Tổng Thanh tra Chính phủ lên tiếng về trách nhiệm trong vụ Đồng Tâm
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu vừa có văn bản báo cáo Quốc hội về vụ việc khiếu nại đông người tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) mà đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã giơ biển tranh luận cho rằng liên quan đến trách nhiệm của Tổng Thanh tra Chính phủ.
Người dân Đồng Tâm thả các chiến sĩ cơ động sau nhiều người nhốt giữ. (Ảnh: Tiến Nguyên)
Theo văn bản này, năm 2016 sau khi nhận được đơn, Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã tiếp người dân Đồng Tâm; đồng thời có văn bản gửi UBND TP Hà Nội để chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
Khi công dân có đơn khiếu nại lần hai, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo tình hình, diễn biến vụ việc. Trong đó, yêu cầu thành phố có biện pháp xử lý thích hợp để ổn định tình hình, tránh xảy ra điểm nóng; giao Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội trong quá trình xử lý vụ việc.
Đến khi nhận được thông tin công dân xã Đồng Tâm bức xúc, giữ 38 cán bộ thực hiện nhiệm vụ, Thanh tra Chính phủ đã cử một phó cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội; cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối thoại với công dân tại huyện Mỹ Đức ngày 20/4 và sau đó tại xã Đồng Tâm ngày 22/4.
Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu khẳng định, sau khi Thanh tra TP Hà Nội kết thúc thanh tra trực tiếp, Thanh tra Chính phủ tiếp tục cử một phó cục trưởng cùng cán bộ nghiệp vụ tham gia ý kiến đối với kết quả thanh tra tại các cuộc họp ngày 1/6 và ngày 7/6 vừa qua.
Hiện nay Hà Nội đang hoàn chỉnh kết luận thanh tra để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo dự kiến của Hà Nội, sẽ có kết luận trong tháng 7 tới.
Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với UBND TP Hà Nội để giải quyết những vấn đề liên quan, nhằm bảo vệ lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của Dân trí, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp khẳng định, trong hai năm 2015-2016, Ban Tiếp dân Trung ương đã 4 lần tiếp các đoàn khiếu nại, tố cáo của xã Đồng Tâm xung quanh các vấn đề liên quan đến đất quốc phòng, xây dựng lò gạch trên đất trồng lúa và cán bộ xã chiếm đất trường học.
Video đang HOT
“Lần gần nhất người dân Đồng Tâm tới khiếu nại tố cáo ở Ban Tiếp dân Trung ương là vào cuối năm 2016. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm, trả lời người dân”- ông Điệp nói.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 24/4, trả lời PV Dân trí, ông Ngô Văn Khánh – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng câu chuyện xảy ra ở Đông Tâm đã đặt ra nhiều bài học cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính người dân.
“Tôi nhấn mạnh là bài học cho cả hai phía người dân và cơ quan nhà nước. Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, khiếu nại tố cáo và tiếp công dân, chắc chắn sẽ có nghiên cứu thận trọng để tổng kết, rút ra kinh nghiệm trong quá trình quản lý của mình được tốt hơn”- ông Khánh nói.
Mới đây nhất, Cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo Điều 123 Bộ luật Hình sự) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo Điều 143 Bộ luật Hình sự).
Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ án.
Vào cuối tháng 3/2017, Cơ quan CAĐT – CATP Hà Nội khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng xảy” ra tại xã Đồng Tâm, bắt giữ 4 người, trong đó có cụ Lê Đình Kình (82 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã).
Ngày 15/4, người dân Đồng Tâm đã giữ 38 người tại Nhà văn hóa thôn Hoành, gồm cán bộ huyện Mỹ Đức và chiến sĩ Công an Hà Nội. Đến 18/4, 15 chiến sĩ CSCĐ đã được bàn giao cho chính quyền, 3 người tự giải cứu.
Ngày 20/4, Viện KSND TP Hà Nội ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ cụ Lê Đình Kình.
Ngày 21/4, người dân Đồng Tâm thả ông Đặng Văn Cảnh, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mỹ Đức.
