Tổng Bí thư Trường Chinh từng là chủ bút nhiều tờ báo quan trọng
Tổng Bí thư Trường Chinh (1907 -2017) không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, ông còn là một nhà báo – nhà thơ.
Diễn văn của Bí thư Tỉnh ủy Nam Định đọc tại lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (ngày 9.2, tại Nam Định) có đoạn: Tổng Bí thư Trường Chinh là nhà báo cách mạng nổi tiếng, là cây bút xuất sắc của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 -1939), những bài báo của đồng chí Trường Chinh luôn có tính chiến đấu cao, có sức thuyết phục lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng chí đã từng là chủ bút nhiều tờ báo quan trọng, tiếp đó là người lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp đối với các cơ quan ngôn luận của Đảng như “Cứu quốc”, “Cờ Giải phóng”, “Sự thật”, “Nhân dân”, “Tạp chí Cộng sản”…
Tổng Bí thư Trường Chinh (bên phải ảnh)
Vào tháng 9.1941, bốn tháng sau ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, tại Hội nghị Cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ, đồng chí Trường Chinh với cương vị Tổng Bí thư đã đề xuất chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức Mặt trận.
Ngày 25.1.1942, tại thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), báo Cứu Quốc chính thức xuất bản số đầu tiên. Người trực tiếp chỉ đạo nội dung tờ báo khi đó, chính là Tổng Bí thư Trường Chinh…
Khi viết báo, trong thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, Tổng Bí thư Trường Chinh thường sử dụng nhiều bút danh khác nhau như Q.N, Qua Ninh, C.G.P, T.Tr, Trường Chinh… Những bài viết điển hình của ông như “Trở lại bài phỏng vấn Tơ-rốt-kít của ông Trương Tiêu” đăng trên báo Tin tức số 42, ra ngày 12-15 tháng 10.1938 hoặc bài “Luận điệu “cách mạng mồm” nông nổi và vô chính trị của bọn Tơ-rốt -kít”, cũng đăng trên tờ báo này vào năm 1938 hay bài “Cuộc kháng chiến anh dũng của chúng ta” (Báo Cờ Giải phóng, số 14, ra ngày 28.6.1945).
Cũng trong số báo này Tổng Bí thư Trường Chinh còn có bài “Hạnh phúc cách mạng – Mười chính sách lớn trong Khu Giải phóng” ký tên là Tân Trào…
Video đang HOT
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, Tổng Bí thư Trường Chinh là người rất nghiêm túc trong việc thể hiện câu chữ, văn phong. “Những người làm báo Nhân Dân hay những người làm văn kiện Đảng ở thời kỳ ông Trường Chinh đã học được rất nhiều điều từ tấm gương của ông” – nhà sử học Dương Trung Quốc nói.
Tổng Bí thư Trường Chinh còn là một nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Với gần 70 bài thơ đã sưu tập được, trong đó có nhiều bài thơ nổi tiếng. Thơ Sóng Hồng thể hiện cảm xúc của tác giả trước hầu hết các sự kiện của đất nước bằng một tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở tiền đồ xán lạn của cách mạng.
Thơ Sóng Hồng đánh dấu từng bước trưởng thành của cách mạng Việt Nam, của thơ ca cách mạng Việt Nam, có sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Theo Tổng Bí thư Trường Chinh “Thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Làm sao có thể quan niệm thơ không có tính đảng, tính giai cấp được? Thơ và cách mạng không thể tách rời. Đương nhiên, không thể thơ nào cũng có cách mạng, nhưng có cách mạng thì có thơ”.
Khi nói đến Sóng Hồng, nhiều người vẫn nhớ hai câu thơ nổi tiếng của ông: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
Theo Danviet
Tổng Bí thư Trường Chinh: Người suốt đời dấn thân theo lý tưởng
"Nhìn vào sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhiều người có chung nhận xét ông là con người có những phẩm chất cần có của một nhà hoạt động cách mạng, đó là luôn luôn dấn thân theo lý tưởng" - Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh)nói như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo NTNN - Dân Việt trước ngày lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh (9.2.1907 - 9.22017).
Thưa ông là nhà nghiên cứu lịch sử, khi đánh giá về Tổng Bí thư Trường Chinh, ông thấy có nét đặc biệt gì?
- Trước hết, có thể nói ông Trường Chinh là chính trị gia chuyên nghiệp. Ông thuộc thế hệ mà chúng tôi hay gọi là thế hệ vàng. Nghiên cứu về con người và sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh thấy có có sự đặc biệt. Đó là ông luôn xuất hiện trong những thời điểm cực kỳ quan trọng của lịch sử. Ông không chỉ là học trò xuất sắc của Hồ Chủ tịch mà còn là người góp phần kiến tạo nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với tư cách Tổng Bí thư.
Nhiều người thường nhắc tới việc Tổng Bí thư Trường Chinh cùng Ban Thường vụ T.Ư Đảng đã nhận định, phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến thời cuộc và ban hành Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" năm 1945 để nói về việc nắm bắt cơ hội, tạo ra động lực cho cuộc Tổng khởi nghĩa thành công. Ông cũng là người vận động xây dựng nền văn hóa mới với Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, có thể nói ông là kiến trúc sư về tư tưởng của cuộc chiến tranh nhân dân, Hồ Chủ tịch là người đưa ra nền tảng. Tác phẩm "Kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi" của ông vừa vạch ra con đường đi đến thành công, đồng thời giữ được niềm tin để người dân đi theo cuộc kháng chiến đầy gian khổ, bảo vệ nền độc lập.
