Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng Công an
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Công an nhân dân Việt Nam, cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam như hai cánh chim hòa bình, hai lực lượng quan trọng, là thanh kiếm và lá chắn để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ngày 21/9, tại trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã có buổi làm việc với Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương để cho ý kiến về dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Buổi làm việc do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Ủy viên Bộ Chính trị khác.
Đây là buổi làm việc thuộc tuần thứ 2, đợt 3 trong kế hoạch làm việc của Bộ Chính trị theo nhóm với 67 đảng bộ trực thuộc Trung ương. Đây cũng là buổi làm việc thứ 4 của tập thể Bộ Chính trị với một đảng bộ trực thuộc Trung ương do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Tại buổi làm việc, Bộ Chính trị cho ý kiến về dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trình Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhất trí với các ý kiến đánh giá sâu sắc, đóng góp tâm huyết của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; đồng thời nhấn mạnh ba vấn đề Đảng bộ Công an cần chú trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm kỳ tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Công an nhân dân Việt Nam, cùng với Quân đội nhân dân Việt Nam như hai cánh chim hòa bình, hai lực lượng quan trọng, là thanh kiếm và lá chắn để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng, từ đó thấy rõ trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng, nhưng cũng là vinh dự của lực lượng Công an nhân dân.
Video đang HOT
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, lực lượng Công an cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu trong thời kỳ hội nhập quốc tế; chủ động làm tốt công tác nắm, nghiên cứu, dự báo tình hình, tham mưu chính xác về chủ trương, giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong tình hình mới; không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì, nhất quán quan điểm, chủ trương đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn, lực lượng Công an xây dựng tổ chức, xây dựng con người trong sạch, gương mẫu, liêm chính; đừng vì chức, vì quyền, vì tiền mà làm việc xấu; nội bộ phải đoàn kết, không được để mất uy tín, danh dự Công an nhân dân, bởi danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội, các cơ quan hữu quan, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy nhà nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn sẵn sàng vì nước quên thân, vì dân phục vụ, còn Đảng còn mình. Người chiến sĩ Công an nhân dân phải luôn trong sáng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, xứng đáng với truyền thống Công an nhân dân Việt Nam Anh hùng…
Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã chủ trì buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Thường vụ Thành ủy TP HCM, Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Thường vụ Quân ủy T.Ư.
Nội dung chính của các buổi làm việc là Bộ Chính trị cho ý kiến dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy và dự thảo nghị quyết trình đại hội đảng bộ; dự thảo báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban chấp hành đảng bộ và phương án nhân sự của cấp uỷ.
Đối với phương án nhân sự của cấp uỷ, Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến về quá trình chuẩn bị nhân sự, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ và tiêu chuẩn, nhất là cơ cấu về độ tuổi, tỷ lệ tuổi trẻ, tỷ lệ nữ, tỷ lệ tái cử.
Tổng Bí thư chủ trì làm việc với Thành ủy Hà Nội
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, yêu cầu đặt ra với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác.
Ngày 19/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc làm việc.
Cùng tham dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các Ủy viên Bộ Chính trị; lãnh đạo nhiều ban, ngành, cơ quan Trung ương.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá: Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo, công phu, nghiêm túc, khoa học cả công tác văn kiện và nhân sự trình Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, bảo đảm đúng yêu cầu Chỉ thị 35-CT/TW và các văn bản hướng dẫn của Trung ương.
Thành ủy Hà Nội đã tổ chức sơ kết, tổng kết 8 chương trình công tác lớn nhiệm kỳ khóa XVI; xin ý kiến của nhiều bộ, ban, ngành Trung ương, cán bộ, đảng viên, nhân dân, thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ trong Đảng, trong nhân dân.
Bộ Chính trị cơ bản nhất trí chủ đề Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, bảo đảm đầy đủ, cô đọng, thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng bộ, nhân dân thành phố, bảo đảm tính kế thừa, phát triển kết quả của nhiệm kỳ trước.
Dự thảo Báo cáo Chính trị có tính khái quát cao, bám sát 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đánh giá khá đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được trên các lĩnh vực; chỉ ra 7 nhóm hạn chế, khuyết điểm, 5 bài học kinh nghiệm. Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tập trung vào 14 vấn đề, trong đó khẳng định vai trò, tầm quan trọng hàng đầu của nhiệm vụ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch vững mạnh.
