Tổng Thanh tra Chính phủ : Nhiều vụ án được mở rộng, không có vùng cấm, ngoại lệ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái có báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.
Việc truy tố 2 nguyên bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn thể hiện rõ quan điểm không có vùng cấm trong đấu tranh PCTN
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua, nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất vụ lợi, chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN.
Cùng đó, các cơ quan chức năng chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích kẻ phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra để được hưởng khoan hồng.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng, trở thành ưu tiên hàng đầu trong các vụ án tham nhũng kinh tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, công tác thu hồi tài sản trong giai đoạn thi hành án hiệu quả chưa cao. Báo cáo nêu, trong năm, tổng số tiền phải thi hành là hơn 10.198 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện là hơn 7.378 tỷ đồng, hiện mới thi hành xong hơn 235 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 3,19%). Trong số 37 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết tháng 6/2019 mới thi hành xong 9.454 tỷ đồng/68.856 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,73%.
Để nâng cao hiệu quả PCTN, trong năm 2020, Chính phủ sẽ rà soát, xác định rõ cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế – xã hội còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; kiên quyết loại bỏ cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan chống tham nhũng. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; đầu tư theo hình thức BT, BOT…
Nhiều dự án lớn trong “tầm ngắm”
Video đang HOT
Theo kế hoạch vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc công bố, trong năm 2020, Kiểm toán Nhà nước thực hiện 146 cuộc kiểm toán. Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Điển hình như các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm TPHCM; đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…
Kiểm toán nhà nước cùng dự kiến lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong đó có việc quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT.
Lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính – ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán các Tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Điện lực TPHCM… Trong lĩnh vực ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung vào các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng có quy mô lớn như Ngân hàng NN-PTNT; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam…
THÀNH NAM
Nhận hối lộ 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son bị kê biên tài sản gì?
Thừa nhận đã nhận khoản tiền hối lộ 3 triệu USD (tương đương hơn 66,4 tỷ đồng) từ Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch HĐQT của AVG, nhưng cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son mới xin nộp khoản tiền khắc phục quá nhỏ so với số đã nhận.
Ông Nguyễn Bắc Son (ảnh IT).
Trong kết luận điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị liên quan, Cơ quan điều tra có đề cập tới việc thu hồi tài sản.
Cụ thể, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu hồi tài sản do các bị can và gia đình giao nộp tổng cộng số tiền gần 66 tỷ đồng. Trong đó, gia đình bị can Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch HĐTV của Mobifone nộp 54 tỷ đồng.
Đối với bị can Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone, gia đình nộp 11,6 tỷ đồng; bị can Hoàng Duy Quang, Thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX nộp 54 triệu đồng; ông Tống Minh Tuấn nộp trả Công ty AMAX 100 triệu đồng; Công ty AMAX nộp 240 triệu đồng.
Cơ quan điều tra đã kê biên nhà đứng tên chủ sở hữu là Nguyễn Bắc Son và vợ tại ngõ 36C1 Lý Nam Đề, Hà Nội; kê biên nhà đất tại phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội đứng tên chủ sở hữu là Trương Minh Tuấn và vợ.
Phong tỏa tài khoản đứng tên Nguyễn Bắc Son tại Vietcombank Chi nhánh Sở giao dịch có tổng số dư hơn 591 triệu đồng; phong tỏa tiền gửi tiết kiệm và tài khoản gửi tiết kiệm đứng tên Trương Minh Tuấn tại ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Ngô Quyền có tổng số dư hơn 2,1 tỷ đồng; phong tỏa tài khoản đứng tên Lê Nam Trà có tổng số dư hơn 937 triệu đồng và một tài khoản khác đứng tên ông này có số dư hơn 850 triệu đồng.
Trở lại với trường hợp cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong vụ án này ông khai đã nhận của Phạm Nhật Vũ 3 triệu USD (tương đương hơn 66,4 tỷ đồng), nhận của Cao Duy Hải 200 triệu đồng, nhận của Lê Nam Trà 200 nghìn USD. Tuy nhiên đến nay ông Son mới xin nộp khắc phục hậu quả hơn 500 triệu đồng, đây là số tiền quá nhỏ so với số đã nhận phi pháp.
Theo Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Bắc Son đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, hợp tác với Cơ quan điều tra. Trong quá trình công tác được thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, hiện đang điều trị bệnh tim mạch và huyết áp.
Hậu quả về hành vi làm trái đã được khắc phục hoàn toàn. Ông Nguyễn Bắc Son có mong muốn nộp khắc phục số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ. Cơ quan điều tra đã đề nghị cơ quan chức năng, trong quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi lượng khung hình phạt với bị can Nguyễn Bắc Son.
Trong số 14 bị can bị đề nghị truy tố trong thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG, có 13 bị can bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 220, khoản 4-Bộ luật Hình sự năm 2015.
13 bị can gồm: Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông); Phạm Đình Trọng (sinh năm 1970, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông); Võ Văn Mạnh (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX); Hoàng Duy Quang (sinh năm 1983, thẩm định viên Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX); Lê Nam Trà (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone); Cao Duy Hải (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone); Phan Thị Hoa Mai (sinh năm 1966, thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) cùng 5 Phó Tổng Giám đốc MobiFone gồm: Phạm Thị Phương Anh (sinh năm 1975), Hồ Tuấn (sinh năm 1965); Nguyễn Đăng Nguyên (sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone); Nguyễn Bảo Long (sinh năm 1972); Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1969).
Bị can Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, 4 bị can: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố thêm tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 4-Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Danviet
9 người bị tuyên án tử hình, chung thân vì tham nhũng Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 240 vụ, 517 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân. Sáng 12/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 trước...