Tổng Bí thư: Cán bộ về địa phương không phải kiểu “chuồn chuồn đạp nước”
Sáng nay 6/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi tiếp xúc cử tri tại 2 quận Tây Hồ, Ba Đình (Hà Nội). Tổng Bí thư đánh giá ý kiến của các cử tri mang tầm vĩ mô, rất đúng và trúng.
Nhiều Bộ trưởng còn né tránh câu hỏi của dân
Sáng nay, tại buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn 2 quận Tây Hồ và Ba Đình trước kỳ họp thứ VIII Quốc hội khoá XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được nghe nhiều ý kiến của các cử tri bày tỏ sự lo lắng đối với nhiều chính sách, luật pháp, vấn đề cơ cấu kinh tế của đất nước…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại 2 quận Tây Hồ và Ba Đình.
Các cử tri nêu ý kiến, trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) chưa phản ánh hết những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm. Một số Bộ trưởng tham gia chương trình trả lời còn chung chung, có khi còn né tránh không trả lời trực tiếp vào các câu hỏi, chưa thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng và chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Lãnh đạo Đài THVN cho biết, bên cạnh nhiều Bộ trưởng trả lời tốt, chất lượng, đúng, trúng vấn đề người dân quan tâm, vẫn còn những Bộ trưởng trả lời chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Điều này do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là phụ thuộc vào mức độ thẳng thắn của Bộ trưởng trước vấn đề mà người dân quan tâm.
Đài THVN cũng đã nhận thức được vấn đề này và đã nỗ lực nâng cao chất lượng chương trình thông qua nghiệp vụ đặt câu hỏi phỏng vấn của phóng viên, qua đó giúp các Bộ trưởng thể hiện một cách tốt nhất, dễ hiểu nhất vấn đề được đề cập.
Theo thống kê của Đài, hơn 70% câu hỏi được gửi đến Bộ LĐ-TB&XH với nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách dành cho người có công, số còn lại tập trung phần lớn vào các vụ việc tranh chấp đất đai gửi đến Bộ Tài nguyên – Môi trường.
Đài THVN tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri, tiếp tục nâng cao chất lượng chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, lựa chọn những vấn đề nóng, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm để làm chủ đề phỏng vấn, đối thoại, đồng thời khai thác vấn đề một cách sâu sắc, đa chiều.
Cán bộ vừa về địa phương đã được “nhấc” lên Trung ương?
Tại buổi tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Hồng Toán (Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ) đánh giá cao về công tác xét xử các vụ “đại án” kinh tế thời gian qua; điển hình như vụ “bầu” Kiên, vụ Nguyễn Viết Hùng ở Đà Nẵng bị đưa ra xét xử và tử hình… Đại biểu Toán nhận định, nếu chúng ta không làm được một cách nghiêm khắc như thế, sẽ không thể giải quyết được tình trạng thoái hoá biến chất của một số bộ phận cán bộ đang rất nghiêm trọng.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán cho rằng một số cán bộ của ngân hàng làm việc không tốt.
Ông Đặng Tài Tính (phường Cống Vị, quận Ba Đình) nêu quan điểm, ông cảm thấy rất xót xa trước tình hình nông nghiệp, nông thôn hiện nay ở nước ta. Đất nước ta chủ yếu làm nông nghiệp song nông dân phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, bỏ ra cả tỉ USD để nhập các nguồn nguyên liệu thực phẩm, thức ăn chăn nuôi… Gây ra tình trạng người nông dân thiếu gắn bó với đồng ruộng.
Ngoài ra một số đại biểu còn nêu vấn đề công tác quản lý cán bộ, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại vấn đề bố trí, sắp xếp và quản lý cán bộ từ TƯ đến địa phương. Có nơi được trên sắp xếp về địa phương vừa làm cán bộ chưa được bao lâu thì đã lên TƯ hoặc từ TƯ đưa về song địa phương chưa kịp “ấm chỗ” thì đã rút về TƯ, làm đảo lộn công tác cán bộ, thời gian đó chưa đủ trải nghiệm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Không có chuyện cán bộ được TƯ điều động về địa phương kiểu “chuồn chuồn đạp nước”.
