Tổng Kiểm toán yêu cầu rà soát cán bộ có dấu hiệu vòi vĩnh, tham nhũng
Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc yêu cầu rà soát, đánh giá và báo cáo kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên không đủ phẩm chất đạo đức, có dấu hiệu hoặc có dự luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, “või vĩnh”, “chung chi”.
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc vừa ra công điện khẩn về việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động kiểm toán.
Theo Tổng kiểm toán, thời gian qua, các đơn vị được giao chủ trì cuộc kiểm toán đã bám sát các chỉ đạo, có nhiều nỗ lực, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả và chất lượng kiểm toán.
Công điện này được thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về việc rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và Công điện hỏa tốc của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ, để tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vi phạm trong thực thi công vụ và tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
Video đang HOT
Trên cơ sở đó, Tổng KTNN yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng, chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chất lượng kiểm toán đối với các Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước, đặc biệt là các lĩnh vực kiểm toán, như: lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kiểm toán thuế… trong việc chấp hành những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; lựa chọn bố trí cán bộ, công chức, kiểm toán viên có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí kiểm toán, nhất là đối với các Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán.
Tổng KTNN cũng yêu cầu rà soát, đánh giá và báo cáo kịp thời Ban cán sự Đảng KTNN, Tổng KTNN những cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên không đủ phẩm chất đạo đức, có dấu hiệu hoặc có dự luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, “või vĩnh”, “chung chi”, gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi, phục vụ động cơ cá nhân, hoặc bỏ sót, cố tình làm sai lệch hoặc giảm bớt kết quả kiểm toán… để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức, viên chức, kiểm toán viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật.
Thanh tra KTNN, Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong toàn ngành rà soát, tham mưu kịp thời Tổng KTNN các quy trình, quy chế hoạt động các đoàn kiểm toán, đoàn thanh tra nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, không để sơ hở tạo điều kiện thực hiện các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quá trình hoạt động của KTNN.
Tiếp tục quán triệt và yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thực hiện nghiêm các công điện, chỉ thị và chỉ đạo của Tổng KTNN trong mọi hoạt động của đơn vị, nhất là hoạt động kiểm toán; tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
“Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo ngay Tổng KTNN và lập thủ tục chuyển cho cơ quan điều tra, không được có hành vi che giấu vi phạm; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng KTNN nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý. Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán và Tổ trưởng Tổ kiểm toán có trách nhiệm quản lý hoạt động kiểm toán của kiểm toán viên, nếu xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm kỷ luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)
Chuyển ngay các vụ vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành công điện về việc chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra thông qua hoạt động kiểm toán.
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý
Theo ông Phớc, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán đã đạt những kết quả nổi bật, được dư luận ủng hộ, đánh giá cao, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính, tham nhũng.
Kết quả kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý ngày càng lớn cả về tài chính và hoàn thiện cơ chế, chính sách: Kiến nghị xử lý tài chính năm 2016 là 38.776 tỷ đồng, năm 2017 là 91.322 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2018 là 56.009 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản pháp luật nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách năm 2016 là 150 văn bản, năm 2017 là 159 văn bản và 9 tháng đầu năm 2018 là 41 văn bản.
Bên cạnh đó, KTNN đã có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt đã chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự sang cơ quan điều tra. Trong 9 tháng đầu năm 2018 chuyển 4 vụ việc và cung cấp 103 báo cáo kiểm toán cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, tòa án, cơ quan điều tra...
Tuy nhiên theo Tổng KTNN, công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN vẫn còn hạn chế, số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển sang cơ quan điều tra còn ít, một số đoàn kiểm toán, tổ Kiểm toán, kiểm toán viên chưa thực sự chủ động, thiếu kiên quyết trong việc đấu tranh, phát hiện và củng cố bằng chứng kiểm toán về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển cơ quan điều tra.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Nghiêm cấm các Đoàn Kiểm toán, Tổ Kiểm toán giữ lại hoặc kiến nghị xử lý nội bộ. Tuyệt đối không được có hành vi che dấu vi phạm pháp luật.
Tổng KTNN cũng yêu cầu thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng KTNN nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình né tránh, thiếu kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán...
Trước đó tại diễn đàn Quốc hội, báo cáo thẩm tra công tác PCTN năm 2018 của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc kiến nghị xử lý hình sự qua hoạt động thanh tra, kiểm toán còn ít. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Những hạn chế trong việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác kiểm toán đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.
LUÂN DŨNG
Theo TPO
Chủ nhiệm Lê Thị Nga hồi âm "đòi" đánh giá công bằng của Tổng Kiểm toán Uỷ ban Tư pháp đã cân nhắc thận trọng, đánh giá khách quan cả mặt tích cực và hạn chế, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga ... Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga hồi âm Tổng kiểm toán. Uỷ ban Tư pháp cân nhắc thận trọng, đánh giá khách quan cả mặt tích cực và hạn...