Tổng giám đốc IMF cảnh báo Hy Lạp về nợ
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế ( IMF) và Bộ trưởng Tài chính Đức vừa đồng cảnh báo Hy Lạp về vấn đề nợ. ‘Chưa từng thấy một nền kinh tế tiên tiến nào đòi hỏi cho việc hoãn chi trả nợ’, bà Christine Lagarde nói.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde – Ảnh: Reuters
Hãng tin Bloomberg và BBC ngày 16.4 dẫn lời Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết IMF sẽ không chấp thuận cho Hy Lạp hoãn hoặc không trả nợ cho các chủ nợ, đóng cửa hi vọng của Athens trong việc kéo dài thời gian hoàn nợ vì khó khăn tài chính.
“Chúng tôi chưa từng thấy một nền kinh tế tiên tiến nào thật sự đòi hỏi cho việc hoãn chi trả”, bà Lagarde nói trong một cuộc phỏng vấn diễn ra ở Washington với kênh Bloomberg. “Tôi rất mong rằng Hy Lạp không vướng phải điều đó. Riêng tôi, tôi sẽ không bao giờ chấp nhận”, nữ tướng của IMF nói tiếp.
Bà Lagarde cũng cho biết IMF chưa từng chấp thuận cho nước nào hoãn chi trả nợ trong vòng 30 năm qua.
Video đang HOT
Trước đó, các quan chức Athens nói với các chủ nợ hồi đầu tháng này rằng họ có thể sẽ cạn kiệt tiền và không trả được nợ cho IMF, song cuối cùng họ cũng trả được nợ và mọi việc ổn thỏa.
Tháng tới, Athens phải trả được 1,06 tỉ USD cho IMF. Không trả được số tiền này, Hy Lạp sẽ đứng chung nhóm với các nước cũng đang nợ IMF bao gồm Zimbabwe, Somalia và Sudan.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cùng ngày cũng lên tiếng tại Washington, cho rằng Hy Lạp rất khó tìm được chủ nợ nào khác ngoài Liên minh châu Âu (EU) và IMF. Bắc Kinh hay Moscow có khả năng giúp đỡ Athens, nhưng điều này vẫn rất khó khăn.
Nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp là một trong những vấn đề được đưa ra trong chương trình nghị sự về triển vọng nền kinh tế toàn cầu với sự tham gia của IMF và Ngân hàng thế giới (WB) diễn ra trong tuần này ở Washington (Mỹ).
Hôm 16.4, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis tiếp tục đưa ra cam kết rằng “cuộc đàm phán này (giữa Hy Lạp với chủ nợ – PV) sẽ thành công”. Ông cũng cho biết Athens không “đùa giỡn” trước lối ra ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s vừa hạ mức xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp xuống CCC hôm 15.4. Chi phí đi vay của nước này cũng vừa tăng 3,5 điểm phần trăm lên 27%.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
"Ngòi nổ" trong hệ thống tài chính
Hơn 7 năm trôi qua từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ "kích nổ" cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trầm trọng nhất trong 7 thập kỷ qua, hệ thống tài chính toàn cầu hiện vẫn đứng trước không ít nguy cơ đe dọa.
Sự phục hồi yếu và không ổn định của nền kinh tế toàn cầu đang đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu
Trong báo cáo "Ổn định Tài chính toàn cầu" công bố ngày 15-4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi yếu và không ổn định, các nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính càng trở nên khó đánh giá và khó giải quyết hơn. Cảnh báo này được IMF đưa ra ngay trước thềm Hội nghị mùa Xuân của tổ chức này và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra trong hai ngày 17 và 18-4 tại Washington (Mỹ).
Lên tiếng với báo giới trước thềm hội nghị thường niên quan trọng nhất của 2 định chế tài chính lớn nhất thế giới, Giám đốc bộ phận thị trường vốn của IMF Jose Vinals cho rằng, trong 6 tháng qua, tăng trưởng không đồng đều và các chính sách tiền tệ là hai nhân tố làm gia tăng căng thẳng tại các thị trường tài chính toàn cầu, kéo theo những biến động về tỷ giá hối đoái và tỷ lệ lãi suất. Trong khi đó, các nguy cơ đe dọa hệ thống tài chính cũng gia tăng, bắt rễ vào hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính nhỏ, đe dọa khả năng thanh toán và tính thanh khoản của thị trường, tác động tiêu cực tới các nền kinh tế phát triển và mới nổi.
Vị đại diện của IMF cũng liệt kê ra 5 thách thức lớn mà định chế tài chính này cho rằng đang đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu. Theo đó, thách thức lớn nhất hiện nay là tăng cường sự ổn định của các chính sách tài chính của chính phủ các nước phát triển trong khi kiểm soát được những tác dụng phụ không mong muốn của việc duy trì lãi suất thấp. Bốn thách thức còn lại mà IMF cảnh báo gồm có: bảo đảm sự ổn định tại các thị trường mới nổi, giải quyết các nguy cơ địa chính trị, ngăn chặn tình trạng thổi phồng về tính thanh khoản của thị trường và kiểm soát tình trạng dư thừa vốn là hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ bất thường.
Trước khi đưa ra các cảnh báo trên, cả IMF và nhiều tổ chức, chuyên gia kinh tế-tài chính thế giới cũng đã tỏ ra lo ngại trước việc hệ thống tài chính toàn cầu vẫn chưa thực sự vững chắc sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng năm 2007 vốn mở đường cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu ngay sau đó. Trong đó, 2 mối đe dọa lớn nhất là tăng trưởng kiểu "phập phù" không ổn định và chính sách lãi suất của các cường quốc, trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới, đặc biệt là Mỹ.
Ngay trước thềm cuộc họp mùa Xuân của IMF-WB, Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde ngày 9-4 cho rằng, tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2014 ở mức khiêm tốn 3,4% không đủ để "chữa lành những tổn thương" do cuộc Đại suy thoái kinh tế 2007-2009 gây ra và điều này khiến kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nguy cơ tăng trưởng thấp trong dài hạn cùng hàng loạt thách thức lớn. Cùng lúc đó, việc Mỹ đang cân nhắc khả năng tăng lãi suất vốn duy trì ở mức 0% suốt từ tháng 12-2008 tới nay sẽ tác động tiêu cực, có thể gây rối loạn trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Bởi thế, làm thế nào để những mối đe dọa tiềm tàng không trở thành "ngòi nổ" trong hệ thống tài chính toàn cầu sẽ được đặt ra với các quan chức, nhà hoạch định chính sách của các quốc gia trong Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF-WB năm nay.
Theo_An ninh thủ đô
Nga sẵn sàng đối thoại với Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ Theo Kyodo, ngày 16/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay ông sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai nước theo Tuyên bố chung Nhật-Xô năm 1956. Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: TTXVN) Phát biểu với các phóng viên sau cuộc trả lời trực tuyến...