Video đang HOT
Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao ý kiến của các cử tri. Tổng Bí thư cho rằng các vấn đề cử tri quan tâm đều mang tâm vĩ mô, rất đúng và trúng, thể hiện sự quan tâm của người dân đến tình hình chung của đất nước.
Về vấn đề nông nghiệp, Tổng Bí thư cho biết, đến bây giờ năng suất lúa của chúng ta khác xa so với xưa. Cả nước một năm làm hơn 40 triệu tấn lúa gạo, xuất khẩu gạo hơn 7 triệu tấn, đứng thứ 2 trên thế giới, có lúc đứng thứ nhất.
Chúng ta đang chuyển đổi cơ cấu lao động nên một loạt lao động nông thôn ra thành phố đi xuất khẩu lao động. Cụ thể ở Hàn Quốc có khoảng 7 vạn lao động là người Việt Nam cùng 5 vạn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc; 5.000 học sinh, sinh viên đang sinh sống và học tập ở đó chưa tính ở các nước khác. Tuy nhiên, cuộc sống của bà con nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa.
Về vấn đề đào tạo cán bộ, Tổng Bí thư khẳng định, không có chuyện TƯ cử cán bộ xuống địa phương kiểu “chuồn chuồn đạp nước” được 1- 2 năm rồi điều chuyển đi nơi khác, mà phải đủ 3 năm trở lên. Trừ một số trường hợp đặc biệt cần thiết phải rút lên. Cũng không phải cán bộ nào về địa phương cũng được lên chức. Không phải cốt xuống để lấy “mác” mà đi để lấy kinh nghiệm thực tế từ địa phương.
Vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, lần nào tiếp xúc cử tri cũng được nghe vấn đề này, lãnh đạo Đảng nói không ai “bật đèn xanh” cho hành động tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên phải làm sao xây dựng được luật, cơ chế để cho anh muốn tham nhũng cũng không dám tham nhũng, sợ không dám tham nhũng, không có cơ hội để tham nhũng.
Kỳ họp Quốc hội lần này khá “nặng”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp cuối năm, là kỳ họp có chương trình khá nặng. Kỳ họp lần này sẽ được Quốc hội thảo luận và thông qua 17 Luật, 3 Nghị quyết, đồng thời cho ý kiến 12 dự án luật khác mà toàn những luật khó, quan trọng ví dụ Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư… Đồng thời gửi 33 báo cáo khác để đại biểu Quốc hội đọc. Dự kiến, ngày 20/10, Quốc hội sẽ khai mạc và họp kéo dài trong khoảng 40 ngày.
Theo Dantri
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và nói chuyện tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc, chiều 2/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nói chuyện với các giáo sư, học giả, giảng viên, sinh viên Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc ở thủ đô Seoul.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài nói chuyện có tiêu đề "Tăng cường Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Trường Đại học nghiên cứu quốc tế Hàn Quốc.
(Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
"Thưa Ngài Hiệu trưởng,
Thưa các vị khách quý,
Thưa các giáo sư và các bạn sinh viên thân mến,
Nhân dịp sang thăm Hàn Quốc, hôm nay, tôi rất vui mừng được đến thăm và gặp gỡ, trao đổi với các vị khách quý, các giáo sư, học giả, giảng viên và sinh viên tại Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc danh tiếng. Tôi chân thành cảm ơn Ngài Hiệu trưởng và các bạn đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp hết sức nồng hậu, thân tình.
