Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng
Ngày 18-3, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) họp để thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo xử lý đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo (BCĐ) theo dõi, chỉ đạo từ sau phiên họp thứ 19 đến nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, kết luận cuộc họp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, kết luận cuộc họp.
Tại cuộc họp, Thường trực BCĐ thống nhất đánh giá: Từ sau phiên họp thứ 19 (tháng 1-2021) của BCĐ đến nay, mặc dù tập trung cao độ cho công tác tổ chức Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, tổ chức cho nhân dân đón Tết trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra sáu vụ án/70 bị can; ban hành cáo trạng truy tố năm vụ án/45 bị can; xét xử sơ thẩm bốn vụ án/15 bị cáo; xét xử phúc thẩm một vụ án/một bị cáo; mở rộng điều tra, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án. Nhất là, đã hoàn thành xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam.
Video đang HOT
Tích cực điều tra, truy tố một số vụ án trọng điểm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 1); (2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI); (3) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; (4) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan.
Cũng trong thời gian này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư thành lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên thuộc diện T.Ư quản lý, kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc, mới phát sinh. Thanh tra Chính phủ hoàn thành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có được những kết quả đó là do BCĐ, Thường trực BCĐ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, chỉ đạo kiên quyết, chặt chẽ, khoa học, bài bản; có sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, trong BCĐ và Thường trực BCĐ, sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân. Các cơ quan chức năng phối hợp nhịp nhàng, làm chắc từng bước, rõ đến đâu xử lý đến đó. Càng làm chúng ta càng rút ra được nhiều kinh nghiệm hay để làm quyết liệt, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ án chậm tiến độ do bị can là chủ mưu trốn ra nước ngoài; do hạn chế trong đánh giá tài sản tuy được khắc phục những vẫn chậm; việc thu hồi tài sản có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao, chưa hết, còn bị tẩu tán ra nước ngoài cần phải có thời gian.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh PCTN với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không dừng”, “không nghỉ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Đồng thời, khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về PCTN theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 – 2020. Tinh thần là, nhiệm kỳ Đại hội XIII phải làm mạnh mẽ, hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước; không ngại khó, càng khó càng phải quyết tâm cao, càng phải phối hợp tốt hơn nữa. Các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.
Phấn đấu kết thúc điều tra bốn vụ án; ban hành cáo trạng truy tố tám vụ án; xét xử sơ thẩm 11 vụ án; xét xử phúc thẩm tám vụ án và kết thúc xác minh, xử lý 10 vụ việc theo đúng kế hoạch của BCĐ. Nhất là khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm năm vụ án: (1) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), quận 1, TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương và một số đơn vị có liên quan; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; (3) Vụ án “Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan; (4) Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (giai đoạn 1); (5) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và một số cơ quan, đơn vị có liên quan.
Thường trực BCĐ thống nhất đề xuất BCĐ kết thúc chỉ đạo xử lý đối với bảy vụ án, một vụ việc thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, do đã kết thúc việc xử lý theo quy định của pháp luật; chuyển bảy vụ án, một vụ việc cho Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc; thống nhất bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo.
Đối với một số kiến nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gợi mở có thể báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị bổ sung, chức năng, nhiệm vụ của BCĐ, không chỉ có chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng mà bao gồm cả tiêu cực, lãng phí. Vì thế, có thể gọi là Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng, kể cả tham nhũng chính trị, ham hố quyền lực, chạy bè kéo cánh. Cũng vì tham nhũng mà làm suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đấu tranh phòng, chống trong lĩnh vực này ngày càng thấy cần thiết, rất cần thiết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng ý cho rằng, tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ đúng Điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ BCĐ, cán bộ ở các cơ quan PCTN phải có trình độ chuyên môn cao, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh vững vàng, phải là những cán bộ mẫu mực. Đồng thời có cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh, làm tốt thì khen thưởng cả vật chất và tinh thần, để khích lệ làm tốt hơn. Tiền thưởng phải lấy từ ngân sách nhà nước, không lấy từ tiền tham nhũng thu hồi được. Cơ quan, cá nhân làm không tốt thì có hình thức xử lý đúng mức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong chỉ đạo có sự phối hợp, phân công, kiểm tra, đôn đốc tốt hơn nữa, bảo đảm làm đúng chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, không bỏ sót, không được “cua cậy càng, cá cậy vây”, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, tất cả vì sự nghiệp chung để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
Phòng, chống tham nhũng - dấu ấn nổi bật
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, cùng với những thành tựu "rất quan trọng" và "khá toàn diện" trên các lĩnh vực, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là một trong những điểm sáng, là dấu ấn nổi bật, với những chuyển biến rất tích cực, nâng cao rõ rệt về chất.
