Tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng
Phó Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết chiến lược quốc gia và Kế hoạch thực thi UNCAC phải bảo đảm toàn diện và sâu sắc.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) nhằm đánh giá toàn diện việc tổ chức triển khai thực hiện; đánh giá mức độ đạt được mục tiêu; việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong chiến lược quốc gia và Kế hoạch thực thi UNCAC trên phạm vi cả nước kể từ khi ban hành chiến lược quốc gia đến nay; làm rõ những kết quả đạt được, ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; từ đó kiến nghị các nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện cho giai đoạn 2020 – 2030 đạt hiệu quả cao.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc tổng kết chiến lược quốc gia và Kế hoạch thực thi UNCAC phải bảo đảm toàn diện và sâu sắc; trên cơ sở đánh giá cụ thể kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống tham nhũng tại Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; tập trung đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng chống tham nhũng đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ), đồng thời rà soát, đánh giá phù hợp, tương thích pháp luật Việt Nam đối với Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Nội dung tổng kết gồm: Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; việc thực hiện các nhóm giải pháp; việc nội luật hóa, thực thi Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) và công tác hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng; đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của chiến lược quốc gia trong công tác phòng chống tham nhũng; đánh giá việc thực hiện UNCAC; nguyên nhân của những hạn chế, bất cập…
Thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn là thành viên Ban Chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thành viên Ban tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng
Theo đó, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tổ công tác liên ngành xây dựng Kế hoạch tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng và ban hành Kế hoạch; Phân công các thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng trong phạm vi các bộ, ngành, lĩnh vực mình quản lý và theo sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Tổ công tác liên ngành tổng hợp kết quả tổng kết thực hiện tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng trong phạm vi toàn quốc; Chỉ đạo xâỵ dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo tổng kết và kế hoạch tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban gồm các đồng chí: Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ (Thường trực); Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an.
Các thành viên Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí: Nguyễn Minh Quang, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Thị Phương Hoa, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
"Chưa nhiệm kỳ nào chống tham nhũng quyết liệt, hiệu quả như thế" Phòng, chống tham nhũng phải tiến hành liên tục, "không ngừng," "không nghỉ". Điều này được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhiều lần và kết quả năm 2020 tiếp tục khẳng định quyết tâm trên, cho thấy "nói đi đôi với làm". Covid-19 với sự ảnh hưởng toàn diện và mang tính lịch sử đã và đang...