Bộ Chính trị cho rằng, Dự thảo Báo cáo Chính trị cần phân tích, tổng kết, so sánh với vùng, cả nước, với nhiệm kỳ trước, nâng cao hơn nữa tính khái quát, tính lãnh đạo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Bộ Chính trị phân tích, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; đồng thời gợi mở một số nội dung cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung trong nhiệm kỳ tới. Trước hết, cần rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu về phát triển kinh tế cho phù tình hình thực tế, nhất là dưới tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Với GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, Hà Nội bước sang giai đoạn phát triển mới, khác về chất, cần nghiên cứu, bổ sung một số chỉ tiêu phát triển bền vững như chỉ số phát triển con người, tuổi thọ, chỉ số bền vững môi trường...
Bộ Chính trị lưu ý, Hà Nội cần hướng tới trình độ phát triển ngang tầm khu vực và quốc tế; phân tích sâu hơn nguyên nhân của việc thành phố chưa tạo được các "đột phá lớn" cho phát triển kinh tế; làm rõ hơn việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thủ đô (Luật Thủ đô, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội...).
Bộ Chính trị nhấn mạnh, cần đánh giá, làm rõ vai trò trung tâm của Thủ đô là đầu tàu dẫn dắt, đồng thời chia sẻ lợi ích với các địa phương trong vùng và cả nước, từ đó đề ra chiến lược phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, là động lực lan tỏa, hạt nhân để gắn kết hiệu quả, bền vững và tích hợp được tiềm năng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong vai trò trung tâm, cửa ngõ quốc tế và thể hiện vai trò hạt nhân, tiên phong, dẫn dắt của Hà Nội.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội của Thành ủy Hà Nội; đồng thời lưu ý một vấn đề lớn cần chú trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ sắp tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa vị trí, vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô và Đảng bộ Thủ đô.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải đi đầu, mẫu mực, làm gương về tất cả mọi phương diện, lâu nay đã quyết tâm rồi, Đại hội này cần có bước chuyển biến mới - đây là yêu cầu khách quan. Nói đến Hà Nội phải nói đến toàn diện các lĩnh vực, phát triển kinh tế là quan trọng, nhưng phải chú trọng văn hóa, Hà Nội phải văn minh, thanh lịch, cụ thể hóa tiêu chí xây dựng người Hà Nội, xây dựng Thủ đô, đặc biệt là vấn đề quản lý đô thị, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não Trung ương... Hà Nội trước hết là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, tiêu biểu cho nền văn hóa Việt Nam, phát triển kinh tế nhưng phải có văn hóa, có quy hoạch, không phát triển tự do, lộn xộn... đã làm thì dứt điểm, đúng kế hoạch.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: Muốn vậy phải xây dựng Đảng, xây dựng con người, xây dựng tổ chức, kỷ cương kỷ luật, làm ăn bài bản, có kiểm tra, phân công trách nhiệm rõ ràng; làm được thì thưởng không làm được thì phạt, vi phạm thì xử lý. Tổ chức Đảng phải tốt, lãnh đạo phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, nhạy bén, chủ trương đúng, hành động quyết liệt, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, xử lý cho nghiêm, tuyệt đối không được tự mãn...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý, Thủ đô Hà Nội là bộ mặt cả nước, bộ mặt quốc gia, hình ảnh Việt Nam, cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Trung ương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Trung ương có trách nhiệm quan tâm giúp đỡ Hà Nội, tạo điều kiện về cơ chế, bố trí cán bộ...; đồng thời Hà Nội cũng phải vận dụng và phát triển sáng tạo, từ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, có bước đi, cách làm phù hợp; phối hợp với các địa phương khác. Mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng, Hà Nội cần tăng cường hợp tác, tận dụng thế mạnh của các địa phương khác, với tinh thần Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện, chuẩn bị thật tốt và tổ chức Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội thành công thực chất, tạo dấu ấn tốt đẹp trong nhiệm kỳ tới, đưa Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển, đi lên.
Tướng Lê Văn Cương: Hai điểm nhấn quan trọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi gắm Trả lời phỏng vấn PLVN, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - tỏ ra rất tâm đắc với bài viết có nhan đề: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" mới đây của Tổng Bí thư,...