Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Đắk Lắk
Chiều 10/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk về tình hình kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, công tác xây dựng Đảng của tỉnh từ đầu nhiệm kỳ XVI đến nay.
Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Êban Y Phu cho biết, trong 19 tiêu chí chính của Nghị quyết tính đến thời điểm hiện tại có 2 chỉ tiêu đã đạt và vượt, 12 tiêu chí dự kiến đến cuối năm 2020 có thể đạt, 4 chỉ tiêu đạt thấp cần phải thực hiện các giải pháp quyết liệt mới có thể hoàn thành và 1 chỉ tiêu nhiều khả năng khó đạt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk. Ảnh: chinhphu.vn
Các chương trình, nghị quyết trọng tâm về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính… đã đi vào cuộc sống, có tác động tích cực đến tiến trình phát triển kinh tế – xã hội và tạo dựng hình ảnh của địa phương…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh Đắk Lắk trong 3 năm tăng 7,8%; quy mô nền kinh tế năm 2018 gấp 1,3 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế năm 2018: Ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 41,5%, công nghiệp – xây dựng chiếm 16,1%, dịch vụ chiếm 40,2%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 41,04 triệu đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 5.500 tỷ đồng… Công tác nội chính, kiểm tra, giám sát của Đảng ngày càng phục vụ đắc lực cho năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh…
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm: Tạo đột phá, tăng tốc bứt phá phấn đấu hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu của nhiệm kỳ với kết quả cao nhất; Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội…
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kiến nghị, đề xuất với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một số nội dung: Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 27/11/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên; phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời ở các huyện biên giới, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; đầu tư cửa khẩu Đắk Ruê – Chi Miết…
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh về thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh trong nửa nhiệm kỳ. Trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt cao so với bình quân chung của cả nước. Ấn tượng là tốc độ tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất nông nghiệp, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, phổ cập giáo dục, giải quyết vấn đề dân di cư tự do, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý tỉnh, tuy đạt nhiều kết quả nhưng không được chủ quan. Trên cơ sở lường trước những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, tỉnh cần chủ động thực hiện tốt việc rà soát gắn với quy hoạch, chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025; phối hợp với các bộ, ban, ngành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm của khu vực. Đội ngũ cán bộ, nhân dân cần đồng lòng, nhất trí cao để xây dựng Đắk Lắk trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên…
* Trước đó, sáng 11/11, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.
Cùng dự Ngày hội có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước, tỉnh Đắk Lắk, huyện Krông Ana và đông đảo bà con các dân tộc xã Dur Kmăl.
Tại Ngày hội, bà con đã cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống 88 năm qua của MTTQ Việt Nam; điểm lại những kết quả đạt được sau 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước ở thôn, buôn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chung vui Ngày hội Đại đoàn kết cùng đồng bào xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, Đắk Lắk. Ảnh: chinhphu.vn
Chung vui với bà con các dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ niềm vui mừng, phấn khởi về thăm và dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con xã Dur Kmăl, vùng đất anh hùng, có truyền thống đấu tranh cách mạng lâu đời.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương sự nỗ lực cố gắng bà con các dân tộc trong xã và những kết quả, thành tích đạt được thời gian qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana đổi mới, phát triển như ngày nay, đạt được những kết quả, thành tích to lớn, rõ ràng là do bà con các dân tộc các thôn, buôn đã đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu không ngừng.
Video đang HOT
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn bà con các dân tộc ở Dur Kmăl, Krông Ana tiếp tục triển khai có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khẳng định Trung ương luôn tạo điều kiện để các địa phương xây dựng phát triển, kể cả cung cấp nguồn lực vật chất, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật…
Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, nhất định Dur Kmăl sẽ thành công, thành công, đại thành công!
Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tặng quà các hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng quà các gia đình chính sách tiêu biểu trong xã.
PV
Theo congluan
Ông Lê Quang Thưởng: Những kẻ 'cơ hội chính trị' rất thiếu trung thực, giỏi xun xoe, nịnh bợ
Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng những kẻ 'cơ hội chính trị' rất thiếu trung thực, giỏi xun xoe, nịnh bợ để mình được để ý, cất nhắc đề bạt, đưa vào quy hoạch cán bộ.
Ngày 4/11, tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Dứt khoát không đưa vào Quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như "con lươn, con chạch".
Bình luận với VTC News về vấn đề này, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Quang Thưởng cho rằng nếu để lọt những kẻ cơ hội chính trị vào bộ máy lãnh đạo sẽ là khiếm khuyết của công tác cán bộ và điều này rất nguy hại.
Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
- Việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội XIII có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Thông thường mấy năm một lần người ta làm lại quy hoạch cán bộ, đấy là việc thông thường. Sắp tới chuẩn bị Đại hội XIII thì phải chuẩn bị nhân sự để chuẩn bị cho Đại hội.
Phải chuẩn bị tốt quy hoạch thì công tác cán bộ, công tác đề bạt cán bộ mới có cơ sở để thực hiện tốt được. Thường quy định những người được đưa vào diện đề bạt bổ nhiệm là phải có trong quy hoạch, trường hợp đặc biệt mới ở ngoài quy hoạch. Làm quy hoạch để những năm sắp tới người ta đề bạt bổ nhiệm cán bộ dựa vào cái quy hoạch đấy.
- Vì sao lần này việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là làm trực tiếp cho khóa sắp tới chứ không phải cho nhiều khoá, thưa ông?
Làm nhiều khóa thì nhiều khi không chính xác. Vì cán bộ có thể thay đổi thường xuyên, hôm nay người đó tốt, ngày mai có thể không tốt. Ngược lại, hôm nay chưa tốt thì ngày mai có thể lại tốt, đấy là chuyện lẽ thường ở đời.
Cho nên, tôi cho rằng nếu làm quy hoạch 2 - 3 nhiệm kỳ thì có khi không chính xác. Làm từng nhiệm kỳ một thì sẽ chính xác hơn.
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, có quan điểm lêch lạc, gây mất đoàn kết nội bộ, tham nhũng tiêu cực, đặc biệt những kẻ cơ hội chính trị. Kẻ cơ hội chính trị được hiểu thế nào, thưa ông?
Những kẻ cơ hội chính trị có thể được hiểu là những người không trung thực, những người này chỉ xun xoe, nịnh bợ, "thấy người sang bắt quàng làm họ". Xun xoe để mình được để ý, cất nhắc đề bạt, đưa vào quy hoạch. Kẻ cơ hội chính trị là những người không trong sáng, không trung thực.
Những kẻ này nếu đưa vào quy hoạch thì chỉ là những kẻ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, không phải là vì Đảng, vì tập thể, vì nhân dân mà chỉ vì cá nhân thôi. Đưa vào quy hoạch những kẻ cơ hội chính trị sẽ làm cho công tác cán bộ gặp khuyết điểm.
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói những kẻ cơ hội chính trị "như con lươn, con trạch, uốn éo rất khéo". Vậy nhận diện những kẻ cơ hội chính trị có khó không, thưa ông?
Khó chứ. Bởi vì nó thuộc vấn đề tư tưởng, nhận thức, thuộc vấn đề quan hệ xã hội chứ nó không biểu hiện thẳng ra như việc hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ, tham nhũng hay không tham nhũng.
Ở đây kẻ cơ hội chính trị là cơ hội, là lươn lẹo, ẩn mình để mang lại lợi ích cá nhân nên nhân diện sẽ khó hơn.
Nhưng "ở lâu thì sẽ biết đêm dài", người ta theo dõi nhiều năm thì người ta sẽ hiểu, ai là người trung thực hay là cơ hội, thì họ sẽ biết thôi.
Kẻ cơ hội chính trị là kẻ hôm nay nói thế này, mai lại nói thế khác, gặp người này nói thế này, gặp người khác lại nói thế khác. Đấy là biểu hiện rõ nhất.
- Những khoá trước, những kẻ cơ hội chính trị chắc hắn phải có, thậm chí là có không ít thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mới nhắc đến như vậy?
Lúc nào cũng có chuyện này chuyện khác, nhưng những kẻ cơ hội thì không bao giờ nhiều cả, nó là số ít thôi.
Những kẻ này không phải vì lợi ích của Đảng của nhân dân mà họ vì lợi ích của cá nhân họ, của dòng họ, gia đình họ nên phải cảnh giác với những người này.
Phải theo dõi để biết được họ cơ hội hay không cơ hội. Nó thể hiện ở việc làm được gì nói đến đấy thôi, họ không nịnh bợ ai, không đứng trước người này lại nói xấu người khác vì những chuyện đấy chính là biểu hiện của cơ hội.
Những kẻ cơ hội chính trị có thể được hiểu là những người không trung thực, những người này chỉ xun xoe, nịnh bợ, "thấy người sang bắt quàng làm họ".
Ông Lê Quang Thưởng Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
- Nếu những kẻ cơ hội có thể lọt được vào Trung ương gây nguy hại thế nào cho đất nước?