Nhiều sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: Hải Ngọc
Bước sang giai đoạn mới Theo ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức T.Ư), nếu như ở Đại hội XI, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCNT), lãng phí chỉ được đề cập trong phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì Đại hội XII, vấn đề đấu tranh PCTN được đề cập cả trong phần xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng. Qua đó, đã nói lên quyết tâm chính trị của Đảng ta đối với tệ nạn nguy hiểm này, coi tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước và chế độ. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: "Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng". Có thể thấy, từ Đại hội XII, công cuộc chống tham nhũng do Đảng phát động bước sang một giai đoạn mới, với những chủ trương, cách làm, hướng đi ngày càng quyết liệt, triệt để. Hàng loạt các đạo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng đã được xây dựng, sửa đổi như Luật PCTN, nâng cao hiệu quả "thanh bảo kiếm" pháp luật. Cùng với đó là Bộ luật Hình sự; Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi); Luật Tố cáo... đã được hoàn thiện thêm.
Riêng ngành Nội chính của Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã hoàn thành 17 đề án lớn, trên cơ sở đó, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo ban hành 5 quy định, 1 quyết định, 2 chỉ thị, 6 kết luận, 1 hướng dẫn. "Đây là những văn bản có tầm quan trọng đặc biệt, có vai trò định hướng, chỉ đạo đối với công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp nhiệm kỳ qua" - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính T.Ư Võ Văn Dũng cho biết.
Những quan điểm, chủ trương bao trùm trong công tác PCTN như "Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài, phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách", "xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", "hoàn thiện thể chế chặt chẽ để không thể tham nhũng, xử lý nghiêm khắc để không dám tham nhũng, chăm lo các điều kiện bảo đảm để không cần tham nhũng, giáo dục liêm chính để không muốn tham nhũng"... được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó, cả hệ thống chính trị tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, được phát hiện, xử lý nghiêm, khắc phục dần tình trạng "trên nóng dưới lạnh", góp phần đem lại kết quả tích cực, rõ rệt, toàn diện.
Con số thống kê cho thấy, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (ngày 1/2/2013) đến nay. cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã khởi tố, điều tra 7.270 vụ với 12.303 bị can, truy tố 5.976 vụ với 11.613 bị can, xét xử sơ thẩm 5.641 vụ với 10.970 bị cáo về các tội tham nhũng, quản lý kinh tế và các tội phạm khác về chức vụ. Riêng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã chỉ đạo xử lý 125 vụ án, 91 vụ việc. Chỉ đạo xét xử sơ thẩm 66 vụ án với 604 bị cáo, xét xử phúc thẩm 50 vụ án với 475 bị cáo. Trong đó, đã xử lý dứt điểm một số vụ việc, vụ án lớn lâu nay được cho là "vùng cấm, nhạy cảm", kéo dài từ nhiều năm trước. Đã thu hồi 67.930 tỷ đồng trong số 118.367 tỷ đồng, một số vụ tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 100%.
Tiếp tục khắc phục "khoảng trống, khe hở"
Một điểm nhấn trong thời gian qua là những ách tắc, khâu yếu trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là khắc phục việc cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật đã được khắc phục. Các tỉnh ủy, thành ủy tiến hành 1.600 cuộc kiểm tra, giám sát và rà soát 44.600 kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, qua đó, góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém kéo dài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kiến nghị chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc, vụ án sai phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN.
"Mặc dù tham nhũng đang từng bước được kiềm chế nhưng tình hình tham nhũng dự báo vẫn còn phức tạp. Điều này đòi hỏi chúng ta không được thỏa mãn với những thành tích đạt được mà phải tiếp tục đẩy mạnh PCTN, quyết liệt, thường xuyên, liên tục"- đó là nhận định được lãnh đạo Đảng, nhà nước liên tục nhấn mạnh. Việc kịp thời khắc phục những "khoảng trống, khe hở" để "không thể tham nhũng", nhất là các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tài sản, thu nhập và xử lý tài sản bất minh của cán bộ tiếp tục được đặt ta.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông (Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư), Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát hợp, khả thi để kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, lãng phí. Trong đó để "không muốn tham nhũng" sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về PCTN, nhất là người đứng đầu, kiên trì giáo dục đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng.
Giải pháp để "không thể tham nhũng" là đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là trong công tác cán bộ; kiểm soát quyền lực, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ... Phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN... để "không dám tham nhũng". Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương và các chính sách đãi ngộ hợp lý cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để "không cần tham nhũng".
Bày tỏ với Tổng Bí thư, cử tri mong 'lò nóng' hơn để sắt, thép cũng phải tan chảy Tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 10, đại biểu Đỗ Bá Quát (Quán Thánh) cho rằng, thời gian qua "lò chống tham nhũng" đã "nóng", song tới đây cần phải "nóng" hơn để sắt thép có bị đưa vào "lò" cũng phải tan chảy chứ không chỉ "củi tươi". Tổng Bí thư, Chủ tịch...