Tôi xin chúc mừng Ngài Hiệu trưởng, các thế hệ lãnh đạo, giáo viên và sinh viên Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc về những thành tựu to lớn mà nhà trường đã đạt được trong suốt 60 năm qua với tư cách là Trung tâm đào tạo các doanh nhân, chuyên gia, nhà nghiên cứu và các nhà ngoại giao xuất sắc của Hàn Quốc; cái nôi của nhiều thế hệ tài năng có nhiều đóng góp làm rạng danh đất nước Hàn Quốc. Tôi được biết Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc hiện nay đang dẫn đầu Hàn Quốc và thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực toàn cầu hóa, quốc tế học và đào tạo ngoại ngữ. Những kiến thức, kỹ năng lãnh đạo và chuyên môn mà nhà trường đang trang bị cho sinh viên là rất cần thiết và quan trọng để góp phần phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay. Những thành công của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc là biểu trưng cho hình mẫu của một nền giáo dục đại học tiên tiến, hiện đại, là minh chứng sinh động cho sự thành công của Hàn Quốc trong chính sách đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người, vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng. Tôi đánh giá cao việc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc đã đi tiên phong trong việc tổ chức đào tạo tiếng Việt và nghiên cứu về Việt Nam. Tôi cũng rất vui được gặp các sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường hôm nay.Một lần nữa, xin chúc mừng và gửi lời chào đến tất cả các bạn!
Thưa quý vị và các bạn,
Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là nhằm đẩy mạnh toàn diện và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc được thiết lập cách đây 5 năm. Do đó, nội dung chủ yếu mà tôi muốn trao đổi với các bạn hôm nay là về Việt Nam, Hàn Quốc và quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Trong hơn nửa thế kỷ qua, Đại Hàn Dân Quốc đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc. Từ một nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh, Hàn Quốc đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu; từ năm 1996 đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và gần đây là thành viên Nhóm G-20. Hàn Quốc đã vươn lên làm chủ và đi tiên phong trong nhiều lĩnh vực công nghệ hiện đại của thế giới, luôn tìm thấy cho mình các động lực phát triển mới bằng những nỗ lực cải cách để tiếp tục tiến bước trên con đường đi tới phồn vinh. Nhiều kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc là hết sức quý báu và rất đáng được các nước khác tham khảo, học tập, trong đó có bài học về phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, phát huy vai trò con người với tư cách là chủ thể và là nhân tố quyết định nhất của quá trình phát triển.
Việt Nam cũng là nước bị tàn phá và phải chịu hậu quả hết sức nặng nề bởi chiến tranh tàn khốc, kéo dài và bị bao vây, cấm vận. Công cuộc Đổi mới được tiến hành trong gần 30 năm qua đã đem lại những thay đổi tích cực và lớn lao cho đất nước chúng tôi. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, Việt Nam đang nỗ lực cải cách và đổi mới để chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ một nền kinh tế khép kín với bên ngoài, bị cô lập và cấm vận, Việt Nam đã khai thông, mở rộng và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, thúc đẩy xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhờ đó mà kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao trong suốt 30 năm qua, Việt Nam từ một nước kém phát triển đã ra khỏi nhóm các nước nghèo, gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 8% năm 2013, tuổi thọ bình quân tăng từ 62 tuổi lên 73 tuổi trong cùng khoảng thời gian đó.
Việt Nam đã tích cực triển khai đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập tự chủ, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Với phương châm là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, từ chỗ chỉ có quan hệ ngoại giao với hơn 30 nước vào năm 1986, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 184 nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc. Việt Nam đã tham gia và trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, ASEM, APEC, WTO và nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế khác.
Các bạn thân mến,
Mặc dù đạt được những thành tựu nói trên nhưng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, một phần là do xuất phát điểm của chúng tôi quá thấp, do tác động của những diễn biến khách quan và quan trọng nhất là những hạn chế chủ quan. Chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, khoảng cách về trình độ phát triển so với nhiều nước trong khu vực còn lớn. Công tác quy hoạch, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường,...còn nhiều hạn chế. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ quyền quốc gia đứng trước nhiều thách thức mới.
