Tổng Bí thư: “Chạy chức chạy quyền, nay đã làm rõ việc ai chạy, chạy ai”
“Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai. Nay đã làm rõ một bước nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở, nhấn mạnh về nhận thức xung quanh công tác xây dựng Đảng trên cơ sở nhìn lại công tác này trong thời gian qua.
Tổng Bí thư khẳng định, ngành tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với lịch sử phát triển của Đảng. Với ý nghĩa đó, có thể nói, trong toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu của Đảng thì Ban Tổ chức Trung ương và Ban tổ chức các cấp có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Ban có chức năng tham mưu cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp uỷ các cấp về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, xây dựng Đảng; trực tiếp là về công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?”.
Trong 2 lĩnh vực của công tác, trước hết về “tổ chức”, Tổng Bí thư nhắc đến nguyên tắc tổ chức; hệ thống tổ chức; cơ cấu tổ chức, biên chế; cơ chế vận hành, lề lối làm việc; sự phân công và phối hợp trong mỗi tổ chức cũng như giữa các tổ chức trong một hệ thống. Còn về lĩnh vực “cán bộ”, đó là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đánh giá, lựa chọn cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ; và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ…
“Đây là công việc con người đối với con người cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm” – Tổng Bí thư lưu ý.
Người lãnh đạo đứng đầu Đảng nhấn mạnh: “Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Chúng ta càng ngày càng thấm thía “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”.
Tổng Bí thư so sánh, nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của Ban tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Nếu “chốt” rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái “chốt” này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào.
Tổng Bí thư đánh giá cao nỗ lực, đóng góp của Ban Tổ chức Trung ương từ sau Đại hội XII đến nay, trước hết là việc khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự. Tiếp nữa, Ban Tổ chức đã tích cực, chủ động tham mưu để xây dựng Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những việc đó đã góp phần chỉnh đốn Đảng trên tinh thần lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, lấy “chống” là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Ban Tổ chức cũng tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung khắc phục hạn chế, sơ hở trong công tác cán bộ, góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ. Tổng Bí thư điểm lại quy định về luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ, xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ, quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng…
Dù vậy, bên cạnh những thành tích, kết quả, Tổng Bí thư cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.
Thực tế, tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.
Video đang HOT
“Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?… Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?” – Tổng Bí thư nêu vấn đề.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư lưu ý, tư tưởng chỉ đạo chung là phải tiếp tục cụ thể hoá Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.
Tổng Bí thư phân tích, năm 2017 ngành làm được nhiều việc, năm 2018 tiếp tục làm và còn nhiều việc phải làm. Thuận lợi là cả hệ thống chính trị đang có khí thế, hăng hái vào cuộc; cấp uỷ các cấp đang đặc biệt quyết tâm; nhân dân đang hồ hởi, ủng hộ. Tổng Bí thư đặt câu hỏi, vậy những người làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng chúng ta thế nào? Có lẽ hơn ai hết chúng ta càng phải khí thế, đẩy mạnh và làm quyết liệt hơn, nỗ lực hơn, trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình với tinh thần kiên quyết, kiên trì đưa các Nghị quyết của Trung ương vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét và biến thành hiện thực sinh động.
Tổng Bí thư cũng giao nhiệm vụ trước mắt là hoàn thiện đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” để trình Hội nghị Trung ương 7.
Lãnh đạo Đảng yêu cầu chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
“Ngay từ năm 2014, tôi nêu vấn đề, trong nhân dân có nói chuyện chạy chức chạy quyền, đề nghị làm rõ, có hay không, ai chạy, chạy ai; nay đã làm rõ một bước nhưng đây vẫn là vấn đề nhức nhối” – Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhắc nhở, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.
P.Thảo
Theo Dantri
Giảm tối thiểu 400.000 biên chế trong 4 năm tới
Thu gọn cấp xã, tổ chức linh hoạt sở ngành, giảm đơn vị trực thuộc bộ... là giải pháp được nêu trong Nghị quyết của Trung ương.
Hội nghị Trung ương 6, khoá 12 đã ban hành Nghị quyết về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Hà (thành viên tổ biên tập dự thảo Nghị quyết, Ban Tổ chức Trung ương) cho hay, Nghị quyết đề ra bốn nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2021, bao gồm việc giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015.
Theo ông, hiện có bốn triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không tính lực lượng vũ trang), với mục tiêu trên thì nhiệm vụ của các cơ quan trong bốn năm tới là giảm tối thiểu 400.000 biên chế.
Thu gọn cấp xã
Nghị quyết của Trung ương đề ra việc sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; giảm số lượng thôn, tổ dân phố.
Quy định hiện hành yêu cầu cấp xã phải từ 30 km2 và 5.000 người trở lên, tuy nhiên ông Hà cho biết cả nước có tới 724 xã chưa đạt một nửa tiêu chí về dân số và diện tích tự nhiên; thậm chí nhiều xã - phường chưa đến một km2.
