Tổng hợp COVID-19: Nỗ lực kiểm soátdịch bệnh, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến ngày 4/9/2021, cả nước đã ghi nhận hơn 508.000 ca mắc, trong đó 279.699 người đã khỏi bệnh, 12.758 ca tử vong.
10/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 6 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì làm việc với các địa phương và 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.
Tính từ 17 giờ ngày 4/9 đến 17 giờ ngày 5/9, cả nước ghi nhận 13.137 ca F0, trong đó 36 ca nhập cảnh và 13.101 ca trong nước. Giai đoạn giãn cách xã hội và tăng cường thực hiện giãn cách xã hội từ 22/8 – 4/9/2021 tại 23 địa phương đã ghi nhận 160.592 ca mắc. Số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng do đang thực hiện đợt cao điểm xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. So với 1 tuần trước, 7/23 địa phương có số mắc mới trong tuần tăng; 16 địa phương ghi nhận số mắc giảm so với tuần trước, trong đó, 8 tỉnh có tỷ lệ nhiễm tại cộng đồng giảm liên tục trong 14 ngày qua.
Lấy xã, phường làm pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo Quốc gia với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 nhấn mạnh: Cuộc họp này lấy trọng tâm bàn việc phòng, chống dịch tại xã phường, thị trấn, thực hiện chủ trương “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ” trong phòng, chống dịch.
Xã, phường có đầy đủ hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị xã hội; là cấp hành chính gần dân nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất và trực tiếp với dân. Người dân là chiến sĩ trong phòng, chống dịch bởi người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng chống dịch, với quan điểm “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đặt câu hỏi, chất vấn, kiểm tra tình hình, công tác phòng, chống dịch tại cơ sở, trong đó khi thực hiện chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ”, xã, phường phải làm những việc gì, người dân phải làm những việc gì… Đồng thời, Thủ tướng nhắc nhở, chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp, công việc mà các xã, phường, thị trấn phải thực hiện ngay nhằm phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã phát biểu sôi nổi đánh giá về việc thực hiện phòng, chống dịch theo nội dung tại Công điện số 1099 và Công điện số 1102 của Thủ tướng Chính phủ; việc chuyển trọng tâm “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”; kết quả, hạn chế trong phòng, chống dịch, nguyên nhân của những hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan; các biện pháp, bài học đã tích lũy được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; kiểm điểm công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong phòng, chống dịch; những đề xuất, kiến nghị để công tác phòng, chống dịch…
Chủ trương phòng, chống dịch theo quan điểm “xã, phường là pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ” như hiện nay là đúng hướng, các biện pháp đang thực hiện được triển khai đồng bộ; cả hệ thống chính trị và toàn dân ủng hộ, hưởng ứng; các bộ, ngành, lực lượng, địa phương phối hợp ngày một nhịp nhàng, hiệu quả…
Do đó, cần tiếp tục bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt, sáng tạo, căn cứ tình hình thực tế từng địa bàn, từng thời điểm… để phòng, chống dịch hiệu quả hơn; quyết tâm kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh. Sau khi nghe các ý kiến, nắm bắt tình hình phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố, các quận, huyện và xã, phường, thị trấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu kết luận và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
Thủ tướng ghi nhận, thấu hiểu và biểu dương sự cố gắng, đoàn kết, thống nhất của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; cán bộ, nhân dân các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, nhất là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an, tình nguyện viên… đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vượt qua khó khăn, vất vả để phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng cho rằng, qua đây cho thấy truyền thống đoàn kết, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều của dân tộc được khơi dậy, phát huy, nhân lên, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phòng, chống dịch bệnh. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, những kết quả trong phòng chống dịch cho thấy chủ trương “lấy xã, phường làm pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng chống dịch; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân” đang là chủ trương đúng.
Tuy nhiên, hiệu quả phòng, chống dịch vẫn chưa đạt kết quả cao như mong muốn. Do cách tổ chức thực hiện chưa tốt, vẫn còn một số hạn chế như: Có địa phương chưa nắm vững quan điểm chỉ đạo và cách làm trong việc lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ.
