“Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước có quyền lực của vị tổng tư lệnh chống tham nhũng”
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão phân tích, Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước giúp chức danh Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng có thẩm quyền hoàn chỉnh hơn, quyền lực khi đó là cao nhất, là vị tổng tư lệnh chỉ đạo trên mặt trận chống tham nhũng…
Thống nhất chức danh Tổng Bí thư với Chủ tịch nước là sự kết hợp rất tốt
- Việc TƯ giới thiệu Quốc hội để bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, có ý kiến lo ngại việc này dẫn đến sự tập trung quyền lực quá lớn vào một cá nhân. Quan điểm của ông?
- Việc Ban chấp hành TƯ họp và giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trình ra Quốc hội bầu vào chức danh Chủ tịch nước thời điểm này là phù hợp và cũng chín muồi. Trong lịch sử Việt Nam, Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước. Ở thời điểm đó, mô hình này rất phù hợp, thuận lợi cho quan hệ trong nước cũng như quốc tế. Tuy nhiên, khi Bác Hồ mất, năm 1969, do hoàn cảnh, bối cảnh nhân sự cụ thể khi đó, kết hợp giữa yêu cầu chính trị với đấu tranh thống nhất đất nước, các chức danh được chia ra, Tổng Bí thư Đảng là Lê Duẩn, Chủ tịch nước là Tôn Đức Thắng.
Đến giờ, trong bối cảnh đất nước bị khuyết vị trí Chủ tịch nước thì việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước là rất phù hợp. Xét về công việc, sự thống nhất chức danh Tổng Bí thư với Chủ tịch nước là sự kết hợp rất tốt, quan hệ đối nội, đối ngoại đều thuận.
Còn lo ngại về việc quyền lực quá tập trung thì bản chất vấn đề không nằm ở việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước mà nằm ở quy định về chức danh Tổng Bí thư trong điều lệ Đảng.
Ông Vũ Mão nguyên là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội
- Vậy cơ chế nào để thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong trường hợp này, thưa ông?
- Thời kỳ Tổng Bí thư Lê Duẩn, dù ông không phải là Chủ tịch nước nhưng quyền vẫn rất lớn, quyết định mọi vấn đề của đất nước. Nhưng trong thời bình, thời kỳ ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, nhất là nhà nước pháp quyền, nếu không tỉnh táo, cảnh giác, xây dựng quy định rõ ràng cả trong điều lệ Đảng và trong pháp luật của nhà nước thì dễ dẫn đến tập trung quyền lực, siêu quyền lực, độc quyền và độc tài.
Video đang HOT
Tôi thì có nguyện vọng Đảng thực hiện sửa đổi, bổ sung điều lệ cho phù hợp với tình hình mới. Điều lệ Đảng hiện tại không quy định rõ Tổng Bí thư có bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn, Ban Bí thư, Bộ Chính trị có bao nhiêu… Điều lệ mới chỉ nêu nguyên tắc Đại hội bầu ra Ban chấp hành TƯ, Ban chấp hànhTƯ họp lần thứ nhất bầu ra Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong tổng số uỷ viên Bộ Chính trị, bầu UB Kiểm tra TƯ. Trong khi đó, Hiến pháp hiện quy định rất rõ Chủ tịch nước có 6 nhiệm vụ, quyền hạn…
Vậy nên với chức danh Tổng Bí thư, mọi việc tuỳ thuộc nhiều vào việc tự xác định của vị đó. Trong thực tế, đã có lúc chúng ta phải xử lý những trường hợp lạm quyền, vượt quyền.
TƯ đề ra việc kiểm soát quyền lực rất đúng nhưng quan trọng là xác định cần làm thế nào để việc đó không chỉ là khẩu hiệu hô hào mà phải được thực hiện bằng cơ chế, bằng quy định pháp luật.
Tôi mừng là vừa qua, tại hội nghị 8, TƯ đã quyết đinh thành lập tiểu ban nghiên cứu, sửa đổi điều lệ đảng. Làm được như vậy thì mới hi vọng kiểm soát được quyền lực.
- Cũng có ý kiến cho rằng, lựa chọn được cá nhân có đủ điều kiện, tố chất lãnh đạo, trong sáng, đạo đức thì có thể an tâm với việc tự điều tiết, kiểm soát được hành động?
- Theo tôi, kiểm soát quyền lực trước hết phải trông vào hệ thống cơ chế chính sách pháp luật vì mỗi cá nhân, nói theo đạo Phật, đều tham sân si, người nào cũng đều có ưu có khuyết, có ánh sáng và có bóng tối, có ban ngày và có ban đêm. Nên bảo để tự cá nhân điều tiết bản thân thì đòi hỏi sự rèn luyện, tu dưỡng thường xuyên, liên tục nhưng trước hết vẫn là cần có cơ chế chính sách để xác định người đó được làm gì, không được làm gì để tự “căn ke” đồng thời để cử tri, nhân dân giám sát được. Nói thật, ai nói mạnh được.
