Tổng công ty Phát điện 1 xin cơ chế Thủ tướng giải quyết vướng mắc khi cổ phần hoá
Genco1 kiến nghị Thủ tướng có cơ chế để thuê các tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia tư vấn cổ phần hoá, quy định cụ thể về nhà đầu tư chiến lược, sự cần thiết và chi phí thuê tư vấn nước ngoài…
(Ảnh minh hoạ).
Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) vừa có báo cáo gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về công tác cổ phần hoá Công ty mẹ – Tổng công ty Phát điện 1 (EVN Genco1).
Tại ông văn này, Genco1 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thời điểm cổ phần hoá sau khi đã hoàn thành quá trình xử lý tài chính. Đáng lưu ý, Genco1 kiến nghị Thủ tướng có cơ chế để thuê các tổ chức tư vấn nước ngoài tham gia tư vấn cổ phần hoá, quy định cụ thể về nhà đầu tư chiến lược, sự cần thiết và chi phí thuê tư vấn nước ngoài…
Đến thời điểm báo cáo, Genco1 đã hoàn thành nhiều bước trong quy trình cổ phần hoá. Theo phê duyệt từ Bộ Công Thương, dự toán chi phí cổ phần hoá cho Tổng công ty này là hơn 14,6 tỷ đồng.
Về lựa chọn nhà tư vấn, Genco1 cho biết, mặc dù thực hiện đấu thầu rộng rãi những các công ty tư vấn tài chính quốc tế có mặt ở Việt Nam (như KPMG, PwC, Ernst&Young) không đủ điều kiện tham gia do không nằm trong danh sách các tổ chức tư vấn định giá do Bộ Tài chính công bố.
Video đang HOT
Ngoài ra, việc cổ phần hoá Genco1 còn gặp phải một số vướng mắc liên quan tới việc xử lý tài chính khi xác định giá trị doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Genco1 kiến nghị loại toàn bộ tài sản cố định thuộc Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí 110MW khi tính giá trị doanh nghiệp và thực hiện chuyển về Công ty mẹ – EVN. Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã dừng phát điện từ ngày 1/1/2015 và sẽ chấm dứt hoạt động từ đầu năm 2017 tới đây.
Genco1 cũng kiến nghị về xử lý tài sản cố định nằm trên diện tích đất sẽ trả lại cho Quảng Ninh. Tại thời điểm 1/1/2016, tài sản cố định nằm trên diện tích đất bao gồm 4 khu nhà tập thể và một số tài sản trên đất khác. Trong đó, khu nhà tập thể được xây dựng từ những năm 1966-1974, nay đã xuống cấp, mặc dù được cải tạo nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu tiếp tục sử dụng.
Do không có nhu cầu sử dụng, Genco1 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc bàn giao đất cho địa phương. Tổng Công ty cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép loại những tài sản cố định trên diện tích đất sẽ trả lại địa phương, không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.
Phương Dung
Theo Dantri
"Tiếng kêu với ngành điện đã ít đi rất nhiều"
Đây là ghi nhận của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà tại phiên làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo đó, EVN đã có những chuyển biến mạnh mẽ về kết quả sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ, dù còn nhiều vấn đề nhưng nhìn chung "tiếng kêu với ngành điện đã ít đi rất nhiều".
Ngày 15/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao. Đây là tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu tiên được Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra.
Trụ sở của EVN tại phố Cửa Bắc, Hà Nội.
Trao đổi tại phiên làm việc, Trưởng đoàn công tác - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Lê Mạnh Hà đã yêu cầu EVN báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, nêu rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan nếu có những chậm trễ.
Ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN cho hay, tính từ năm 2015 tới ngày 10/9/2016, EVN đã được Thủ tướng, Chính phủ giao 658 nhiệm vụ (bao gồm cả những nhiệm vụ giao cho EVN thông qua các Bộ ngành như Bộ Công Thương). Trong đó đã hoàn thành 619 nhiệm vụ, còn 39 nhiệm vụ đang thực hiện. Đặc biệt, EVN khẳng định không có bất kỳ nhiệm vụ nào quá hạn.
Mặc dù vậy, theo Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi liên thông từ Văn phòng Chính phủ đến các bộ, cơ quan, địa phương, trong năm 2015, Chính phủ, Thủ tướng đã trực tiếp giao 25 nhiệm vụ cho EVN thì có 11 nhiệm vụ đã hoàn thành, 8 nhiệm vụ chưa thực hiện nhưng còn trong hạn, 6 nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành. Năm 2016, tính tới ngày 10/9, tổng số nhiệm vụ là 16, trong đó 8 nhiệm vụ đã hoàn thành với 7 nhiệm vụ trong hạn, 1 nhiệm vụ quá hạn.
Báo cáo giải trình rõ về 6 nhiệm vụ trong năm 2015 được ghi nhận là đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành, ông Đặng Hoàng An cho biết, gồm nhiệm vụ xây dựng đề án đưa các nhà máy thủy điện đa mục tiêu tham gia phát điện cạnh tranh, việc đổi mới cơ chế Đại học Điện lực, vấn đề phát triển lưới điện thông minh... Theo đó, EVN đã hoàn thành phần việc của mình, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền khác xử lý.
Đánh giá khái quát, EVN cho biết, trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao là thực hiện vai trò chính trong việc bảo đảm cung cấp điện cho đất nước. Đáng chú ý, về tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất kinh doanh, đến hết 2015 đã hoàn thành thoái vốn, giảm vốn tại 7 công ty cổ phần, đạt 100% giá trị vốn cần phải thoái giảm trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bảo toàn được giá trị vốn.
Về cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19 của Chính phủ, EVN đã rút ngắn thời gian giải quyết cấp điện cho khách hàng trung áp từ 50 ngày trước đây xuống còn 10 ngày kể từ 1/9/2015. Theo đánh giá độc lập, các khách hàng ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt về dịch vụ cấp điện và thái độ phục vụ của nhân viên điện lực.
Ghi nhận giải trình của EVN về những nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành - mặc dù còn phải rà soát lại kỹ lưỡng hơn, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà cho rằng, EVN đã thực hiện đầy đủ số lượng, đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao.
Ông thống nhất với các ý kiến trong đoàn kiểm tra ghi nhận, đánh giá cao những chuyển biến mạnh mẽ của EVN về kết quả sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu, nâng cao chất lượng dịch vụ, mặc dù còn nhiều vấn đề nhưng nhìn chung "tiếng kêu với ngành điện đã ít đi rất nhiều".
Tuy nhiên, EVN cần làm rõ hơn, báo cáo thêm về chất lượng hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đồng thời nêu rõ các bài học kinh nghiệm giúp thực hiện nhanh chóng các nhiệm vụ để có thể nhân rộng.
Cũng tại buổi làm việc, EVN đã kiến nghị với Tổ công tác nhiều vấn đề, khó khăn, vướng mắc cần được chỉ đạo tháo gỡ trong thời gian tới. Chẳng hạn, hiện Tập đoàn đang "rất vướng" về việc đầu tư các dự án, công trình theo các luật mới như Đấu thầu, Đầu tư công, Xây dựng và các văn bản hướng dẫn, do trình tự thủ tục và thời gian triển khai công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài và qua nhiều cấp trình duyệt.
"Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc đề nghị Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều luật về đầu tư kinh doanh, đặc biệt là về thủ tục đầu tư xây dựng", Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết.
Bích Diệp
Theo Dantri
Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May VN Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc cổ phần hóa Trung tâm Y tế - Bệnh viện...