Việc nắm bắt tình hình, chuẩn bị an sinh xã hội, y tế, truyền thông tại cơ sở cục bộ ở một số địa phương chưa thực hiện tốt. Có địa phương ban hành các quy định trong phòng, chống dịch còn bất cập, nhất là quy định về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, do chưa đánh giá hết tác động và chưa làm tốt công tác truyền thông. Có xã, phường, thị trấn có lúc chưa thực hiện nghiêm các quy định, khi thực hiện giãn cách xã hội còn tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Một số địa phương đưa ra được mục tiêu, lộ trình cụ thể, rõ ràng. Một số người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh để tham gia phòng, chống dịch nghiêm túc. Công tác chỉ đạo, chỉ huy có nơi còn chậm, thiếu quy chế. An ninh, trật tự, nhất là tại các khu công nghiệp, tập trung đông lao động còn tiềm ẩn bất ổn. An ninh mạng thông tin có nhiều phức tạp. Tình trạng gian lận thương mại, nhất là lợi dụng vận chuyển hàng hóa, thậm chí buôn bán thuốc giả xuất hiện…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nếu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đời sống nhân dân sẽ khó khăn; doanh nghiệp đình trệ sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy…
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo chống dịch như chống giặc; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sỹ; người dân vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện; chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Video đang HOT
Các địa phương phải thực hiện triệt để 5 nhiệm vụ chủ yếu: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; Tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”, cùng với hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch tích cực, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ các địa phương phối hợp với các ngành, nhất là ngành Y tế thực hiện thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn. Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị, đảm bảo đủ máy thở, ô xy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong. Thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động.
Khẩn trương tổ chức tiêm vaccine ngay khi được phân bổ; tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao, chú ý về vaccine cho trẻ em. Tổ quản lý, chăm sóc tại nhà ở một số địa phương thực hiện điều trị F0 tại nhà.
Nhiều F0 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Thới Hòa ( thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã khỏi bệnh, được xuất viện trở về nhà trong ngày 5/9. Ảnh: TTXVN.
Về vấn đề vaccine, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định chiến lược vaccine là hết sức quan trọng. Do đó, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng và các cấp, ngành, đơn vị hết sức nỗ lực, trong đó có thực hiện chiến dịch ngoại giao vaccine. Riêng Thủ tướng đã tiếp xúc, điện đàm, gửi thư tới hàng chục lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới để có vaccine sớm nhất, nhiều nhất tiêm phòng cho nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp tiếp tục thực hiện có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trong công nhân, an ninh thông tin, an ninh mạng; phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh các loại tội phạm lợi dụng hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp; bảo đảm môi trường lành mạnh cho an sinh, an dân…
Truy tặng Huân chương cho hai nhân viên y tế
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa ký các Quyết định số 1543/Q-CTN, số 1544/Q-CTN truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho bà Trần Thị Phương Hằng, nguyên Điều dưỡng (hạng IV), Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và ông Trịnh Hữu Nhẫn, bác sĩ (hạng III), nguyên Trưởng trạm Trạm Y tế xã Phước Lộc, Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Tước chứng chỉ hành nghề đối với người không thực hiện nhiệm vụ phân công
Văn bản về việc tăng cường quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước do Bộ Y tế vừa ban hành cho biết, qua các đợt kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của một số tỉnh, thành phố có hiện tượng người hành nghề tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công.
Để khắc phục tình trạng này, bảo đảm nhân lực thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và khám bệnh chữa bệnh thường quy, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (cả cơ sở công lập và tư nhân) bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định về quản lý người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị, xây dựng phương án, kế hoạch bố trí nhân lực phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế để dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế, gây ảnh hưởng đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm.
Chiến sĩ và dân quân chuẩn bị các suất ăn để chuyển đến khu cách ly. Ảnh: TTXVN.
Thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm tử vong do COVID-19
Bộ Y tế đã có Công điện số 1323/CĐ-BYT gửi UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về việc quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19 tại các địa phương trên.
Công điện nêu rõ, trong thời gian qua, với sự quyết liệt của hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cùng sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, hy sinh quên mình của đội ngũ y, bác sỹ…, tình hình tử vong do COVID-19 trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến.
Tuy nhiên, việc giảm tử vong còn chậm. Thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với mục tiêu hàng đầu giảm tử vong do COVID-19, Bộ Y tế – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ phận thường trực của Bộ Y tế ở phía Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo, bám sát tình hình, đề xuất các giải pháp. Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung tăng cường hiệu quả công tác điều trị.
Theo đó, các địa phương cần tiếp tục rà soát phương án thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 để khẩn trương, chủ động thiết lập, bổ sung, đầu tư và sẵn sàng hoạt động trong thời gian nhanh nhất các cơ sở thu dung, điều trị theo mô hình tháp 3 tầng theo hướng dẫn tại Quyết định 4111/QĐ-BYT ngày 26/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Các địa phương huy động tối đa các cơ sở hiện có tại địa phương của nhà nước và tư nhân để lên phương án thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Ưu tiên, thiết lập từ những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẵn có để chuyển đổi công năng thành cơ sở điều trị COVID-19 tầng 2, tầng 3 của mô hình tháp 3 tầng. Các địa phương phát huy, nâng cao vai trò của trạm y tế xã, phường, thị trấn và thành lập các Trạm Y tế lưu động, Tổ cộng đồng để triển khai quản lý, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà nếu vượt quá năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở địa phương.