Ngoài ra cũng cần xây dựng suy nghĩ thường trực trong mỗi con người tư duy về nhà nước pháp quyền thì mới có được sự kiểm soát hiệu quả.
Tổng tư lệnh trên mặt trận chống tham nhũng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm vị trí người lãnh đạo cao nhất của Đảng để lại dấu ấn đậm nét nhất trên mặt trận chống tham nhũng. Việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ tác động thế nào tới công tác này?
- Tôi nghĩ là việc này sẽ có thuận lợi thôi. Tổng Bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng là mô hình tốt, thời gian qua đã đem lại hiệu quả nhất định.
Cũng vì đó mới chỉ là ở bên Đảng nên trong nhiều vụ việc, vấn đề, sau kỷ luật Đảng, những đề nghị xử lý về mặt chính quyền, theo đó, còn phải chờ. Giờ Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, làm Trưởng Ban chỉ đạo thì thẩm quyền hoàn chỉnh hơn. Trên thực tế, Ban chỉ đạo hiện vẫn đủ thành phần lãnh đạo bên Đảng (Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ), bên Chính phủ (Phó Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an…), bên Quốc hội ( Phó Chủ tịch Quốc hội)… tức về thực chất, đó là Ban chỉ đạo thống nhất của cả Đảng và nhà nước. Vậy thì với việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước thì cấn cho Ban Chỉ đạo cái tên đầy đủ, hoàn thành thủ tục pháp lý cho chặt chẽ, chính danh.
- Lại có ý kiến cho rằng, gánh thêm nhiệm vụ của Chủ tịch nước có thể làm Tổng Bí thư bị phân tán, thiếu tập trung cho phần công việc được đánh giá cao nhất này?
- Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước thì quyền lực là cao nhất, là tổng tư lệnh chỉ đạo trên mặt trận chống tham nhũng. Vấn đề là phân bổ thời gian sao cho hợp lý. Nếu trước đây, Tổng Bí thư chỉ phải tập trung cho công tác Đảng, thì giờ, khi đồng thời là Chủ tịch nước, ông phải dành 50% cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu nhà nước. Phải làm cả 2 nhiệm vụ, không thể nói bên này nặng, bên kia nhẹ.
Điều đó dẫn tới việc phải tăng cường thêm nội hàm công việc cho chức danh Thường trực Ban Bí thư mà lâu nay chức năng, quyền hạn thực hiện còn hơi “non”. Thời Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng, trong Đảng có Bí thư thứ nhất là chuyên trách công tác Đảng, có thẩm quyền được quy định rõ. Vậy với Bí thư thường trực giờ cũng cần tính toán cơ chế, chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (thực hiện)
Theo Dantri
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước được truyền hình trực tiếp từ 15h chiều nay
Từ 15 giờ chiều nay 23-10, ngay sau khi nghị quyết bầu Chủ tịch nước được thông qua, Chủ tịch nước sẽ tiến hành nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân theo quy định của Hiến pháp 2013.
Nghi lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp - Ảnh: TTXVN
Theo chương trình làm việc, sáng nay 23-10, sau khi giải lao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu QH và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Trước đó, vào chiều qua 22-10, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, trình bày tờ trình giới thiệu nhân sự để QH bầu Chủ tịch nước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ trình QH đề nghị QH xem xét bầu ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Sau báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH, QH trong sáng 23-10 thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Tiếp đó, QH thành lập ban kiểm phiếu. Sau khi trưởng ban kiểm phiếu phổ biến thể lệ bỏ phiếu, QH bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín.
Theo chương trình, 15 giờ chiều nay 23-10, trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước.
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc sẽ trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước và QH biểu quyết thông qua nghị quyết bầu Chủ tịch nước.
Ngay sau khi nghị quyết bầu Chủ tịch nước được thông qua, Chủ tịch nước sẽ tiến hành nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước QH và quốc dân theo quy định của Hiến pháp 2013. Buổi lễ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Theo thông lệ, người tuyên thệ sẽ đặt một tay đặt lên cuốn Hiến pháp 2013 màu đỏ, tay còn lại giơ cao, hướng lòng bàn tay về hội trường QH, tuyên thệ.
Theo quy định của nội quy kỳ họp QH về tuyên thệ, Chủ tịch nước tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp. Ngoài nội dung quy định này, người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng trước Quốc kỳ tuyên thệ. Thời gian tuyên thệ không quá 3 phút.
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước: Đại biểu Quốc hội kỳ vọng gì? Theo đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội, Tổng Bí thư là người nhiều kinh nghiệm công tác, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, nếu giữ hai chức vụ cao nhất cũng là phù hợp với giai đoạn hiện nay. Tổng Bí thư...