này, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với việc giải thích cụm từ nóng "phi hạt nhân hóa" mà cả hai đã cùng đưa ra trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore.
Các công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đang được khẩn trương triển khai. Ảnh: Reuters.
Theo Channel New Asia, trong cuộc gặp lịch sử, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã để lại nhiều câu hỏi xung quanh thuật ngữ "phi hạt nhân hóa" trong vấn đề bán đảo Triều Tiên. Theo đó, ông Kim cam kết với ông Trump rằng Bình Nhưỡng sẽ "nỗ lực hướng tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên".
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhìn nhận rằng từ tháng 6.2018 cho tới nay, quá trình này vẫn diễn ra chậm chạp, cho thấy thành quả của cuộc gặp thượng đỉnh tại Singpore là không đáng kể. Lý do hàng đầu được đưa ra là Mỹ và Triều Tiên không có cùng chung lập trường về khái niệm "phi hạt nhân".
Vào tháng trước, ông Stephen Biegun, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, đã thừa nhận rằng Washington và Bình Nhưỡng chưa hề có "một sự đồng thuận chung về những điều kiện phi hạt nhân hóa cần thiết".
Được biết, Mỹ đã nhiều lần yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn kho hạt nhân của nước này bằng các biện pháp toàn diện, không thể đảo ngược. Tuy nhiên, Triều Tiên lại xác định khái niệm "phi hạt nhân hóa" rộng hơn, đồng thời mong muốn chấm dứt cấm vận cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.
"Sự mơ hồ và tối nghĩa của thuật ngữ phi hạt nhân hóa chỉ làm gia tăng sự hoài nghi về cam kết phi hạt nhân của cả Mỹ và Triều Tiên", ông Shin Gi-wook - Giám đốc Chương trình Triều Tiên tại trường Đại học Stanford - nhận định.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cho rằng Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cần phải làm rõ định nghĩa này trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới tại Hà Nội.
"Không gì tệ hơn cho cả hai bên nếu không đạt được kết quả cụ thể, gây lãng phí thời gian", chuyên gia Harry Kazianis thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc cho rằng Mỹ và Triều Tiên cần phải có "ít nhất là một bước tiến tới việc phi hạt nhân hóa" trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội.
Theo Channel New Asia dẫn lời chuyên gia Kim Yong-hyun thuộc trường Đại học Dongguk, viễn cảnh tốt nhất có thể xảy ra là ông Trump và ông Kim đạt được sự đồng thuận về một lộ trình cụ thể cho quá trình phi hạt nhân hóa. Theo đó, Triều Tiên có thể đồng ý thực hiện các "biện pháp hữu hình mang tính biểu tượng" như đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon hoặc tháo dỡ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của nước này.
Đổi lại, Mỹ có thể hứa đảm bảo an ninh cho Triều Tiên thông qua việc chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) hoặc mở văn phòng liên lạc tại Triều Tiên.
Đồng ý với quan điểm nói trên, ông Go Myong-hyun thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan cho rằng việc này sẽ đánh dấu bước đầu tiên của quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều Tiên.
Theo Danviet
Nội thất sang trọng trên đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Kim Jong-un Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã lên đoàn tàu bọc thép của mình để lên đường tới tham dự cuộc đàm phán hòa bình tại Việt Nam. Chủ tịch Kim Jong-un nhận hoa chào mừng khi vừa xuống tàu trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018 Chuyến đi của Chủ tịch Kim Jong-un tới Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh...