Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe
Chiều 15/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản ở thủ đô Tokyo.
Chiều 15/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản ở thủ đô Tokyo.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Thủ tướng Shinzo Abe nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Nhật Bản, cho rằng chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư sẽ mở ra cơ hội mới góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn.
Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh Nhật Bản hết sức coi trọng và ưu tiên cao cho quan hệ với Việt Nam, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trở lại thăm đất nước Nhật Bản, chân thành cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp thân tình, trọng thị.
Tổng Bí thư cũng chân thành cảm ơn Thủ tướng Shinzo Abe về những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản; nhiệt liệt chúc mừng Thủ tướng Shinzo Abe vừa được tín nhiệm bầu lại làm Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do để tiếp tục lãnh đạo đảng và đất nước; khẳng định Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, nhấn mạnh đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc hội đàm tại Phủ Thủ tướng ở Thủ đô Tokyo. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Trong không khí cởi mở, hữu nghị và chân thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe đã trao đổi về tình hình quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong những năm qua.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và xuất phát từ nhận thức chung về lợi ích tương đồng cũng như tiềm năng hợp tác của hai nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Shinzo Abe đã trao đổi và nhất trí về các phương hướng, biện pháp nhằm thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới với các trọng tâm là tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế, đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tăng cường tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao, giao lưu và hợp tác giữa Quốc hội và các chính đảng hai nước; mở rộng và làm sâu sắc hơn các cơ chế hợp tác đối thoại hiện có.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế theo hướng lâu dài, bền vững trên một số lĩnh vực mà hai bên có lợi thế so sánh, tiềm năng và nguồn lực có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển bền vững, trong đó chú trọng kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối năng lực sản xuất và kết nối nguồn nhân lực.
Đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ của Nhật Bản trong công cuộc Đổi mới của Việt Nam trong hơn 20 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Nhật Bản tiếp tục ưu tiên cung cấp Viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam, ưu tiên Việt Nam trong quá trình triển khai sáng kiến Đối tác Cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản dành cho châu Á, tiếp tục hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, tăng cường chuyển giao công nghệ tiên tiến, thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo… xây dựng các khu công nghiệp lớn, trong đó có các khu công nghiệp chuyên sâu.
Video đang HOT
Tổng Bí thư cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị nông sản – thực phẩm, tạo điều kiện cho hàng hóa nông, lâm, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Nhật Bản, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tăng tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý và thực tập sinh từ Việt Nam.
Phản hồi tích cực đối với các đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bền vững, bao gồm ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam; tuyên bố trước mắt sẽ dành nguồn vốn ODA khoảng 100 tỷ yen cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam và cảng; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án sân bay Long Thành; phát triển năng lượng, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, phát triển các khu công nghiệp chuyên sâu tại Hải Phòng và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong thời gian tới.
Hai bên nhất trí sẽ phối hợp triển khai có hiệu quả “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản,” công bố mở cửa thị trường Việt Nam cho táo Nhật Bản và mở cửa thị trường Nhật Bản cho trái xoài của Việt Nam từ ngày 17/9 tới.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự đi lại của công dân hai nước. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết nhân dịp này, Chính phủ Nhật Bản quyết định gia hạn thị thực nhập cảnh thương mại cho công dân Việt Nam lên 10 năm.
Hai bên nhất trí đẩy mạnh giao lưu quốc phòng các cấp. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam để nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam; cho biết Chính phủ Nhật Bản quyết định tiếp tục tăng cung cấp tàu đã qua sử dụng cho Việt Nam, sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Trong không khí tin cậy, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu sắc về một số vấn đề khu vực và quốc tế. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á và tại các diễn đàn đa phương quan trọng khác về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tiến trình cải tổ Liên hợp quốc; tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong đàm phán và triển khai thực hiện các hiệp định thương mại tự do ở khu vực, bao gồm cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo các đảo, đá quy mô lớn, nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, thân tình mà Thủ tướng Shinzo Abe, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; trân trọng mời Nhà Vua và Hoàng hậu, các thành viên Hoàng gia Nhật Bản và cá nhân Ngài Thủ tướng thăm lại Việt Nam vào thời gian thuận tiện. Phía Nhật Bản chân thành cảm ơn về lời mời.
Kết thúc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
Theo NTD
Mỹ đang điều chỉnh chính sách đơn cực trong tình hình mới?
Chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là một chuyến thăm lịch sử, đánh dấu mốc cho thấy quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đang bước vào một giai đoạn hợp tác mới.
Chỉ trong một thời gian ngắn chính quyền Hoa Kỳ đã có những bước đi hết sức bất ngờ khi tiến hành dỡ bỏ lệnh cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử, gây tranh cãi với Iran, nâng tầm quan hệ với Việt Nam.
Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử đến Hoa Kỳ
Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng chính quyền Mỹ đang có những bước đi nhằm điều chỉnh lại chính sách đơn cực đã và đang theo đuổi để thích ứng với tình hình và bối cảnh mới đang ngày càng có xu hướng biến động, khó đoán.
Với Iran: Ngày 14/7/2015, thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran đã được ký kết. Theo thỏa thuận này, lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc đối với Iran sẽ được giữ nguyên trong 5 năm nữa. Iran cũng đồng ý chỉ sở hữu không quá 300 kg uranium được làm giàu ở mức 3,67% trong vòng 15 năm tới và tất cả các hoạt động làm giàu uranium này chỉ được giới hạn ở cơ sở hạt nhân Natanz.
Báo Washington Post bình luận rằng, việc Tổng thống Mỹ Barrack Obama và các nhà lãnh đạo thế giới đi tới thống nhất và ký kết thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran là bước đi hướng tới sự ổn định tại Trung Đông.
Trong khi đó, tờ Sự Thật của Nga thì cho rằng thỏa thuận này của Mỹ và phương Tây là cơ hội ghi điểm của Mỹ với chính quyền Iran.
Nhiều khả năng đây sẽ là tiền đề để Hoa Kỳ thúc đẩy thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Tehran trong thời gian tới bởi từ năm 1979 đến nay, Mỹ đã chấm dứt quan hệ ngoại giao chính thức với Iran.
Với Cuba: Ngày 11/4/2015, tại cuộc gặp đầu tiên giữa nhà lãnh đạo 2 nước Cu Ba và Hoa Kỳ sau gần 60 năm, Tổng thống Obama cảm ơn Chủ tịch Raul Castro vì tinh thần cởi mở và sự nhã nhặn của ông, đồng thời cam kết làm bất cứ điều gì có thể để bảo đảm nhân dân Cuba có thể thịnh vượng, sống trong tự do và an ninh.
Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Raul Castro khẳng định ông đồng ý với tất cả những gì Tổng thống Obama nói. Nhà lãnh đạo Cuba cũng nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục có những bước đi hướng đến bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đồng thời sẵn sàng thảo luận về nhân quyền cũng như các vấn đề khác.
Trong suốt cuộc hội đàm 80 phút, ông Obama và Raul Castro ngồi trên ghế gỗ cạnh nhau và trò chuyện thân mật trong phòng họp nhỏ. Giới chức Nhà Trắng cho biết 2 nhà lãnh đạo thảo luận về việc mở sứ quán ở Havana và Washington cũng như một số vấn đề khác.
Đúng như những dấu hiệu dự đoán, ngày 1/7/2015, Mỹ và Cuba đã tuyên bô đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán tai thu đô hai nươc, chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao lần đầu tiên kể từ năm 1961.
Dự kiến, việc tai thiêt lâp cac đai sư quan của hai nước trên lãnh thổ của nhau vao ngay 20 thang 7 tơi đây se la bươc đôt pha trong môi quan hê gay găt lâu năm giưa hai nươc.
Mặc dù Quôc hôi My vân se duy tri lênh câm vân kinh tê vơi Cuba nhưng chinh sach nay nhiều khả năng sẽ có thay đổi dần dần trong thời gian tới giống như những gì Mỹ đã làm với một số nước trong đó có Việt Nam.
Với Việt Nam: Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trên nhiều lĩnh vực đã được phát triển, tăng cường trong nhiều năm gần đây và vẫn đang chứa đừng rất nhiều hứa hẹn.
Đáng chú ý, trong các ngày từ 6 đến 11/7/2015 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức đón tiếp trọng thị đối với Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức đến Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhân sự kiện kỷ niệm tròn 20 năm hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.
Chuyến công du Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là một chuyến thăm lịch sử, đánh dấu mốc cho thấy quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đang bước vào một giai đoạn hợp tác mới sâu rộng và toàn diện hơn.
Trước chuyến công du lịch sử này, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã vận động để Quốc hội Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán để sớm đưa Việt Nam gia nhập hiệp định Đối tác xuyên thái Bình Dương TPP.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, trên thế giới hiện chỉ còn 3 nước không có quan hệ ngoại giao chính thức với Hoa Kỳ. Trong số này có Iran, Bắc Triều Tiên và quốc gia biệt lập Bhutan.
Với Iran, tình hình có thể cải thiện trong thời gian tới bởi thỏa thuận hạt nhân vừa qua ký kết với các nước phương Tây có thể được xem là tiền đề để Iran thêm tin tưởng vào Mỹ sau rất nhiều những xung đột và bất đồng.
Trong khi đó, Bhutan là một nước không giáp biển, co kich thươc giông Thuy Si, nằm trong dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Từ lúc gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1971, giông Thuy Si, Bhutan luôn co ac cam vê sư vướng mắc quan hệ ngoại giao với nước ngoai dươi bât ky hinh thưc nao.
Điều đặc biệt là Brutan và Hoa Kỳ không hê có bất cứ xung đột nào trong suốt chiều dài lịch sử. Việc có thiết lập quan hệ ngoại giao với Brutan hay không có lẽ không ảnh hưởng gì đến chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Nước còn lại ở châu Á không có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cần nhắc đến một lần nữa là Bắc Triều Tiên. Mặc dù trước đó Hoa Kỳ đã có nhiều động thái thể hiện thiện chí nhưng có thể xuất phát từ sự thiếu lòng tin, cộng với quan hệ phức tạp với Hàn Quốc (đồng minh của Mỹ), Trung Quốc và Nga nên quan hệ Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên luôn ở trạng thái căng thẳng, thậm chí là thù địch.
Tuy nhiên, khi Mỹ đang hiện thực hóa chiến lược xoay trục sang Thái Bình Dương, vấn đề Triều Tiên cũng là một trong những chủ điểm quan trọng mà Mỹ có lẽ đã và sẽ có kế hoạch để cải thiện hoặc xử lý tình hình.
Liên quan đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong giai đoạn hiện nay, một độc giả có tên Nguyễn Công Viên đã gửi bình luận cho rằng, việc Hoa Kỳ nâng cấp, coi trong quan hệ với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là lẽ bình thường vì gần đây Hoa Kỳ đã gơ bỏ đạo luật cấm vận với Cuba.
Theo độc giả Nguyễn Công Viên, có những lý do sau đây khiến Hoa Kỳ bất ngờ tăng mức quan hệ với Việt Nam nói riêng và một số nước từng thù địch, cựu thù và khác ý thức hệ nói chung:
1. Mỹ đang rơi vào tình thế như Liên Xô thời trước 1990 khi bao phủ đồng minh quá nhiều. Ngân sách toàn diện, đặc biệt là quốc phòng của Mỹ đã bị ảnh hưởng.
2. Thế cục chính trị thế giới đã chuyển động theo hướng khó kiểm soát tình hình theo chính sách đơn cực, các bất ổn khu vực càng ngày càng gay gắt buôc mỹ phải có chiến lược mới để phù hợp với tình hình.
3. Việt Nam với nhiều lợi thế từ đắc địa cho đến uy tín và khả năng phát triển hợp tác song phương, đa phương ngày một mở rộng cả chiều rộng và chiều sâu mang tính chuyên nghiệp và đưa đến niềm tin cho nhiều đối tác với phương châm nhất quán là muốn làm bạn với tất cả và tôn trọng hòa bình trên toàn thế giới chứng tỏa độ an toàn khi hợp tác là cao bởi Việt Nam không đưa các điều kiện ràng buộc nhiều.
4. Xét đến cùng thời điểm này Mỹ chủ động chia sẽ hợp tác với Việt Nam là hoàn toàn hợp lý bởi sứ mệnh và vai trò của Mỹ và Việt Nam trên cục diện biển Đông sẽ là nền tảng cơ bản để cân bằng với những hành động mang tính chất bành trướng của TQ. Nếu kết hợp tốt với Nhật Bản nữa tin rằng Biển Đông sẽ được bình yên.
Hòa Bình
Theo_Người Đưa Tin
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ Tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Hoa Kỳ là một địa bàn vô cùng quan trọng về mặt đối ngoại. Sáng ngày 9/7 theo giờ Washington (tức đêm 9/7 theo giờ Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm cán bộ, nhân...