Mục tiêu cơ bản của chúng tôi là phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, từng bước xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Trước mắt, để phát huy những thành quả, khắc phục hạn chế và vượt qua thách thức, chúng tôi đang tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đang hướng tới là mô hình tăng trưởng dựa trên nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để phát triển nhanh và bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.
Mô hình tăng trưởng đó đòi hỏi phải chuyển từ chú trọng tăng trưởng theo số lượng sang tăng trưởng về chất lượng dựa trên cơ sở ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, tri thức, lao động kỹ năng và được thực hiện trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường hiện đại; chuyển từ chủ yếu dựa vào gia công sang tăng trưởng dựa trên đổi mới, sáng tạo; dựa đồng thời cả vào đầu tư, xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước. Việc cơ cấu lại nền kinh tế tập trung vào các lĩnh vực then chốt: cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đó là: đột phá về thể chế kinh tế, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng phát triển xanh, bền vững; đẩy mạnh ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất.
Đi đôi với phát triển kinh tế, chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người lao động, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, phấn đấu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền. Tập trung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực.
Quá trình tiếp tục đổi mới này của Việt Nam diễn ra cùng lúc với việc Hàn Quốc bước vào chu kỳ phát triển mới đang mở ra những cơ hội to lớn cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta.
Thưa quý vị và các bạn,
Mối quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã khởi nguồn từ rất sớm. Theo các bằng chứng lịch sử, vào khoảng thế kỷ thứ 13, các hoàng tử của Triều Lý ở Việt Nam là Lý Dương Côn và Lý Long Tường đã sang Hàn Quốc sinh sống, đồng hành cùng với dân tộc Hàn trong suốt quá trình xây dựng và đấu tranh bảo vệ đất nước, được triều đình và nhân dân Hàn Quốc yêu mến và ghi nhận công trạng. Nhân dân hai nước chúng ta có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, cùng có truyền thống tự lực, tự cường. Trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, hai nước có lúc đã từng ở hai bên chiến tuyến khác nhau nhưng ngày nay đã trở thành đối tác chiến lược của nhau. Cách đây 22 năm, khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, có lẽ chưa ai có thể hình dung được kết quả phát triển nhanh chóng và tốt đẹp của quan hệ Việt-Hàn như ngày hôm nay.
Về kinh tế, Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư đứng thứ hai, là đối tác thương mại thứ ba của Việt Nam; viện trợ phát triển của Hàn Quốc trong thời gian qua đã góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Về chính trị, chúng ta đã trở thành đối tác chiến lược, những người bạn chân thành của nhau; Tổng thống Park Geun Hye (Pắc Cưn Hê) coi Việt Nam là một trong hai đối tác quan trọng nhất của Hàn Quốc trong các nước ASEAN. Giao lưu nhân dân giữa hai nước được mở rộng, mỗi năm có gần 1 triệu lượt người của hai nước thăm viếng lẫn nhau, hiện có khoảng 130 nghìn người Hàn đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, gần 70 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc và hơn 5 nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc, hàng vạn gia đình Việt Nam-Hàn Quốc đã trở thành thông gia của nhau. Tại hai nước đã có các hội hữu nghị và nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện đang rất tích cực tham gia các hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt-Hàn. Nếu các bạn đến Việt Nam chắc các bạn sẽ cảm nhận trực tiếp được những tình cảm rất hữu nghị và chân thành của người dân chúng tôi đối với người Hàn Quốc. Theo tôi, đó là nền tảng xã hội rất quan trọng cho sự phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu bền giữa hai nước chúng ta. Thực tế quan hệ hai nước thời gian qua cho thấy chúng ta là những người bạn tốt của nhau và việc tăng cường hữu nghị và hợp tác Việt-Hàn là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới.