Củng cố, kiện toàn và điều phối hiệu quả hoạt động hệ thống cấp cứu 115, xe vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến cơ sở thu dung, điều trị và giữa các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, các địa phương bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu, hồi sức tích cực, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo các phương án bảo đảm công tác y tế, đặc biệt chuẩn bị cho tình huống xấu, nghiêm trọng xảy ra trong thời gian sớm nhất.
Chuẩn bị kịp thời các gói an sinh, gói thuốc điều trị ngoại trú khi triển khai điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Phân công UBND quận, huyện có trách nhiệm quản lý, hỗ trợ kịp thời các ca F0 trên địa bàn và theo dõi sát sao kết quả thực hiện việc chăm sóc, điều trị F0 tại nhà…
Người dân phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương được tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm, ngày 5/9. Ảnh: TTXVN.
Năm địa phương hoàn thành tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 trước ngày 15/9
Bộ Y tế vừa có Công điện số 1316/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai yêu cầu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Công điện của Bộ Y tế cho biết đã ưu tiên phân bổ vaccine cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai để triển khai tiêm chủng chống dịch. Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và Bình Dương đã được phân bổ số vaccine đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19.
Theo đó, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế và hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước 15/9/2021; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Thành phố Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao.
Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo ba vùng đỏ – cam – xanh từ ngày 6-21/9
UBND TP Hà Nội chính thức công bố 10 quận nội thành và một phần địa bàn của 5 quận huyện ven đô thuộc “phân vùng 1″ – vùng đỏ; 5 quận huyện thuộc “phân vùng 2″ – vùng cam; 10 quận huyện thuộc “phân vùng 3″- vùng xanh…
Theo UBND TP Hà Nội, sau 3 đợt giãn cách và qua nhiều đợt xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng, có thể thấy dịch bệnh tập trung ở các quận nội thành và có sự lây lan mạnh, trong khi các quận, huyện khác đã giảm nguy cơ. Tuy nhiên, việc nới lỏng giãn cách theo địa giới hành chính trong khu vực mật độ dân cư cao là khó khả thi.
Để không phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, giảm áp lực an sinh, sản xuất và áp lực lên hệ thống chính quyền các cấp, TP Hà Nội quyết định các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý – dân cư – sinh hoạt – sản xuất. Hà Nội thực hiện phân theo “3 vùng” trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý để tăng cường công tác phòng chống dịch; đảm bảo sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.
Thời gian thực hiện từ 6 giờ ngày 6/9/2021 đến 6 giờ ngày 21/9/2021. Cụ thể như sau:
Cán bộ, chiến sĩ CSGT gấp rút hoàn thành thủ tục cấp giấy đi đường cho người dân. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN.
Phân vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là vùng đỏ, nhiều đối tượng nguy cơ cao, gồm 15 đơn vị hành chính bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tin. Về giao thông kết nối vùng 2, vùng 3 có 53 đường qua sông, kênh; trong đó đóng cứng 30 đường kết nối không thuận lợi cho giao thông và lập chốt kiểm soát tại 23 vị trí. Lực lượng liên ngành tham gia chốt do Công an Thành phố chủ trì phối hợp các lực lượng quân đội, thanh tra giao thông, y tế, chính quyền địa phương; thực hiện trực 24/24 giờ.
Cơ chế vận hành, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ” và “vùng cam.”
Phân vùng 2 là phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh. Ở phân vùng 2 này sẽ đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn, có thể chia thành phân khu trong phân vùng để tổ chức thực hiện đảm bảo “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” trong vùng 2 cho các Khu công nghiệp lớn vận hành thuận lợi.
Cơ chế vận hành, tại khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” điều chỉnh theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng cho phù hợp với cơ chế vận hành các khu vực đô thị, sản xuất công nghiệp theo mô hình mỗi cơ sở sản xuất là một pháo đài chống dịch hỗ trợ khu vực “vùng 1″.
Phân vùng 3 là vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy. Cụ thể gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện của phân vùng 1 với Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.
Cơ chế vận hành, theo đặc điểm từng phân khu về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo từng phân khu trong vùng về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp hỗ trợ khu vực “vùng 1″ bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.
