Tổng bí thư: ‘Nhiều việc không có tiền không trôi’
“Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều, khiến người dân như bị ngứa ghẻ”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với cử tri quận Ba Đình (Hà Nội).
“Trước đây tham nhũng là những con sâu đơn lẻ nhưng giờ là những con sâu đầy quyền lực liên kết trong lợi ích nhóm, thành những con bạch tuộc bám sâu vòi vào các cơ quan quyền lực nhà nước, khiến chúng tôi không còn dám đấu tranh”, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình) bức xúc phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chiều 27/9.
Hàng loạt dẫn chứng gần đây được ông Thịnh đưa ra như: vụ ăn bớt vaccine, nhân bản xét nghiệm, nhân bản nhà tình nghĩa… Tuy nhiên, điều khiến cử tri cao tuổi này phiền lòng là hàng chục nghìn cuộc thanh tra kiểm tra chỉ đưa lại kết quả chủ yếu là “nghiêm túc rút kinh nghiệm, phê bình, kiểm điểm”. Vụ nào được đưa ra xử thì hầu hết là án treo.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh: “Tham nhũng đã trở thành những con bạch tuộc bám sâu vòi vào các cơ quan quyền lực nhà nước”. Ảnh: Nguyễn Hưng.
“Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải đặt câu hỏi, phải chăng tham nhũng đã len lỏi vào tận cơ quan chống tham nhũng?”, ông Thịnh nói. Theo ông, “con bạch tuộc tham nhũng còn đe dọa cả đại biểu Quốc hội”.
Video đang HOT
Chia sẻ với bức xúc của cử tri Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, tham nhũng đã thực sự là quốc nạn, là giặc nội xâm.
“Giờ ở nhà đi ra thấy cái gì cũng phải có tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng vặt cũng nhiều khiến người dân như bị ngứa ghẻ”, Tổng bí thư nói. Cũng theo ông, trong công tác phòng chống tham nhũng, sau khi điều tra, khởi tố thì phải giám định. Đây là khâu dễ nảy sinh sự “méo mó”, thậm chí “làm giá, bôi trơn” để đổi tội, gỡ tội.
Chia sẻ với cử tri quận Ba Đình, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn người dân giữ niềm tin bởi chống tham nhũng là cuộc chiến cam go. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Để đối phó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần triển khai nhiều biện pháp với thái độ xử nghiêm. Không đồng tình với nhận định rằng, các vụ chống tham nhũng chủ yếu là án treo, Tổng bí thư khẳng định, nhiều vụ đang được tập trung xử lý nghiêm. “Xin bà con chờ đợi”, Tổng bí thư chia sẻ.
Cũng trong buổi tiếp xúc chiều 27/9, nhiều cử tri góp ý về việc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp Quốc hội vừa qua theo hướng áp dụng hai mức tín nhiệm thay vì ba mức. “Kỳ họp vừa rồi lấy phiếu xong rồi mới trả lời chất vấn. Kỳ này đề nghị đổi lại. Chất lượng trả lời chất vấn sẽ là điểm chốt để đai biểu chấm điểm”, cử tri Nguyễn Văn Dũng góp ý.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, dư luận chung đánh giá đợt lấy phiếu vừa qua có có tác dụng tốt, chí ít là răn đe, cảnh báo song không phải để thay người này, bỏ người kia.
“Quốc hội sẽ bàn thêm làm thế nào cho hiệu quả hơn từ các gợi ý về diện lấy phiếu, thời điểm lấy phiếu… Cả bên Đảng cũng phải rút kinh nghiệm. Nếu không cẩn thận thì bên cơ quan Quốc hội phiếu cao nhưng Chính phủ xung trận thì phiếu thấp, như vậy là khuyến khích người không làm, giữ thế”, Tổng bí thư nói.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Người dân được đánh giá tín nhiệm lãnh đạo trước khi lấy phiếu
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội (QH) về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệmđối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo Tờ trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp TVQH chiều nay 12.12, các huyện, quận, phường đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND thì chưa thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Nghị quyết số 35 của QH.
Về thời điểm lấy phiếu, tại QH, sẽ bắt đầu tiến hành trong kỳ họp thứ 5 vào năm tới, còn tại HĐND các địa phương sẽ thực hiện lấy phiếu, bỏ phiếu tại kỳ họp đầu của năm sau, dự kiến vào khoảng tháng 6.2013 hoặc tháng 7.2013.
Đáng chú ý, dự thảo quy định khá cụ thể quy trình Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân liên quan đến đối tượng được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Trong Nghị quyết 35 của QH quy định rõ "Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Ủy ban MTTQ các cấp tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (nếu có) gửi đến QH, HĐND tại kỳ họp".
Theo dự thảo, ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan trực tiếp đến người được lấy phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND (nếu có) được Ủy ban T.Ư MTTQ VN các cấp tổng hợp gửi đến người được lấy phiếu tín nhiệm và Ủy ban TVQH hoặc Thường trực HĐND để gửi tới ĐBQH, ĐB HĐND theo quy định của Nghị quyết 35.
Nhằm bảo đảm thống nhất trong nội dung tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định rõ trong Nghị quyết hướng dẫn này: Báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm không nhắc lại các nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan nơi người được lấy phiếu tín nhiệm phụ trách hoặc là thành viên đã được nêu trong các báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban T.Ư MTTQ VN hoặc Ủy ban MTTQ từng cấp trình QH, HĐND tại các kỳ họp trước đó.
Liên quan đến việc chuẩn bị báo cáo và trách nhiệm giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo hướng dẫn quy định người được lấy phiếu giải trình về các nội dung được nêu trong các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và theo yêu cầu của ĐBQH, ĐB HĐND được gửi đến người được lấy phiếu tín nhiệm trong năm công tác đó.
Trường hợp nhận được yêu cầu bằng văn bản do ĐBQH, ĐB HĐND chuyển đến đề nghị làm rõ thêm các nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà ĐB đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm và gửi trực tiếp đến ĐB đã có yêu cầu.
Theo TNO
Ba điểm cộng cho Quốc hội Diễn ra vào thời điểm "hậu" Hội nghị Trung ương 6, kỳ họp Quốc hội khai mạc sáng nay hứa hẹn sẽ cực nóng, với 3 đổi mới... Kỳ họp thứ tư của Quốc hội diễn ra giữa bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội được nhìn nhận là rất khó khăn. Khi mà tại hầu hết các cuộc tiếp xúc...