Thưa quý vị và các bạn,
Sáng nay, tôi đã có cuộc hội đàm rất thiết thực và hiệu quả với Bà Tổng thống Park Geun Hye. Chúng tôi đã cùng nhìn lại và rất hài lòng về sự phát triển của mối quan hệ Việt-Hàn trong những năm qua, nhất là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Tuyên bố chung Việt-Hàn vì Thịnh vượng chung được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2013 của Tổng thống Park Geun Hye đã xác định tầm nhìn và chiến lược tổng thể để phát triển quan hệ hai nước cho 20 năm tới. Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là nhằm góp phần đẩy mạnh toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn, cùng với phía Hàn Quốc xác định các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ về chính trị, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác về kinh tế, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Tôi và Bà Tổng thống đã nhất trí về rất nhiều vấn đề quan trọng để thực hiện các mục tiêu trên.
Hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam là hợp tác giữa hai nước cùng trong quá trình chuyển đổi để bước vào chu kỳ phát triển mới, là hợp tác giữa một nước công nghiệp phát triển với một nước đang phát triển đang tiến hành công nghiệp hóa, do đó chúng ta có rất nhiều cơ hội thuận lợi, có thể góp phần bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển bền vững, vì thịnh vượng chung của cả hai nước. Nhằm mục đích đó, chúng ta vừa phải khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, thương mại, phát triển du lịch...vừa cần tăng cường hoạch định, điều phối và có các chính sách phù hợp để hướng các hoạt động hợp tác vào việc đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi nước.
Thời gian tới, việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam - Hàn Quốc chắc chắn sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, đem lại những cơ hội mới để khai thác tiềm năng, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, phát triển công nghiệp cơ khí quy mô lớn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông, thủy sản và phát triển nông nghiệp. Nhiều lĩnh vực hợp tác khác cũng đang được khuyến khích đẩy mạnh như: tài chính, du lịch, tư pháp dân sự, ứng dụng công nghệ thông tin, chính phủ điện tử, chuyển giao công nghệ mũi nhọn, kiểm dịch, bảo vệ môi trường, y tế, lao động, giáo dục và dạy nghề, bảo vệ an ninh hàng hải trên các vùng biển theo luật pháp quốc tế... Chúng tôi cũng mong muốn đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, giao lưu và hợp tác giữa các địa phương của hai nước nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Hàn Quốc. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người Hàn Quốc sinh sống và làm ăn ổn định ở Việt Nam và mong phía Hàn Quốc cũng tiếp tục có các chính sách và biện pháp hỗ trợ các lao động, sinh viên và phụ nữ Việt Nam nhanh chóng hòa nhập, có cuộc sống ổn định, thuận lợi tại đất nước của các bạn.
Tôi tin tưởng rằng trên cơ sở những kết quả và kinh nghiệm đã đạt được, với tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo và sự ủng hộ của nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược Việt-Hàn sẽ tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước, khu vực và thế giới.
Thưa quý vị,
Ngài Hiệu trưởng có đề nghị tôi chia sẻ ý kiến về tình hình quốc tế và khu vực hiện nay. Đây là một đề tài rất hay và có phạm vi rộng lớn. Trong khuôn khổ thời gian cho phép, tôi xin trao đổi khái quát với các bạn một số suy nghĩ về hai vấn đề lớn đang đặt ra cho chúng ta là hòa bình và phát triển.
Chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng với nhiều biến động đa dạng, phức tạp. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng chung của nhân loại; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa là những yếu tố khách quan mở ra thời cơ lớn cho các quốc gia mở rộng hợp tác để phát triển đất nước. Một số nước như các nước BRICS và nhiều nước Đông Á, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam, đã tận dụng được cơ hội này để phát triển.
Tuy nhiên, nguyện vọng chính đáng về hòa bình và phát triển cũng đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn. Quan hệ hợp tác và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn biến ngày càng phức tạp khó lường; xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, các hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai và khủng bố có xu hướng gia tăng; tiến trình cắt giảm và giải trừ vũ khí hạt nhân vẫn rất bế tắc; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á, tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến ngày càng căng thẳng, phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xung đột, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh chung của cả khu vực và thế giới.