Ngày 22/4, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã về xã Đồng Tâm đối thoại với người dân xã này. Sau cuộc đối thoại, người dân Đồng Tâm đã thả toàn bộ 19 cán bộ chiến sĩ còn bị giữ ở Nhà văn hóa thôn Hoành.
Thế Kha
Theo Dantri
Đại biểu Quốc hội "phê" Thanh tra Chính phủ trong vụ Đồng Tâm
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng với vụ việc đất đai ở Đồng Tâm, lẽ ra Thanh tra Chính phủ phải tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo giải quyết; nhưng ông chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này. Ông Nhưỡng đánh giá nguyên nhân có lỗi hệ thống của ngành thanh tra.
Ngày 9/6, phát biểu giải trình trong phiên họp tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quý một năm 2017 tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng tăng trở lại.
"Tình hình khiếu kiện của công dân có diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết", ông Sáu nói.
Ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Sáu cho biết, tập trung vào các chính sách pháp luật về đất đai, nhất là trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có nhiều thay đổi; Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn yếu kém; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp.
Chưa hài lòng với cách giải thích của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, tính từ Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, ông nhận thấy ngành Thanh tra Chính phủ thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả.
Tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra 3 vụ việc cụ thể mà ông theo dõi trong thời gian qua cho thấy Thanh tra Chính phủ không quan tâm giải quyết. Trong đó, đại biểu đề cập đến dự án làm bến xe ở Hải Phòng theo hình thức xã hội hóa, nhưng thành phố này lờ đi không thực hiện trong nhiều năm qua.
"Doanh nghiệp đã lên tận cơ quan tiếp công dân kêu cứu nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết, cũng không đôn đốc không giải quyết gì. Cho nên doanh nghiệp hiện nay rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn", ông Lưu Bình Nhưỡng thông tin.
Vụ thứ 2, là tố cáo tham nhũng cổ phần hòa của Tổng Công ty vận tải thủy thuộc Bộ GTVT. Nhưng vụ việc cũng không được Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết. Tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn không hiểu ngành thanh tra sẽ "ngâm" vụ việc này đến bao giờ?
"Vụ thứ 3 là vụ Đồng Tâm... Từ vụ việc bà con bức xúc quá và chuyện giải quyết tiếp dân không đến nơi đến chốn mà người ta quây lại giữ 38 con tin", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập đến vụ Đồng Tâm
Tại hội trường, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng băn khoăn sau khi xảy ra vụ việc, bản thân cán bộ phụ trách lực lượng cảnh sát Hà Nội không chủ động giải quyết mà phải Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đối thoại với dân giải cứu các chiến sĩ cảnh sát cơ động.
Sau khi xảy ra vụ việc, Thanh tra TP Hà Nội đã ra quyết định thanh tra đất đai Sân bay Miếu Môn. "Tôi đã có ý kiến của với Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng an ninh, không thuộc diện là đất của Hà Nội nhưng tôi chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này", ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, với vụ việc đất đai ở Đồng Tâm, lẽ ra Thanh tra Chính phủ phải tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo giải quyết. Từ những phân tích trên, ông Nhưỡng đánh giá nguyên nhân có lỗi hệ thống của ngành thanh tra.
Tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, thông tin đại biểu Nhưỡng đưa ra trong vụ việc Đồng Tâm là "sai sự thật". Vì là buổi truyền hình trực tiếp, nên đại biểu Phương đề nghị đại biểu Nhưỡng "rút lại lời nói của mình".
Sau khi đại biểu Phương đề nghị, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nhiều lần giơ bảng xin tranh luận lại. Giữa phần phát biểu của các đại biểu, người điều hành phiên họp - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - cho biết vì thời gian còn lại của buổi chiều không nhiều nên chỉ dành cho các đại biểu phát biểu.
Quang Phong
heo Dantri
Đại biểu Quốc hội chia sẻ cảm xúc khi về Đồng Tâm nghe đối thoại Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội là người tham gia trong đoàn công tác của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung về xã Đồng Tâm, Mỹ Đức đối thoại với dân hôm 22.4. Ông đã chia sẻ cảm xúc sau buổi đối thoại....