Sau này, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước hiện nay), ông cũng có những đóng góp quan trọng. Cuối cùng, ông lại xuất hiện với cương vị là Tổng Bí thư năm 1986 (sau khi từ chức sau cải cách ruộng đất năm 1956). Không những thế, ông lại là người khởi động cho công cuộc đổi mới.
Sau Đại hội VI của Đảng ông về làm cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng. Ông qua đời ở tuổi 81 với tư thế là người vẫn hoạt động chính trị. Như thế, có thể thấy, ông là người đi trọn vẹn theo con đường chính trị và xuất hiện ở tất cả thời điểm quan trọng nhất của lịch sử.
Thưa ông, Tổng Bí thư Trường Chinh là người khởi động cho công cuộc đổi mới đất nước, yếu tố gì đã giúp ông làm được điều này?
- Nhìn vào sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhiều người có chung nhận xét ông là con người có những phẩm chất cần có của một nhà hoạt động cách mạng, đó là luôn luôn dấn thân theo lý tưởng.
Để chuẩn bị cho Đại hội VI, ông Trường Chinh đã đi thực tế tại nhiều địa phương phía Nam để nắm bắt tình hình và lắng nghe các đề xuất. Ảnh: Tư liệu.
"Một trong những yếu tố trở thành nguyên lý của công cuộc đổi mới đất nước cách đây hơn 30 năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là dám nhìn thẳng vào sự thật và tuân thủ quy luật khách quan. Đây là hai yếu tố rất quan trọng mà một người lãnh đạo cấp cao như ông Trường Chinh đã thực hiện". Nhà sử học Dương Trung Quốc
Khi ông Trường Chinh còn sống, chúng tôi nhìn nhận ông là một người hết sức nghiêm túc, nghiêm khắc, kiên định, nguyên tắc. Thế nhưng, với người tưởng chừng nguyên tắc như vậy lại dám chuyển đổi khi nhận thức ra vấn đề. Tại sao nói căn bản nhất của công cuộc đổi mới là đổi mới tư duy, tức là đổi mới suy nghĩ? Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết sẽ thấy được yếu tố cực kỳ quan trọng dẫn tới sự thay đổi của Tổng Bí thư Trường Chinh, đó là thời kỳ ông đi thâm nhập thực tiễn ở Nam Bộ. Ông nhận thức ra rất nhiều vấn đề mà những thông tin cần thiết trước đó không đến được với ông.
Một trong những yếu tố trở thành nguyên lý của công cuộc đổi mới đất nước cách đây hơn 30 năm, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là dám nhìn thẳng vào sự thật và tuân thủ quy luật khách quan. Đây là hai yếu tố rất quan trọng mà một người lãnh đạo cấp cao như ông Trường Chinh đã thực hiện. Muốn làm được như vậy, người đó phải vượt qua được nhiều yếu tố hay thấy ở người bình thường, như là sự tự ái, chỉ mong an toàn, chỉ mong sự thăng tiến, không dám dấn thân, không dám thay đổi tư duy. Như chúng ta đã biết, ông Trường Chinh thay đổi tư duy vào thời điểm tuổi đã rất cao, phải nói đó là năng lực rất đặc biệt. Qua đó cũng thể hiện phẩm chất của ông trong tiến trình của công cuộc đổi mới.
Năm 1956, sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Tổng Bí thư Trường Chinh đã xin từ chức. Là người từng phát biểu khi chất vấn tại Quốc hội khóa XIV về "văn hóa từ chức", ông có suy nghĩ gì về câu chuyện của Tổng Bí thư Trường Chinh?
- Đối với một người hoạt động cách mạng có lý tưởng phải rời chức vụ là rất đau xót. Hiểu theo nghĩa nào đó, trường hợp ông Trường Chinh không phải là từ chức mà ông thấy trách nhiệm của mình ở đó nên rời chức vụ Tổng Bí thư. Tuy nhiên, điều đáng nói không phải câu chuyện từ chức hay không từ chức, mà là câu chuyện một người đã rơi vào hoàn cảnh như vậy vẫn tiếp tục phấn đấu, kiên trì phấn đấu.
Cuối cùng, lịch sử đã chứng minh sự phấn đấu của ông Trường Chinh đã đi đến một vinh quang khác. Ông được bầu làm Tổng Bí thư năm 1986, khởi động cho công cuộc đổi mới. Ở đây, phải nói thêm một yếu tố rất cần thiết là môi trường về mặt tổ chức.
Khi dấn thân có thể thành công, có thể thất bại, nếu người cán bộ nào thất bại mà vẫn giữ được ý chí phấn đấu vươn lên như trường hợp ông Trường Chinh, đó là phẩm chất cao quý. Tôi nhắc lại ở đây có hai yếu tố, ngoài bản thân ông còn là môi trường công tác. Từ việc như vậy phải xem đó là bài học sâu sắc trong công tác cán bộ hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Công cuộc 'sắp xếp lại giang sơn' trước đại hội Đổi mới 1986 Cách đây hơn 30 năm, 60 tỉnh, thành cả nước được sáp nhập lại còn 29 với kỳ vọng trở thành những "pháo đài kinh tế". GS Đào Xuân Sâm (nguyên giảng viên trường Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), từng là thành viên tổ tư vấn của Tổng bí thư Trường Chinh, mô tả...