Con đường phát triển của nhân loại cũng đang bị thách thức bởi sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và huỷ hoại môi trường sinh thái; bởi sự gia tăng khoảng cách về trình độ phát triển giữa các quốc gia và khoảng cách giàu nghèo ở mỗi nước. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội và làm gia tăng các mâu thuẫn giữa các quốc gia và trong lòng các xã hội.
Một thực tế là toàn cầu hóa đã làm gia tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, các thách thức đặt ra là thách thức chung, đòi hỏi trách nhiệm, sự nỗ lực và sự hợp tác của tất cả các quốc gia.
Để bảo đảm hòa bình và an ninh chung, chúng ta cần phấn đấu xây dựng một trật tự quốc tế mà trong đó các quốc gia thực sự bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết mọi tranh chấp thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đối với khu vực Đông Á, trong bối cảnh tầm quan trọng về địa chính trị-kinh tế cũng như nguy cơ mất ổn định ngày càng gia tăng thì việc tuân thủ các nguyên tắc trên cũng như việc thúc đẩy hình thành các thoả thuận và cơ chế để bảo đảm hoà bình, an ninh chung và ngăn ngừa xung đột lại càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để bảo đảm phát triển bền vững, chúng ta cần đẩy mạnh cải cách, đổi mới mô hình phát triển theo hướng lấy con người làm trung tâm; hài hòa, thân thiện với môi trường, gắn tăng trưởng kinh tế với thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy hơn nữa vai trò của tri thức, công nghệ và nhân tố con người. Đồng thời, chúng ta cần mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết kinh tế theo hướng tăng cường bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu phát triển bền vững và thịnh vượng chung. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, tăng cường liên kết, hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Hàn Quốc và với các nước khác đang mở ra những cơ hội mới để thực hiện các mục tiêu này.
Thời cơ và thách thức đan xen đang đặt ra trước tất cả chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải có trách nhiệm hơn, sáng tạo hơn, hợp tác hiệu quả hơn để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, góp phần để thế giới và khu vực hòa bình và phát triển.
Thưa Ngài Hiệu trưởng,
Thưa tất cả các bạn,
Các bạn trẻ có mặt tại đây hôm nay sẽ là những người tham gia kiến tạo viễn cảnh tươi đẹp và sự phồn vinh của đất nước Hàn Quốc trong thời kỳ mới. Và tôi hy vọng chính các bạn cũng sẽ là những người viết tiếp trang sử quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả giữa hai nước chúng ta. Tôi rất mừng được biết Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc đã sớm có quan hệ và trong những năm qua đã có nhiều hoạt động trao đổi với một số trường đại học của Việt Nam, trong đó có Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Tôi mong rằng với những thành quả to lớn, quý báu trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu của mình, Đại học Nghiên cứu Quốc tế Hàn Quốc sẽ tăng cường chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và đào tạo, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam trong thời gian tới.
Tôi xin chúc Ngài Hiệu trưởng, các giáo sư, giảng viên và nhân viên nhà trường thành công hơn nữa trong sự nghiệp cao cả của mình; chúc các bạn sinh viên học tốt, rèn luyện tốt để đóng góp xứng đáng cho sự phát triển thịnh vượng của đất nước Hàn Quốc và cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước chúng ta.
Chúc tất cả quý vị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Xin cảm ơn quý vị và các bạn.
Theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam/TTXVN
Viết về đô thị, đánh thức tư duy kiến trúc Hưởng ứng Ngày Kiến trúc Thế giới 2014, Hội Kiến trúc sư Việt Nam kết hợp với Viện Kiến trúc Quốc gia phát động cuộc thi viết với chủ đề "Đô thị lành mạnh, đô thị hạnh phúc". Xây dựng đô thị Việt Nam ngày một lành mạnh, hạnh phúc (Ảnh minh họa) Cuộc thi được tổ chức nhằm đánh thức tư duy,...