Nếu kẻ cơ hội chính trị vào Trung ương mà không vì Đảng vì nước, vì nhân dân, làm không đúng những công việc được giao, làm ít kể thành tích nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp chung.
Những những kẻ, giấu giếm khuyết điểm, sai sót sẽ làm cho những người làm việc cùng họ sẽ không tin cậy nữa.
Những kẻ này dứt khoát cũng không được tín nhiệm.
-Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, trong quy hoạch, bên cạnh nhấn mạnh đến tiêu chuẩn cũng cần tính đến cơ cấu. Đặc biệt, không quá nặng nề về quy trình hay số phiếu cao thấp, bởi trên thực tế có những người chạy phiếu. Thực tế việc chạy phiếu này như thế nào, thưa ông?
Lúc nào cũng có người chạy phiếu. Những người không có năng lực thực tế, nhưng lại "chạy" người này người khác để mà gây cảm tình và giới thiệu họ vào các cương vị lãnh đạo.
Cái "chạy" này rất nguy hiểm. Việc chạy chức, chạy quyền, chạy tiền là những biểu hiện. Họ không thực chất, không có năng lực và trình độ nhưng lại muốn "chạy" để người ta lưu ý đến họ.
- Yêu cầu đặt ra đối với công tác chuẩn bị nhân sự cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016-2021 là gì, thưa ông?
Như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh "yêu cầu đặt ra là làm thận trọng, chặt chẽ, tập trung nhưng dân chủ, dân chủ nhưng tập trung, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, không được có lợi ích gì ở đây cả, tuyệt đối tránh. Vì nó dính đến công tác chuẩn bị nhân sự, mà nhân là nhân sự cấp cao nên phải giữ gìn, làm phải có bước đi chặt chẽ, chu đáo, cẩn thận"
Do vậy, trong quy hoạch, cấp ủy phải đưa ra để mà đả thông chức năng nhiệm vụ tổ chức, bộ máy rồi yêu cầu tiêu chuẩn của cán bộ.
Yêu cầu những người có liên quan lấy phiếu tín nhiệm, cấp ủy tập hợp những phiếu ấy để trao đổi xem những phiếu đó có đúng, có chính xác không, nếu cảm thấy nó không chính xác thì phải lấy ý kiến lại, phải báo cáo lên cấp quản lý cấp trên và cuối cùng thống nhất đưa vào danh sách quy hoạch.
Phải thực sự dân chủ. Không có lợi ích cá nhân, không thiên vị.
Quan trọng đối với con người là người đó có hoàn thành tốt nhiệm vụ không, đạo đức của họ thế nào, họ ăn ở với gia đình, người quen, xã hội ra sao.
- Các cán bộ cấp chiến lược 2016-2021 phải đảm bảo những tiêu chuẩn gì, thưa ông?
Trong tiêu chuẩn cán bộ có nhiều điểm, nhưng tập trung nhất là những vấn đề về chính trị về tài năng và đức độ, đó là những vấn đề quan trọng nhất.
Về mặt chính trị, phải tuyệt đối trung thành với Đảng với Tổ quốc và nhân dân, phải kiên định lý tưởng XHCN.
Về năng lực phải có kiến thức và kinh nghiệm để làm những việc tổ chức giao, nếu kiến thức không đủ thì không thể làm việc được. Kiến thức ở đây không có nghĩa là bằng cấp, bằng cấp là quan trọng nhưng không phải là quyết định, quan trọng là sự hiểu biết của người đó như thế nào, họ có nhanh nhạy trong công việc không, họ có nắm bắt được tình hình không..
Về mặt đạo đức, họ có trong sáng không, họ có cá nhân chủ nghĩa không, gia đình họ có vấn đề gì không.
- Ông vừa nói đến kiến thức của những cán bộ được quy hoạch, trong đó có kiến thức về lý luận?
Đúng vậy. Tôi phải nhắc lại cái tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ là về chính trị. Tiêu chuẩn quan trọng thứ hai chính là kiến thức, năng lực.
Những người không nói năng gì, không bộc lộ cái nhận thức của mình, giấu bản thân mình thì đó là những người không trung thực. Đó cũng chính là biểu hiện của những kẻ cơ hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Ảnh: Ba ngày của Thủ tướng Pháp ở Việt Nam Chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Édouard Philippe được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ chiến lược Việt - Pháp trong thời gian sắp tới. Ngày 2.11, Thủ tướng Pháp Édouard Philippe tới Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 3 ngày từ 2 - 4.11. Trong ảnh là cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón...