Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại Cao Bằng
Cao Bằng phải phấn đấu vươn lên, không cam chịu đói nghèo, xây dựng quê hương cách mạng từng bước giàu mạnh, văn minh.
Tiếp tục chương trình làm việc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ngày 23/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc tại tỉnh biên giới Cao Bằng về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng đảng và chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp.
Sáng 23/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác trong Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pắc Bó.
Tổng Bí thư dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 tết Tân Tỵ), sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước, qua cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc số 108 thuộc Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng để chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Nơi đây gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1941 đến 1945.
Lưu bút tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Tưởng nhớ Bác, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nguyện mãi mãi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, quyết tâm phấn đấu thực hiện con đường mà Đảng và Bác đã chọn, xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tổng Bí thư nói chuyện với cán bộ nhân dân xã Trường Hà
Gặp gỡ và làm việc với cán bộ, nhân dân xã Trường Hà và huyện Hà Quảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe và trao đổi ý kiến về tình hình sản xuất, việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Trường Hà là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng, có 4 dân tộc chính là Tày, Nùng, Mông và Kinh.
Dù có xuất phát điểm kinh tế thấp nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã luôn cần cù, chịu khó, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết xây dựng quê hương.
Video đang HOT
Tổng Bí thư vui mừng khi biết rằng đến nay, xã đang triển khai nhiều mô hình trồng cây ăn quả, nuôi bò sinh sản, nuôi gia cầm với sự hỗ trợ của các ngành Trung ương, các nhà khoa học.
Thu nhập bình quân của người dân trong xã năm 2014 đạt gần 14 triệu đồng/người.
Đặc biệt việc giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 60% nhưng đến năm ngoái, chỉ còn hơn 7%.
Tổng Bí thư trò chuyện với nhân dân xã Trường Hà
Xã Trường Hà cũng đã thực hiện được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Mô hình 3 cây 2 con mà huyện Hà Quảng đang áp dụng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát huy tác dụng, trong đó việc trồng cây thuốc lá nguyên liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tổng Bí thư chỉ ra rằng, thực tế của xã Trường Hà và huyện Hà Quảng cho thấy muốn vươn lên phát triển thì cần kết hợp giữa sự tự lực của chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung ương.Nếu chỉ dựa vào hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương thì có thể sẽ phát triển không bền vững, có nguy cơ tái nghèo.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm và tặng quà gia đình anh Nông Linh Long, cháu họ của Anh hùng Liệt sĩ Kim Đồng ở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.
Chiều 23/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cao Bằng.
Là một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng vẫn trong quá trình đầu tư phát triển, tỉnh Cao Bằng vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, có 6 huyện nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước.
Mặc dù đã chuyển dịch tỷ trọng các các ngành trong cơ cấu kinh tế, nhưng nông lâm nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính của phần lớn người dân, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa.
Tổng Bí thư phát biểu tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Cao Bằng
Tỉnh Cao Bằng đã chú trọng phát triển các cây trồng mũi nhọn theo hướng sản xuất hàng hóa như mía, thuốc lá, trúc sào…, hình thành nhiều khu vực cây trồng ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn như chè, cây dược liệu; phát triển mô hình trang trại chăn nuôi quy mô với một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường như thịt bò Mông, lợn đen…
Là địa phương biên giới, Cao Bằng cũng xác định thế mạnh của mình là phát triển kinh tế cửa khẩu, do vậy đã thực hiện các cơ chế chính sách kêu gọi đầu tư, đến nay đã thu hút được 49 dự án với tổng vốn 30 triệu USD và trên 3100 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ năm 2010-2014 đạt trên 27.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Năm ngoái, Cao Bằng đón gần 650.000 lượt khách du lịch tới tham quan các Khu di tích lịch sử, văn hóa.
Tỉnh Cao Bằng cũng kiến nghị Trung ương để tỉnh này được kết nối vào các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, xác định lộ trình và cách thức hợp tác giữa các tỉnh trong liên kết vùng để hình thành các chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn khu vực mang lại lợi ích cho từng địa phương.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn từ 2010-2015 đạt trên 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 18 triệu đồng/người.
Hàng năm, tỉnh giảm hơn 4% số hộ nghèo và tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh còn hơn 20%. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tuy nhiên, Cao Bằng vẫn là một tỉnh nghèo, khó và ở xa các trung tâm lớn về kinh tế. Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị Cao Bằng đánh giá lại tiềm năng, lợi thế, thuận lợi của tỉnh; thực hiện rà soát các quy hoạch, kế hoạch phát triển để từ đó xác định hướng đi trong văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 18.
Tổng Bí thư gợi ý: Tỉnh có thể phát triển toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch…nhưng chọn đột phá là kinh tế cửa khẩu, du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tổng Bí thư cũng đề nghị nhân đà xây dựng nông thôn mới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục huy động sức dân, các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân mà thực tế ở xã Trường Hà cho thấy hiệu quả từ cách làm này.
Hoan nghênh việc Cao Bằng đã đưa ra những kiến nghị có tầm chiến lược, trong đó có việc liên kết vùng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Cao Bằng cần tích cực tham gia vào quá trình này.
Các Bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các địa phương trong khu vực có trách nhiệm giúp Cao Bằng.
Tổng Bí thư nêu rõ: Để thực hiện được những điều mà Cao Bằng mong muốn thì có 3 khâu rất quan trọng cần phải xử lý tốt. Đó là: cơ chế, chính sách; nguồn lực và cán bộ
Tổng Bí thư nhắc nhở tỉnh Cao Bằng tập trung xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn để hợp tác cùng phát triển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá Đảng bộ Cao Bằng đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng đảng; chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém được chỉ ra qua tự phê bình và phê bình; thực hiện việc quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Tổng Bí thư đề nghị Cao Bằng tiếp tục làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Quan trọng nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, trong sáng, liêm khiết, không chỉ có năng lực mà còn phải quy tụ, đoàn kết được sức mạnh của toàn đảng bộ.
Tổng Bí thư cho rằng một trong những thế mạnh rất quan trọng mà Cao Bằng có được là truyền thống cách mạng, yêu nước. Đây là nguồn lực tinh thần cần được phát huy. Cao Bằng phải phấn đấu vươn lên, không cam chịu đói nghèo, xây dựng quê hương cách mạng từng bước giàu mạnh, văn minh./.
Theo Vũ Duy
VOV News
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Cao Bằng và Lạng Sơn
Từ ngày 14-16/4, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh ủy Cao Bằng và Lạng Sơn về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Tại buổi làm việc, thường trực tỉnh ủy Cao Bằng kiến nghị: Trung ương bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh; Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, tham mưu, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thương mại năm 2005 và các luật có liên quan theo hướng hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thương mại biên giới; đề nghị xây dựng cao tốc Lạng Sơn - Hà Nội, có tính đến kết nối với Cao Bằng; nâng cấp Cửa khẩu Trà Lĩnh thành Cửa khẩu Quốc tế; đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải 2 nước Việt - Trung đề nghị Chính phủ 2 nước bổ sung tuyến vận tải quốc tế kết nối giao thông từ các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đến Bách Sắc, Quảng Tây (Trung Quốc) qua Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng vào Hiệp định vận tải đường bộ quốc tế.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đã kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét hỗ trợ vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng đường trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn để thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, đô thị với tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng. Đồng thời sớm đẩy nhanh tiến độ khởi công đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, ưu tiên bố trí vốn đầu tư hoàn thành đường tuần tra biên giới...
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn trong thời gian qua. Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn là hai tỉnh miền núi biên giới phía Bắc thời gian qua đã đạt được kết quả quan trọng, giữ được tốc độ tăng trưởng bền vững, cơ cấu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch. Hoạt động xuất nhập khẩu đạt hiệu quả tích cực...
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Cao Bằng hoàn thiện thêm báo cáo nêu rõ một số vấn đề như quy hoạch, chính sách thương mại biên giới, kết cấu hạ tầng, sắp xếp bố trí dân cư, thị trường lao động - hàng hóa... Đối với Lạng Sơn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, những hạn chế mà Lạng Sơn gặp là khó khăn chung hiện nay. Xu thế phát triển của Lạng Sơn cho là tất yếu, không có gì ngăn cản. Nhiều tiềm năng, lợi thế trong thời gian tới, hy vọng Lạng Sơn sẽ có phát triển hơn. Đồng thời, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn hoàn thiện thêm báo cáo về những nội dung đã nêu trong buổi làm việc để Ban Kinh tế Trung ương có kế hoạch tổng thể trong thời gian tới.
Thanh Liêm
Theo Dantri
Tổng Bí thư làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Sóc Trăng Tổng Bí thư đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hướng đi của tỉnh về lâu dài, phát huy được thế mạnh nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển. Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng để kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và...