Tổng công tố Ai Cập từ chức
Biểu tình kêu gọi Tổng công tố Talat Ibrahim Abdullah từ chức – Ảnh: Reuters
Tổng công tố Ai Cập, ông Talat Ibrahim Abdullah đã đệ đơn từ chức lên chủ tịch Hội đồng Tư pháp tối cao vào ngày 17.12.
Đơn từ chức của Tổng công tố Abdullah được đưa ra chỉ vài giờ sau khi diễn ra một cuộc biểu tình mới của hơn 1.300 thẩm phán bên ngoài văn phòng của ông Abdullah, yêu cầu ông này từ chức, BBC đưa tin.
Ông Abdullah cùng trợ lý của mình đã bị đám đông bao vây khi rời văn phòng sau khi ông đệ đơn từ chức. Trợ lý của ông sau đó đã phải thuyết phục những người biểu tình để cho ông Abdullah ra ngoài, theo hãng thông tấn nhà nước MENA.
Việc xin từ chức của ông Abdullah sẽ được thảo luận trong phiên họp của Hội đồng Tư pháp vào ngày 23.12 tới.
Được biết, hôm 22.11, Tổng thống Mohamed Morsi đã bổ nhiệm ông Abdullah, một thành viên của Hội đồng Tư pháp, làm tổng công tố viên trong 4 năm sau khi người tiền nhiệm, ông Abdel-Maguid Mahmoud, bị sa thải.
Động thái này đã dẫn tới sự giận dữ, bất bình trong các thành viên Hội đồng Tư pháp.
Theo TNO
Biểu tình rầm rộ tại Ai Cập phản đối tuyên bố hiến pháp của tổng thống
Ngày 27/11, hàng nghìn người Ai Cập đã tuần hành đến quảng trường trung tâm Tahrir ở thủ đô Cairo, bắt đầu đợt biểu tình rầm rộ mới trên toàn quốc để phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Mohamed Morsi.
Video đang HOT
Người biểu tình tràn về thủ đô Cairo trong ngày 27/11 theo lời kêu gọi của phe đối lập.
Quyết định ban hành Hiến pháp mới của Tổng thống Morsi đang có nguy cơ đẩy quốc gia Kim Tự tháp trở lại thời kỳ bất ổn khi làn sóng biểu tình chống chính phủ ngày một dâng cao, mà đi đầu là giới luật sư và các thẩm phán.
Đây là những đối tượng chịu tác động mạnh nhất trong quyết định ban hành Hiến pháp mới của Tổng thống Morsi.
Tại thủ đô Cairo, các luật sư tiến về quảng trường Tahrir với một rừng biểu ngữ đòi chính phủ từ chức, cùng nhiều hoạt động phản đối chính phủ dân cử vừa mới được bầu lên hồi tháng 6 vừa qua.
Những người biểu tình tuyên bố sẽ bám trụ tại Tahrir cho đến khi Tổng thống hủy bỏ tuyên bố Hiến pháp, bất chấp đụng độ đã nổ ra giữa lực lượng cảnh sát với các thanh niên tham gia biểu tình.
Theo một số nguồn thạo tin, các nhà tổ chức còn lên kế hoạch chuẩn bị chi tiết cho đợt biểu tình mới, sau khi mọi tuyến giao thông đến khu vực này đều đã bị phong tỏa.
Một vài bệnh viện dã chiến đã được dựng lên tại trung tâm quảng trường, trong khi hàng chục xe cứu thương túc trực bên ngoài phòng khi có người cần cấp cứu.
Người biểu tình ném hơi cay trong cuộc đụng độ với cảnh sát.
Không chỉ ở thủ đô Cairo, biểu tình cũng nổ ra tại nhiều thành phố khác của Ai Cập.
Tại thành phố Alexandria, hàng trăm người tụ tập tại quảng trường Qaitbay hô các khẩu hiệu lên án tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng ủng hộ Tổng thống Morsi. Nhưng người biểu tình cho rằng tổ chức này đã "đánh cắp thành quả cách mạng" mà họ đã hao tốn công sức tạo dựng trong suốt thời gian diễn ra làn sóng chính biến lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubaral.
Các nhà tổ chức cho biết ngoài Qaitbay, tại Alexandria cũng có thêm hai cuộc biểu tình khác.
Biểu tình cũng nổ ra ở vùng châu thổ sông Nile và miền Trung Ai Cập.
Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Morsi vừa tiến hành cuộc gặp với các quan chức cấp cao ngành tư pháp trong nỗ lực tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.
Một thẩm phán tham dự cuộc họp cho biết hai bên đã không thể tìm được tiếng nói chung.
"Cuộc họp đã thất bại và khủng hoảng chưa thể kết thúc", người này cho biết.
Phát ngôn viên của Tổng thống Morsi thì khẳng định sẽ không có thay đổi trong tuyên bố Hiến pháp.
Khủng hoảng bùng phát tại Ai Cập sau khi Tổng thống Morsi ban hành sắc lệnh Hiến pháp, trong đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng Lập hiến hoặc Hội đồng Shura (Thượng viện), không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống ban hành kể từ ngày ông nhậm chức 30/6 cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.
Sắc lệnh đã gây nên phản ứng dữ dội từ phe đối lập Ai Cập và đặt Tổng thống Morsi vào thế đối đầu với ngành tư pháp.
Giới thẩm phán và báo chí Ai Cập đã kêu gọi đình công trên toàn quốc để phản đối ông Morsi, một diễn biến tương tự như đã từng xảy ra trong cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak hai năm trước. Theo Câu lạc bộ Thẩm phán, 99% các tòa án và cơ quan tố tụng Ai Cập đã đình công chống lại sắc lệnh của tổng thống.
Mỹ bày tỏ quan ngại
Những diễn biến ở Ai Cập đã khiến Mỹ bày tỏ quan ngại. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm thứ Hai đã điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Mohamed Kamel Amr để bàn thảo về việc Tổng thống Morsi nắm thêm quá nhiều quyền hành, đồng thời nhấn mạnh đến phương thức giải quyết dân chủ cuộc khủng hoảng hiện nay.
"Mỹ muốn thấy một tiến trình xây dựng Hiến pháp dân chủ, không tập trung quá nhiều quyền lực vào tay một người để bảo đảm chế độ pháp trị, kiểm soát và đối trọng, đồng thời bảo vệ và tôn trọng quyền lợi của tất cả các thành phần trong xã hội", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland dẫn lời bà Hillary nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland.
Bà Nuland bày tỏ ủng hộ việc Tổng thống Morsi đối thoại với các giới chức ngành tư pháp, song cũng lo lắng trước nguy cơ các thành quả cách mạng tại Ai Cập sẽ bị chôn vùi.
"Nền dân chủ Ai Cập sau cuộc cách mạng đang tiến triển trong một môi trường chính trị không rõ ràng, do chưa có một hệ thống pháp lý đúng chức năng", người phát ngôn nói thêm khi đề cập đến việc Ai Cập vẫn chưa xây dựng được một hệ thống Hiến pháp và pháp luật đầy đủ, minh bạch.
Theo Dantri