Về cơ chế vận hành liên phân vùng, UBND TP Hà Nội cho biết, mục tiêu là siết chặt phân vùng 1; kiểm soát luồng ra khỏi phân vùng 1 sang phân vùng 2 và phân vùng 3. Đồng thời, đảm bảo chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng liên phân vùng để không đứt gẫy sản xuất và tiêu thụ thông qua xét nghiệm thường xuyên theo cơ chế kết hợp công – tư.
Đặc biệt, giảm thiểu tối đa người di chuyển liên vùng, kiểm soát chặt chẽ và chia sẻ áp lực chi phí xét nghiệm (test nhanh kháng nguyên, RT-PCR) khi có nhu cầu di chuyển liên vùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện, thị xã quyết định việc phòng chống dịch bệnh, tổ chức hoạt động sản xuất cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh tại phân vùng 2, phân vùng 3.
Thêm 3.540 ca mắc mới, Bình Dương đưa thêm bệnh viện 1.580 giường vào điều trị
Tối 5/9, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin, trong ngày 5/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 3.540 ca mắc mới COVID-19.
Số ca đã tăng trở lại hơn 42% so với ngày 4/9. Nguyên nhân tăng cho thấy trong khu phong tỏa và cộng đồng vẫn còn nhiều ca mắc COVID-19 mới.
Khu điều trị dã chiến Thới Hòa (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Văn Hướng/TTXVN
Cụ thể, số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa với 2.774 ca (chiếm 78,3); 530 ca qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, chiếm 15%; 223 ca qua kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời, chiếm 6,3% và 13 ca tại cơ sở y tế (chiếm 0,4%).
Thành phố Thuận An vẫn là điểm nóng, ghi nhận thêm 867 ca trong ngày 5/9; tiếp đến là thị xã Tân Uyên 810 ca, thị xã Bến Cát 712 ca, thành phố Dĩ An 704 ca và thành phố Thủ Dầu Một 286 ca...
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 132.433 ca mắc COVID-19; 1.097 bệnh nhân tử vong.
Từ ngày 6/9, tỉnh Bình Dương cho phép nới lỏng giãn cách xã hội đối với 4 huyện đã thiết lập được "vùng xanh" gồm huyện Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Theo đó, các địa phương trên còn áp dụng Chỉ thị 15 tăng cường, hạn chế tụ tập đông người.
Trước việc ghi nhận hàng nghìn ca mắc COVID-19 mới, ngày 5/9, tỉnh Bình Dương tiếp tục đưa vào vận hành thêm Bệnh viện dã chiến số 5 có quy mô 1.580 giường. Bệnh viện do các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ triển khai xây dựng đặt tại đường số 1, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, thành phố Thủ Dầu Một. Đây là công trình Bệnh viện dã chiến được tận dụng khu nhà máy sản xuất rộng hàng chục nghìn mét vuông thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt Liên Châu để triển khai với quy mô lớn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng biểu dương thành phố Thủ Dầu Một đã nỗ lực trong thời gian ngắn cùng các đơn vị hỗ trợ lắp đặt xong Bệnh viện dã chiến số 5 kịp thời đưa vào sử dụng. Việc đưa Bệnh viện này vào hoạt động đã đáp ứng cho công tác cách ly, chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân theo đúng quy trình, hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm sức khỏe, an toàn cao nhất cho bệnh nhân và cán bộ, nhân viên làm việc tại đây.
Như vậy, đến nay, tỉnh Bình Dương đã thành lập được 7 bệnh viện dã chiến với hơn 20.000 giường bệnh, nhiệm vụ thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 gồm cả 3 tầng. Trong đó, phần lớn các bệnh viện dã chiến phục vụ điều trị bệnh nhân F0 thuộc diện tầng 1, tầng 2 điều trị bệnh nhân với triệu chứng nhẹ hơn.
Hiện các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn tỉnh điều trị 51.957 bệnh nhân. Trong ngày 5/9, Bình Dương có thêm 3.206 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 lên 75.885 người.
QP Group chủ động hỗ trợ Bình Dương xây khu điều trị dã chiến 10.000m2 Trước diễn biến số ca F0 tăng nhanh, gây áp lực thiếu giường bệnh và khu cách ly, doanh nghiệp đã chủ động liên hệ và hỗ trợ Nhà nước gấp rút xây thêm bệnh viện dã chiến tại Bình Dương. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương tặng hoa cảm ơn chủ đầu tư đã tài trợ xây dựng khu điều trị dã...