"Những xã nhỏ quá sẽ được nhập lại. Hiện trung bình mỗi xã có trên 20 công chức, chưa kể những người hoạt động không chuyên trách. Việc sáp nhập hàng trăm xã sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách cả nghìn tỷ đồng mỗi năm", ông Hà nói.
Ông Nguyễn Đức Hà cho biết Trung ương Đảng đặt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Ảnh: Vinh An
Tổ chức linh hoạt sở ngành cấp tỉnh
Về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết tới đây sẽ phân cấp mạnh cho địa phương, "không áp khung chung cho tất cả tỉnh, thành như trước mà tạo cơ chế mở, trao quyền chủ động cho cơ sở".
Cụ thể, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh sẽ được tổ chức thành hai nhóm, gồm các sở ngành mà địa phương nào cũng có, gọi tắt là sở "cứng" như Sở Giáo dục Đào tạo, Sở Y tế...
Nhóm còn lại là các sở ngành được tổ chức sở phù hợp với mô hình chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc thù chuyên ngành (sở "mềm"), ví dụ Sở Ngoại vụ, Ban Dân tộc, Sở Du lịch...
"Chính quyền địa phương được quyền xem xét, quyết định nên hợp nhất, giải thể, có thành lập hay không sở ngành nào để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.
Tương tự, Trung ương chỉ quy định chung về số lượng cấp phó và địa phương được quyền bố trí cụ thể, miễn sao không vượt khung.
Giải thích nội dung trên, ông Nguyễn Đức Hà nêu ví dụ, một tỉnh có 15 sở ngành, trung bình mỗi sở ngành có 3 phó, tổng cộng là 45 cấp phó. "Nếu Sở Nông nghiệp nhiều việc, tỉnh có thể bố trí 4 phó giám đốc, Sở Tư pháp ít việc thì một phó, miễn sao toàn tỉnh không quá 45 nhân sự cấp phó", ông Hà nói. Ông cũng cho rằng, việc cắt giảm người làm lãnh đạo, quản lý sẽ giúp ngân sách bớt gánh nặng về phương tiện, trụ sở, phụ cấp...
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết các sở ngành ở địa phương sẽ được tổ chức linh hoạt. Ảnh: Hoài Thu
Giảm số lượng đơn vị trong các bộ
Trung ương thống nhất yêu cầu tinh gọn đầu mối bên trong, giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ...
"Sau ba nhiệm kỳ, từ khóa 11 đến nay nay, số tổng cục tăng gấp đôi, lên 42 đơn vị. Nghĩa là bộ máy có 42 tổng cục trưởng, khoảng 200 tổng cục phó, chưa kể các đơn vị bên trong tổng cục cũng phát sinh theo. Chỉ giảm riêng chỗ này cũng rất đáng kể rồi", ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông, Trung ương Đảng đã yêu cầu tiếp tục nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những cơ quan có chức năng tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp.
"Việc nghiên cứu này là cơ sở thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo...", ông Hà nói.
Cơ chế tiền lương theo sau việc tổ chức bộ máy
Không phải lần đầu nỗ lực tinh giản biên chế được triển khai, tuy nhiên nhiều năm qua Chính phủ đối mặt với tình trạng "càng nói tinh giản bộ máy càng phình ra". Vậy lần này có gì khác?
Theo ông Hà, lần này Trung ương nêu rõ Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của toàn hệ thống chính trị; ở Trung ương trực tiếp là Bộ Chính trị; ở địa phương trực tiếp là ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh.
Cụ thể, Ban Tổ chức Trung ương quản lý hệ thống tổ chức của Đảng và đoàn thể; Bộ Nội vụ quản biên chế khối nhà nước; Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý biên chế Quốc hội; Chủ tịch nước quản Văn phòng Chủ tịch nước và khối tư pháp...
"Bộ ngành nào muốn tăng thêm một vụ, cục hoặc tương đương trở lên thì phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Như vậy là không dễ hay nói đúng hơn là không thể tự tiện phát sinh bộ máy và biên chế", ông Hà phân tích.
Thời gian tới, cấp có thẩm quyền sẽ phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Ví dụ giảm 10% biên chế, "anh thực hiện tốt được khen thưởng, nếu không sẽ có chế tài. Đây là tiêu chí để cất nhắc, đề bạt cán bộ".
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho hay, biên chế được tinh giản dựa trên 3 trụ cột chính là giảm đầu mối; tổ chức lại cơ cấu bên trong và sắp xếp chức năng các đơn vị không trùng lặp.
"Hội nghị Trung ương 7 trong năm tới sẽ bàn về cơ chế tiền lương, chính là dựa trên cơ sở giải quyết được hai Nghị quyết lần này về sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập", ông Tân cho biết.
Theo Hoàng Thuỳ - Võ Hải - Anh Minh (VNE)
Tổng Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An Trong 2 ngày 29-30.10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm, làm việc tại tỉnh Nghệ An, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng trên địa bàn sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng;...